| Hotline: 0983.970.780

Cấp đất 'ảo' ở trung tâm Cần Thơ: Một điển hình rối rắm trong quản lý

Thứ Tư 27/02/2019 , 13:10 (GMT+7)

Chỉ tồn tại trên giấy nhưng gắn vào một mảnh đất ở trung tâm TP Cần Thơ, nhiều cơ quan làm thủ tục cấp sổ đỏ và chứng thực để mua bán nhiều lần, thế chấp vay tiền nhiều ngân hàng; khi phát hiện “ảo” thì không giải quyết được, kéo dài nhiều năm.

Đầu năm nay, có loạt đơn yêu cầu UBND TP Cần Thơ bồi thường, tòa án giải quyết và tố cáo “hành vi trái pháp luật” của hai cựu quan chức ngành TN-MT.
 

Đất 'ảo' qua mọi cửa

Mảnh đất “ảo” được ghi diện tích 84m2 gắn vào lô số 34, trục đường C2 của Trung tâm Thương mại Cái Khế (Ninh Kiều, Cần Thơ). Nguyên do hồi mới mở ra Trung tâm Thương mại Cái Khế, các nền phố còn trên giấy, vợ chồng ông Trang Văn Nông mua một nền, được cấp sổ đỏ ngày 24/9/2001 mảnh đất ghi như thế. Để có sổ đỏ, vợ chồng ông Nông phải có đơn qua UBND phường, được Trung tâm Đo đạc bản đồ của Sở TN-MT vẽ “lược đồ giải thửa”, nộp nhiều loại thuế.

16-23-11_2102191
Mảnh đất “ảo” được gắn vào lô số 34 (có ô tô đậu phía trước), hiện vẫn trống giữa dãy phố cao tầng

Sau đó, vợ chồng ông Nông bán cho vợ chồng ông Ngô Minh Phong, cũng qua đủ cơ quan quản lý từ dưới lên, nộp các loại thuế. Ngày 28/1/2002, vợ chồng ông Phong được Sở TN-MT sang tên sổ đỏ mảnh đất. Năm 2005, vợ chồng ông Phong bán mảnh đất cho một người quen, lại qua đủ cơ quan để sang tên cho người quen vào ngày 21/3/2005. Nhưng người quen trả tiền không đủ nên mảnh đất được làm thủ tục để quay về ông Phong vào ngày 30/6/2005, vẫn qua đủ cơ quan quản lý và nộp thuế.

Từ năm 2009 đến 2011, vợ chồng ông Phong 6 lần đem đất thế chấp để vay tiền ở nhiều ngân hàng. Lần vay cuối không trả được và bị ngân hàng kiện ra tòa. Ngày 22/3/2013, hai bên thỏa thuận thành công được TAND quận Thốt Nốt (Cần Thơ) ra quyết định công nhận, theo đó, ông Phong phải trả vốn và lãi cho ngân hàng trong 4 tháng. Để có tiền trả nợ, ông Phong cắm bảng bán mảnh đất thì một người phụ nữ xuất hiện ngăn cản, bà mới là chủ thực sự của mảnh đất với đầy đủ giấy tờ.
 

Đùn đẩy giải quyết

Ông Phong kể, mỗi lần mua bán hoặc thế chấp vay tiền ngân hàng, các bên liên quan đều đến coi đất và được cán bộ địa phương xác nhận đầy đủ. Ở đây, có một sự trùng hợp hy hữu, hàng chục năm trôi qua, Trung tâm Thương mại Cái Khế mọc lên các dãy phố cao tầng thì lô đất số 34 vẫn để trống. Chủ lô đất sau lần xuất hiện ngăn ông Phong cắm bảng bán, đã cho gác tạm mái tôn vào tường nhà bên cạnh để giữ đất và vẫn để trống đến nay.

Hồi giữa năm 2015, Thanh tra thành phố Cần Thơ có kết luận: Việc cấp sổ đỏ mảnh đất từ đầu cho vợ chồng ông Nông là “trái với quy định của pháp luật”. Nhưng vợ chồng ông Nông “không có dấu hiệu lừa đảo”, kết luận của Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ. Sai là ở các cơ quan quản lý địa phương.

Sau các kết luận vừa nêu, vợ chồng ông Phong gửi đơn yêu cầu UBND TP Cần Thơ và Sở TN-MT bồi thường 4,2 tỷ đồng hoặc giao mảnh đất tương đương. Nhưng UBND thành phố có công văn hướng dẫn vợ chồng ông Phong kiện ra tòa để có cơ sở bồi thường.

Cuối năm 2016, vợ chồng ông Phong kiện ra tòa đòi UBND thành phố bồi thường 4,2 tỷ đồng. Ngày 10/1/2017, TAND TP Cần Thơ trả đơn, cho rằng chưa đủ điều kiện khởi kiện vì “chưa được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại giải quyết theo quy định tại Mục 2, Chương 2 của Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước”. Vợ chồng ông Phong trở lại yêu cầu UBND TP Cần Thơ bồi thường thì ngày 25/7/2017, UBND thành phố hướng dẫn “khởi kiện ông Trang Văn Nông”.

Nhưng không còn thời hiệu khởi kiện ông Nông nên vợ chồng ông Phong vẫn đòi UBND TP Cần Thơ bồi thường. Ngày 25/9/2017, UBND thành phố có công văn trả lời là “chưa thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND thành phố”, mà cần phải xác định “người có hành vi vi phạm dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận trái pháp luật”. Có quá nhiều người liên quan nên ngày 10/10/2017, ông Phong làm đơn yêu cầu “Chủ tịch UBND thành phố ban hành văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ của vụ việc”. Vụ việc nhùng nhằng nên ngày 25/1/2019, vợ chồng ông Phong tiếp tục gửi đơn yêu cầu “UBND TP Cần Thơ bồi thường thiệt hại”.

Về đường khởi kiện, ngày 20/4/2018, TAND TP Cần Thơ mời ông Phong làm việc nhưng ông bận việc nên hoãn và im lặng kéo dài. Ngày 11/2/2019, ông Phong lại có đơn đề nghị TAND TP Cần Thơ “xem xét giải quyết đơn khởi kiện”.
 

Tố cáo hai cựu quan chức

Cùng ngày 11/2/2019, vợ chồng ông Phong có đơn đến Sở TN-MT tố cáo cựu Giám đốc Lê Trung Vinh và đơn đến UBND quận Ninh Kiều tố cáo cựu Trưởng phòng TN-MT Nguyễn Văn Kết về “hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ”.

Đơn tố cáo ông Lê Trung Vinh luận rằng, việc cấp sổ đỏ mảnh đất từ ban đầu cho vợ chồng ông Nông là trái pháp luật “nhưng ngày 28/1/2002 ông Lê Trung Vinh - Giám đốc Sở TN-MT thời điểm đó vẫn xác nhận việc chuyển nhượng từ vợ chồng ông Nông sang tên cho tôi, dẫn đến hậu quả là tôi nhận chuyển nhượng có giấy nhưng không có đất trên thực tế”. Vì vậy, “đề nghị Giám đốc Sở TN-MT TP Cần Thơ xem xét xác minh, kết luận nội dung tố cáo của tôi và áp dụng biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật”.

Còn đơn tố cáo ông Nguyễn Văn Kết cho rằng, khi cấp sổ đỏ lần đầu, Phòng TN-MT quận Ninh Kiều thẩm tra ngày 31/12/2001 ghi nội dung hoàn toàn sai thực tế: “Đúng theo hồ sơ chứng nhận quyền sử dụng đất có vị trí trên bản đồ và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Từ đó dẫn đến loạt vi phạm về sau, với nhiều lần ông Kết ký xác nhận mua bán để gây thiệt hại cho vợ chồng ông Phong. Đơn của vợ chồng ông Phong “tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của ông Nguyễn Văn Kết đến Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều” đề nghị “áp dụng biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật”.

Luật sư Phạm Hồng Du (Văn phòng Luật sư Vạn Lý - Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho rằng: “Đây là vụ điển hình về sự rối rắm và yếu kém trong quản lý đất. Hiện rất cần các cơ quan chức năng ở Cần Thơ xác định trách nhiệm công vụ cụ thể để sửa sai có kết quả, rút ra bài học chung”.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất