| Hotline: 0983.970.780

Cao su Kon Tom, 30 năm nhìn lại

Thứ Hai 05/01/2015 , 09:04 (GMT+7)

Mỗi lần trở lại thăm tỉnh Kon Tum, tôi lại thấy có sự đổi thay, giàu có hiện lên. Điều gì đã góp phần làm thay đổi bộ mặt ở đây? Cây cao su!

Vâng, chính màu xanh của nó đã nói với tôi, 30 năm qua, cán bộ, công nhân Cty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã biến một vùng đất hoang vu, đầy lau sậy, bom mìn trở thành những vùng quê trù phú, tốt tươi.

Tôi như đứa trẻ chạy tung tăng dưới tán cao su, theo những con đường lô như bàn cờ thẳng tắp, nghe tiếng gió thổi lao xao và đâu đó đàn ong dưới gốc cao su làm mật ngọt cho đời.

Cao su, cây trồng mới đã khẳng định vị thế của mình trên đất Kon Tum và trở thành cây trồng chính của mảnh đất này. Đi khắp tỉnh Kon Tum ở huyện nào tôi cũng bắt gặp cây cao su và địa phương nào cũng nói cây cao su là cây trồng chủ lực, quan trọng bậc nhất.

Nhớ lại, cách đây 30 năm, ngày 17/8/1984, Tổng cục Cao su đã ký quyết định số 84/TCCS-QĐ chính thức thành lập Công ty Cao su Kon Tum và quyết định đồng chí Vũ Ngọc An làm quyền Giám đốc Công ty, đồng chí Nguyễn Hoàng Giác và đồng chí Trần Kiên Quyết làm Phó Giám đốc. Công ty Cao su Kon Tum hình thành từ đó.

Cái thuở ban đầu, ngày Công ty mới thành lập có dư luận cho rằng đất Kon Tum không phải là đất bazan nên không thể trồng được cao su, nếu họa chăng có trồng được thì cây cao su cũng không có mủ.

Chính dư luận này đã gây bao hoài nghi trong các cấp lãnh đạo và nhân dân tỉnh Gia Lai – Kon Tum cũ và Kon Tum hiện nay về sự tồn tại của cây cao su ở Kon Tum. Nhưng hôm nay chính màu xanh tươi tốt, năng suất, sản lượng mủ cao su đã trả lời dư luận đó. Và chính nó là bằng chứng sống không thể phủ nhận được.

Nhìn lại khoảng thời gian qua, theo mốc thời gian gắn với sự kiện của Công ty, giúp ta có thể nhận thấy từng giai đoạn của Công ty Cao su Kon Tum. Từ năm 1984 – 1988 là giai đoạn hình thành Công ty mang nặng hình thức sản xuất kinh doanh theo cơ chế tập trung bao cấp.

Giai đoạn 1989 – 1990 vô cùng khó khăn Công ty chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế hạch toán kinh doanh XHCN. Bầu sữa bao cấp không còn, viện trợ nước ngoài bị cắt… giá cả tăng, đời sống cán bộ công nhân gặp khó khăn. Giai đoạn 1990 – 2010 thời kỳ này Công ty có bước phát triển vượt bậc.

Xin đưa ra vài con số: Giai đoạn trước, ròng rã suốt 7 năm trời, được bao cấp, Công ty chỉ trồng được trên 738 ha. Nhưng vườn cao su còi cọc, kém phát triển chỉ xếp loại B, C, D. Trong năm 1997 Công ty đã trồng mới được gần 2.000 ha cao su đúng kỹ thuật, chất lượng giống tốt. Một năm bằng cả bảy năm. Quả là một thành tích kỳ diệu. Cho đến hôm nay, Công ty đã có 10.217 ha cao su trong đó có 9.100 ha đưa vào khai thác.

Từ năm 2010 đến nay là giai đoạn Công ty tập trung phát triển chiều sâu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc vườn cây, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2004, phòng thí nghiệm kiểm tra sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO17025.

Nhờ vậy mà năng suất sản lượng cao su đều tặng vượt bậc. Bình quân năng suất toàn Công ty đạt 1,8 tấn/ha, với năng suất này Công ty chính thức là thành viên câu lạc bộ 2 tấn/ha của ngành cao su.

Công ty Cao su Kon Tum dẫn đầu về năng suất, sản lượng các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên vượt xa mốc 10.000 tấn /năm. Nếu như, năm 2003 Công ty đã khai thác được 1.505 tấn mủ thì năm 2013 đã đạt sản lượng 13.500 mủ quy khô và năm 2014 này Công ty đạt năng suất tăng lên 1,87 tấn/ha sản lượng tăng 14.500 tấn.

Quả là một con số ấn tượng. Doanh thu của Công ty cũng tăng nhanh, lên 600 - 800 tỷ đồng/năm, lợi nhuận từ 100 - 200 tỷ đồng/năm. Nộp ngân sách nhà nước trên dưới 100 tỷ đồng/năm. Lương và thu nhập ngoài lương của cán bộ, công nhân không ngừng được nâng cao.

Toàn bộ cán bộ, công nhân đều được Công ty đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ theo quy định của Nhà nước. Qua tìm hiểu tôi được biết: Đạt được kết quả trên là do Công ty đã biết kết hợp lợi ích của người công nhân với lợi ích của Công ty trả lương theo doanh thu, có thưởng có phạt nghiêm minh, khuyến khích được người lao động gắn bó với vườn cây, yên tâm thâm canh, đầu tư tăng năng suất.

Công ty đã đầu tư xây dựng 2 nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 15.000 tấn/năm cho sản phẩm chất lượng cao như SVR3L, SVR5, SVR10, SVR20, RSS... Bên cạnh đó, Công ty còn giữ vai trò bà đỡ cho hàng ngàn hộ nông dân trồng cao su ở Kon Tum. Chính dòng nhựa trắng đang tuôn chảy kia mà người ta gọi là vàng trắng đã làm thay đổi cuộc sống của con người nơi đây…

Cây cao su mở rộng đến đâu, đường sá giao thông được xây dựng mới, trường học, nhà trẻ, các công trình phúc lợi khác được dựng xây, các bản làng được đổi thay, trở nên giàu có, sầm uất hơn trước rất nhiều. Những năm qua Công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng đường sá, trường học...

Với 2.466 cán bộ, công nhân; 3.129 hộ nhận khoán; 1.397 hộ liên kết trồng cao su, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc ít người là điều minh chứng cho thế đứng của cây cao su trên đất này. Một cây trồng mới, một nghề mới đã được hình thành và phát triển trên vùng đất cực Bắc Tây Nguyên.

Đến nay, cây cao su đã đi vào đời sống của ba thế hệ trong một gia đình: Bố mẹ và các con, cháu cùng nối tiếp nhau làm cao su. Tương lai chắc chắn các thế hệ nối tiếp nhau nữa họ tiếp tục làm gắn bó với cây cao su khi mà cao su còn mang lại cơm no áo ấm cho mỗi gia đình, mỗi người.

co-su-kon-tum161145216
Cty đón nhận cờ thi đua xuất sắc của Tập đoàn Công nghiệp cao su VN

30 năm - một chặng đường, Công ty Cao su Kon Tum đang bước vào tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống. Trên bước đường đi tới của mình chắc chắn Công ty còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nhưng những bài học bổ ích thời gian qua sẽ giúp cho Công ty vượt qua gian khó để đạt thành tích cao hơn.
Công ty Cao su Kon Tum đã và đang làm đổi thay cả một vùng rừng núi heo hút trở thành những vùng quê trù phú. Sức sống của vùng đất đang vươn tới tương lai ngời sáng ấm no, hạnh phúc.

Đi giữa rừng cây những ngày đông mà tôi vẫn thấy ấm lòng. Một sự bình yên đến xao lòng. Nhưng tôi cũng hiểu được rằng để có được cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay, cán bộ, công nhân Công ty Cao su Kon Tum không chỉ đổ mồ hôi công sức mà bằng cả máu của chính mình.

Những đêm bọn Fulrô quấy phá, những quả mìn, đạn của bọn Mỹ - Ngụy còn sót lại đã làm cho những cán bộ, công nhân ngã xuống và những người còn mang những vết thương trên người. Mồ hôi và máu của họ như làm xanh thêm cây lá ở đây.

Hiểu được cái giá của hòa bình nên Công ty có một lực lượng tự vệ mạnh. Có 2 đại đội gồm 1 đại đội bộ binh, 1 đại đội pháo phòng không 37 ly với 245 cán bộ chiến sĩ chiếm tỷ lệ gần 15% tổng số cán bộ, công nhân.

Lực lượng tự vệ này luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đơn vị mình. Bên cạnh đó, Công ty thực hiện tốt đạo lý “uống nước nhớ nguồn” như xây dựng nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách, phụng dưỡng suốt đời 10 bà mẹ Việt Nam anh hùng (4 mẹ đã mất, 3 mẹ ở Quảng Ngãi và 3 mẹ ở Kon Tum).

Bên cạnh đó Công ty đang hỗ trợ 100% gạo ăn cho trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh với chi phí trên 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra Công ty cũng tham gia đóng góp cho các quỹ của Kon Tum, như quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học, bếp ăn từ thiện, quỹ bảo trợ người khuyết tật, quỹ nạn nhân chất độc gia cam với số tiền đã chi đến nay gần 400 triệu đồng.

Đó là chưa kể mỗi năm Công ty đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng giúp đỡ các buôn làng, các xã khó khăn, ủng hộ người nghèo, chiến sĩ biên giới, giúp đỡ đồng bào bị bão lụt. Đó là tấm lòng thảo thơm của cán bộ, công nhân Công ty với nước với dân.

Qua tìm hiểu tôi được biết, xây dựng phát triển kinh tế, kinh doanh đạt hiệu quả cao, Công ty không quên chăm lo sự nghiệp giáo dục. Mỗi năm Công ty trích từ quỹ phúc lợi hàng chục triệu đồng để khen thưởng cho các cháu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến..

Để tạo nên khối đoàn kết thống nhất từ trên xuống dưới, Đảng bộ Công ty cùng Ban giám đốc chăm lo đến các đoàn thể quần chúng như: Công đoàn, Đoàn thanh niên, nữ công, cựu chiến binh… Các tổ chức này đã phát huy tốt vai trò của mình, vận động, chỉ đạo các đoàn viên hăng hái thi đua lao động sản xuất giỏi nhằm thực hiện mục tiêu, kế hoạch của Công ty.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất