| Hotline: 0983.970.780

Cấp 101 suất đất cho cán bộ, viên chức: Huyện sốt sắng, xã im ắng

Thứ Hai 15/05/2017 , 13:20 (GMT+7)

Dù đã đóng nộp tiền đầy đủ gần 3 năm nhưng 80 cán bộ, viên chức huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) vẫn chưa được cấp đất...

Phía chính quyền huyện tỏ ra sốt sắng nhưng xã vẫn “bình chân như vại”, trong khi nhiều cán bộ, viên chức phải vay tiền, thậm chí vay lãi nóng để đóng nộp đúng thời hạn xã đề ra.
 

Tiền thu cấp bách, cấp đất chây ì

Nhằm ổn định đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức huyện Lộc Hà, UBND huyện có chủ trương cấp đất ở cho cho cán bộ, công chức, viên chức hành chính Nhà nước của huyện. Việc cấp đất được chia thành 3 đợt với hơn 300 suất.

13-55-25_1
Vùng quy hoạch cấp đất cho cán bộ, công chức, viên chức người dân vẫn canh tác

Sau khi tính toán kinh phí hạ tầng, UBND huyện giao UBND xã Thạch Bằng tạm thu mỗi đối tượng 100 triệu đồng để tạo kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Hai đợt cấp trước với 200 suất được hoàn thành nhanh chóng. Ngày 3/12/2014 BQL dự án cấp đất tiếp tục thống nhất danh sách cấp đất ở lần 3 cho 101 cán bộ, công chức, viên chức. UBND huyện yêu cầu các phòng ban và xã Thạch Bằng gấp rút xây dựng phương án, lên kế hoạch thực hiện nhằm đảm bảo đơn giá, khẩn trương xây dựng hạ tầng nhằm đạt kết quả tốt nhất.

Ngày 15/12/2014 UBND xã Thạch Bằng có thông báo yêu cầu các đối tượng thuộc diện cấp đất nộp kinh phí tạm thu với số tiền 100 triệu đồng. Thông báo này nêu rõ: “UBND xã Thạch Bằng thông báo cho ông (bà)… đến tại phòng tài chính xã Thạch Bằng để làm thủ tục tạm nộp kinh phí cấp đất ở với số tiền 100 triệu đồng… Sau thời gian 7 ngày kể từ ngày thông báo nếu ông (bà) không thực hiện thì UBND xã Thạch Bằng không chịu trách nhiệm về việc làm thủ tục cấp đất cho ông (bà)”.

Để không bị “tuột” mất cơ hội của mình, nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã chạy đôn chạy đáo lo đủ số tiền 100 triệu đồng trong thời hạn tối đa “7 ngày”. Nhiều người phải cắm sổ lương, vay ngân hàng, thậm chí chấp nhận vay lãi nóng để có đủ số tiền nộp đúng thời hạn với niềm tin chỉ trong thời gian ngắn họ sẽ được cấp đất theo quy định. Thế nhưng, đến nay đã gần 3 năm, việc cấp đất vẫn giẫm chân tại chỗ. Nhiều người phải “còng lưng” gánh lãi ngân hàng, một số đành vay chỗ nọ đập chỗ kia.

Một cán bộ xin giấu tên cho biết: “Hai vợ chồng kết hôn đã lâu nhưng chưa có tiền mua đất. Được cơ quan tạo điều kiện mua đất cấp, tôi rất phấn khởi. Thời điểm đó, sau khi có công văn của xã Thạch Bằng, tôi liền tức tốc vay mượn của anh em cho đủ 100 triệu đồng để nộp. Cứ tưởng khi được cầm sổ đỏ trong tay sẽ tạm thời “cắm” sổ lấy tiền trả cho anh em trước. Không ngờ chính quyền xã “ép” chúng tôi nộp tiền xong đến giờ vẫn chưa có động tĩnh gì”.

Anh H. ngồi bên cạnh tiếp lời: “Hầu hết để có tiền đóng đợt đó anh em đều đi mượn cả. Tôi đang phân vân không biết số tiền chúng tôi nộp họ sử dụng vào việc gì? Liệu có sử dụng sai mục đích hay không?”.
 

Xã “phớt lờ” chỉ đạo cấp trên

Việc cấp đất cho cán bộ công chức, viên chức huyện Lộc Hà được chính quyền huyện liên tục đốc thúc, nhiều lần ra văn bản yêu cầu xã Thạch Bằng hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường, GPMB cho các hộ dân nằm trong quy hoạch. Sự việc xảy ra đến nay đã gần 3 năm, thế nhưng những văn bản chỉ đạo của UBND huyện về việc cấp đất cho cán bộ, công chức, viên chức vẫn không làm chính quyền xã Thạch Bằng “bận tâm”. Một cán bộ huyện thông tin rằng có thời điểm UBND huyện ra văn bản một tuần một lần nhưng phía xã vẫn “bình chân như vại”.

13-55-25_2
Thông báo thể hiện tính cấp bách

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đình Cương, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Bằng cho biết: Chúng tôi đã thu 8 tỷ đồng/80 cán bộ, công chức viên chức. Với số tiền đó, xã trả đền bù gần 5,4 tỷ, tiền thiết kế hơn 400 triệu, còn lại hơn 2 tỷ đồng không đủ làm hạ tầng, trong khi hạ tầng thiết kế theo đô thị hết 16 tỷ đồng. Với thiết kế đó phải thu một người khoảng 300 triệu mới đủ làm hạ tầng đô thị.

 Ngoài ra cũng cắt một phần tiền làm tái định cư cho các hộ dân khác và làm các tuyến đường của huyện?! Về giải phóng mặt bằng xã đã làm cơ bản, hiện tại vẫn còn 4 hộ nhùng nhằng chưa nhận tiền đền bù. “Trước mắt, chúng tôi sẽ cho bốc thăm, phân lô rồi làm sổ đỏ trước, về hạ tầng sẽ tìm nguồn, tìm dự án làm sau. Dự kiến việc làm sổ đỏ đến tháng 7 hoặc tháng 8 này sẽ hoàn thành”, ông Cương cho biết thêm.

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hồng Cơ, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lộc Hà khẳng định không có chuyện làm sổ đỏ trước mới làm hạ tầng “việc đó là sai quy trình cấp đất, không thể dung túng cho cái sai này nối tiếp cái sai khác. Theo nguyên tắc là phải đảm bảo hạ tầng rồi mới được cấp đất ở. Bây giờ ra chỉ cái ruộng rồi bảo cấp đất cho đấy để làm nhà ở thì ai chấp nhận cho?”.

Cũng theo ông Cơ, đến thời điểm hiện nay, việc giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng chưa xong vì thế chưa đủ điều kiện để làm bìa đỏ. Việc xây dựng hạ tầng, khi quy hoạch đã được cơ quan chức năng huyện Lộc Hà cân đối, phê duyệt tổng thể đối với việc cấp đất cho cán bộ, công chức, viên chức là 24 tỷ đồng, đền bù GPMB là 7 tỷ đồng, tổng toàn bộ là 31 tỷ đồng. Với 31 tỷ đồng chia ra cho 300 suất là mỗi suất 100 triệu đồng, đủ để GPMB và xây dựng hạ tầng.

Ông Cơ cho biết: “Tại các cuộc họp, huyện cũng yêu cầu xã Thạch Bằng báo cáo trung thực việc thu chi tài chính. Anh em nộp tiền là để giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng cấp đất cho anh em nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Huyện đã đôn đốc rất nhiều lần nhưng để thực hiện được phải xử lý tầm vĩ mô nghĩa là phải có đủ kinh phí để làm hạ tầng.

Chúng tôi đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy tháo gỡ cho xã Thạch Bằng bằng cách huyện sẽ tạo quỹ đất cho xã bán đấu giá để bù vào các khoản trả nợ, xã Thạch Bằng phải gấp rút hoàn thành GPMB và làm hạ tầng để cấp đất cho các đối tượng được cấp”.

Việc cấp đất chậm trễ của xã Thạch Bằng khiến dư luận đặt câu hỏi: “Liệu số tiền tạm thu đã được sử dụng đúng mục đích?!Có hay không việc chính quyền UBND xã Thạch Bằng gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi?

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất