| Hotline: 0983.970.780

Cao su tràn miền rừng cháy

Thứ Tư 24/12/2014 , 09:55 (GMT+7)

Mỗi lần lên Lai Châu trong tôi cứ khắc khoải những câu thơ “Nơi sông Đà vặn mình rung núi/ Lối Ma Ly Pho là sợi chỉ xuyên qua xống váy Mèo/ Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo./ Biến đồi hoang thành rừng cao su

Lai Châu nơi một thời tôi đã sống và yêu. Sau cả chục năm trở lại màu xanh cao su đang ngập tràn miền rừng cháy...

Chảo lửa cháy rừng

Nằm ở cuối trời Tây Bắc, Lai Châu hứng chịu những trận gió Lào thổi triền miên suốt cả mùa khô. Đêm nằm nghe gió thổi ngỡ bầy ngựa hoang phi nước đại trên khắp vùng rừng, tiếng gió hú rít trên mái nhà và qua các hốc tre, nứa nghe cuồng điên và man dại.

Ngày nhìn ngọn gió cuốn bụi bay mù trời, rừng cây dậy lên những lớp sóng miên man không bao giờ dứt, khiến cây cỏ, đất đai tơi tả khô xác sau mùa mưa ồn ào mau chóng đi qua.

Ký ức về mùa khô trong những năm tháng dạy học ở Lai Châu không dễ phai nhòa. Mùa khô là mùa đốt nương làm rẫy, mùa săn bắn thú rừng, mùa đốt các bãi chăn thả gia súc để mùa xuân cỏ lên xanh hơn.

Ngọn lửa đốt rừng mùa khô cháy suốt đêm ngày, cháy từ sườn núi này sang sườn núi khác ròng rã hàng tháng trời và suốt cả mùa khô.

Trên con đường đi vào nơi tôi dạy học gần 30 cây số đường rừng, cách nay 40 năm là một vùng rừng cháy, dọc con đường vào Nậm Sỏ từ dốc Nà Ban lên tới đỉnh đèo Ngam Kha, rồi nhìn lên dãy Hoàng Liên đâu đâu cũng thấy cháy rừng.

10-54-12_h4
Ông Lý Văn Mạnh (phải) tự ươm giống cao su trồng trên diện tích tiểu điền

Mỗi năm có hàng trăm vụ cháy rừng lớn nhỏ, bởi thế Lai Châu được ví là chảo lửa cháy rừng Tây Bắc. Sau mùa khô nhìn lên mặt núi đen sì, loang lổ những đám tro than. Đi qua vùng rừng cháy hoang hoải, một nỗi cô đơn khủng khiếp, cứ ngỡ ngọn lửa cháy rừng sắp thiêu đốt chính mình...

Lời mách từ những cây cao su bỏ quên

Năm 2004 tỉnh Lai Châu được tách ra thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Cây cao su được nhắc tới như sự tình cờ, đầu năm 2006 đồng chí Trương Tấn Sang và Trương Vĩnh Trọng lên thăm Lai Châu.

Từ bên này biên giới nhìn những đồi cao su chạy ngút ngàn phía bên kia Trung Quốc, hai đồng chí lãnh đạo Đảng mới đặt câu hỏi: Trung Quốc trồng được cây cao su, tại sao Lai Châu không trồng cao su?

Khi đó mọi người mới nhớ ra, cách đây hơn chục năm thực hiện Chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi núi trọc, người Trung Quốc mang sang một số cây cao su để người dân trồng thử, nếu thành công thì Lai Châu sẽ là vùng nguyên liệu cung cấp mủ cao su cho các nhà máy chế biến của họ.

Số cây cao su được trồng trên đồi nhà ông Trang Văn Tỏn, bản Huổi Luông, xã Hoang Thèn. Chẳng ngờ số cây cao su đó sống và phát triển qua những mùa đông buốt giá, như một loài cây hoang dại, lớn lên trong sự lãng quên của gia đình ông Tỏn.

10-54-12_h1
Tác giả bên gốc cây cao su cổ thụ tại Lai Châu

Nghe chuyện đó hai đồng chí lãnh đạo Đảng đến tận nơi để xem những cây cao su đó thế nào. Thật không thể tin nổi, gần hai chục cây cao su nhà ông Trang Văn Tỏn sau hơn chục năm đã to bằng cả người ôm cứ ngỡ chúng trồng từ mấy chục năm.

Tận mắt nhìn, tận tay sờ vào gốc cây cao su, hai đồng chí Trương Tấn sang và Trương Vĩnh Trọng mới nói với lãnh đạo tỉnh Lai Châu: Không còn nghi ngờ gì nữa, đất Lai Châu phù hợp với cây cao su, các đồng chí muốn người dân thoát nghèo và trở thành giàu có không thể cứ phát rừng làm nương mà hãy trồng thứ cây vàng trắng này...

Miền rừng cháy tràn ngập màu xanh cao su

Từ gợi ý và khuyến khích của hai đồng chí lãnh đạo Đảng, tỉnh Lai Châu quyết tâm bắt tay vào trồng cao su.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu, ông Hà Văn Um nhớ lại: Tôi khi đó là chủ tịch huyện Phong Thổ được tỉnh giao trồng 100 ha cao su. Quả thật, lúc bấy giờ không mấy người tin cây cao su trụ nổi trên mảnh đất ngùn ngụt nắng gió và mùa đông lạnh giá nơi này. Tôi đã sáu lần sang Trung Quốc để tìm hiểu về cây cao su.

Hai giống cao su Vân Nghiên 77-2, Vân Nghiên 77-4 của Trung Quốc được nhập vào Lai Châu trồng thử nghiệm 100 ha trên đất hai xã Hoang Thèn và Ma Ly Pho năm 2006. Đợt hai nhập thêm giống để trồng 40 ha, cây chết quá nửa.

10-54-12_h3
Công nhân Cty CP cao su Lai Châu I làm cỏ cho vườn cao su

Ông Nguyễn Văn Biển - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Lai Châu: Hết năm 2014 tổng diện tích cao su Lai Châu trồng được hơn 12.600 ha. Trong đó Cty CP Cao su Lai Châu I trồng hơn 6.700 ha, Cty CP Cao su Lai Châu II trồng hơn 4.000 ha, Cty CP Cao su Dầu Tiếng trồng 700 ha tại huyện Than Uyên, cao su tiểu điền do người dân trồng 528 ha.
Theo dự kiến Lai Châu sẽ xây dựng 7 nhà máy chế biến mủ cao su, năm 2015 sẽ xây dựng nhà máy chế biến mủ đầu tiên tại xã Nà Tăm, huyện Sìn Hồ phục vụ cho việc khai thác thí điểm trước khi tổ chức khai thác đại trà...

Nản quá, năm 2007 Phong Thổ không nhập giống cao su Trung Quốc mà đưa giống cao su: GT1, Lai Hoa, Ian... từ miền Nam ra trồng 260 ha trên diện tích 429 ha quy hoạch tiểu điền. Số này cũng chết quá nhiều do vận chuyển đường xa, khiến nhiều người không còn tin vào cây cao su trụ vững trên đất Lai Châu.

Hà Văn Um phải mang sinh mạng chính trị của mình để đánh cược với mọi người: Cần phải tìm ra nguyên nhân vì sao cây cao su chết, đã đến lúc mọi người phải ăn và ngủ cùng cây cao su...

Nhắc lại những ngày đầu ấy để thấy sự khó khăn và vất vả biết nhường nào. Năm 2007 tỉnh Lai Châu mời Tập đoàn Cao su Việt Nam lên Lai Châu phát triển cao su trên vùng đất Tây Bắc.

Từ những cây cao su cổ thụ được trồng từ năm 1993, từ diện tích của các hộ trồng cao su tiểu điền đang lên xanh tốt khiến Tập đoàn Cao su Việt Nam quyết tâm đầu tư vào vùng núi phía Bắc 200.000 ha cao su mà trọng điểm là Lai Châu. Cty CP Cao su Lai Châu I, Lai Châu II được thành lập, năm 2008 Chương trình phát triển cao su đại điền bắt đầu được triển khai.

Con đường dẫn vào Ma Ly Pho nằm dọc bờ sông Nậm Na từ trên cao nhìn xuống chẳng khác gì “sợi chỉ xuyên qua xống váy Mèo” mà Trần Mạnh Hảo đã ví.

Hai bên sườn núi là bạt ngàn rừng cao su xanh thẫm, nối nhau chạy tít tắp. Thật không thể tin nổi cách nay 8 năm, khi phát động trồng cao su nhiều người còn do dự thì nay cả một vùng rừng cháy đã bạt ngàn màu xanh cao su.

Xã Ma Ly Pho nằm trên con đường ra cửa khẩu Ma Lù Thàng, ba năm nay cuộc sống của người dân đã khá hơn rất nhiều từ việc bán mủ cao su tiểu điền được trồng từ năm 2006 sang Trung Quốc. Trong 528 ha cao su tiểu điền đã có hơn 300 ha được khai thác mủ.

Người dân tự sang Trung Quốc mua dụng cụ cạo mủ rồi bán cho các thương nhân bên ấy, đến nay không mấy người còn bỡ ngỡ chuyện “mổ” mủ cao su như năm 2012. Giá mủ cao su năm 2014 được bán từ 35.000- 37.000đ/kg, tùy từng thời điểm và từng cơ sở thu mua phía Trung Quốc. Có người bán thẳng cho đại lý không qua các đầu mối thu gom thì được giá 40.000đ/kg mủ.

Bà Tẩn Xá Đẩu cho hay: Nhà mình có 800 cây, nhưng mới khai thác hơn 600 cây. Cứ 3 giờ sáng là mình dậy lên đồi cạo mủ rồi. Không nhớ hết đâu, năm nay nhà mình bán mủ được hơn 60 hay 70 triệu à... Tính ra mỗi ha cao su khi đến tuổi khai thác cho thu nhập từ 55-60 triệu đồng, không một cây gì ở miền núi cho thu nhập cao như vậy.

10-54-12_h2
Bà Tẩn Xá Đẩu cạo mủ cao su

Gia đình ông Lý Văn Mạnh, bản Nậm Coóng, xã Hoang Thèn ngoài việc góp đất với Cty trồng cao su, ông còn dành đất để trồng gần 3 ha cao su tiểu điền từ năm 2006. Năm ngoái ông tự gieo cao su để ghép, ông bảo: Gia đình tôi gieo khoảng 1 vạn gốc cho mấy anh em trong nhà, chúng tôi dự kiến trồng khoảng 2-3 ha nữa.

Tôi hỏi ông Mạnh năm nay thu được bao nhiêu tiền bán mủ. Ông Mạnh cười hồn nhiên: Cũng đủ tiêu bác ạ...

Dẫn tôi đi xem những cây cao su cổ thụ trồng từ năm 1993, ông Nguyễn Văn Ái - PGĐ Sở NN-PTNT Lai Châu nhận xét: Trong những cây trồng ở Lai Châu không cây nào được người dân nhiệt tình ủng hộ như cây cao su. Theo kế hoạch đến năm 2020 Lai Châu trồng khoảng 20.000-25.000 ha. Cây cao su không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nó đang trở thành cây làm giàu cho người dân...

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm