| Hotline: 0983.970.780

Cấp phát gà để đẻ trứng cho hộ nghèo: Chuyện không chỉ ở bữa ăn

Thứ Hai 25/11/2019 , 08:22 (GMT+7)

Những con gà được cấp phát theo Chương trình "Không còn nạn đói" đã bắt đầu cho những quả trứng đầu tiên.

Thế nhưng cái mà bà con ở Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai) thu được không chỉ là các món ăn chế biến từ trứng gà mà người dân ở đây dần hiểu biết hơn về bữa ăn đủ dinh dưỡng nhất là đối với trẻ nhỏ.
 

Phấn khởi vì gà bắt đầu đẻ trứng

Ở thị trấn Bắc Hà nhiệt độ ban ngày còn khá cao, người ta có thể mặc áo sơ mi ra đường, nhưng chỉ lên đến xã Hoàng Thu Phố thời tiết giờ này đã khác hẳn. Nhiệt độ giữa trưa ở nơi này chỉ khoảng 12-14 độ C, sương mù có lúc đặc quánh không nhìn thấy đường đi.

Ông Sùng Seo Nắng, người thôn Hoàng Hạ (xã Hoàng Thu Phố) mặc chiếc áo khoác chưa cài khóa bước vội ra ngoài để xem đàn gà có mới nhận tháng trước về có đủ ấm khi nhiệt độ xuống thấp. Sau khi kiểm tra chuồng trại, ông Nắng cho đàn gà ăn và uống nước theo đúng chỉ dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà.

09-25-00_img_0269
Ông Sùng Seo Nắng ở thôn Hoàng Hạ (xã Hoàng Thu Phố, Bắc Hà) chăm sóc kỹ lưỡng cho từng con gà.

Gia đình ông Nắng sống phụ thuộc hoàn toàn vào làm ruộng, lúa thì một năm được một vụ, còn ngô năm hai vụ. Còn trồng đậu tương theo ông Nắng thì trồng cây này phức tạp, không dễ, may ra chỉ đủ ăn. Vợ chồng ông Nắng có cả thảy 4 đứa con, đứa lớn nhất năm nay lên 11 tuổi người, đứa bé nhất mới tròn 2 tuổi... Người thì đông, của thì ít, chính vì thế, hết năm này qua năm khác cứ nai lưng lên nương, làm rãy mà nhà ông Nắng… vẫn nghèo.

Thế nên bữa cơm cho các con chẳng có gì ngoài rau, nước chấm. Lâu lâu mới có lạng thịt để cải thiện bữa ăn cho các con. Từ ngày được cấp phát gà, ông Nắng phấn khởi lắm, nhất là lại được cán bộ chỉ bảo cách chăn nuôi tận tình để gà đẻ trứng, rồi lấy trứng cải thiện món ăn cho các con.

“Cách đây mấy ngày trong số 20 con gà được nhận, có con bắt đầu đẻ trứng rồi. Trứng chưa nhiều, chỉ lác đác vài quả nhưng đúng là các con ăn ngon miệng hơn”, ông Nắng nói.

Ông Nắng bảo: "Trước giờ nuôi vậy chúng nó vẫn lớn thế mà tôi đâu có biết ăn như thế chúng nó thiếu chất, chúng nó còi cọc mà không nhận ra. Nói như cán bộ là không đủ dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, chiều cao và cả trí thông minh của bọn trẻ. Giờ tôi còn trồng thêm nhiều loại rau xanh cho các con ăn nữa".

Tuy nhiên, những đứa trẻ ở xã Hoàng Thu Phố bị suy dinh dưỡng như con của ông Nắng không phải hiếm, nhất là ở thôn Hoàng Hạ và Chồ Chải.

Chị Lâm Thị Tuyết, cán bộ y tế xã Hoàng Thu Phố cho biết, bữa cơm của các gia đình ở đây chủ yếu là ăn cơm rau, còn thịt không phải ngày nào cũng có.

“Chợ thì xa, cách xã tận 8km nên cuối tuần thì bà con có điều kiện mới đi chợ. Ở đây người ta không mổ lợn mà nhiều nhà cũng không có lợn để mổ. Nên thức ăn trong bữa cơm thường là rau củ nhà trồng được, may ra thì có con ngan, con gà để ăn nhưng không phải ngày nào cũng có như ở dưới thị trấn”, chị Tuyết nói.
 

Cũng theo chị Lâm Thị Tuyết, vì chất lượng bữa ăn thất thường, lại không đủ chất nên tỷ lệ trẻ con ở Hoàng Thu Phố bị suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi khá cao (36,86%), còn suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi (19,59%). Cũng một phần do thiếu dinh dưỡng nên ảnh hưởng tới sức khỏe các cháu, khi thời tiết thay đổi dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp, ho...

Nâng cao nhận thức người dân

Cũng như nhiều gia đình khác ở thôn Hoàng Hạ, gà được nhận hỗ trợ từ chương trình không còn nạn đói bắt đầu đẻ trứng.

Cầm trên tay 4 quả trứng gà vừa đẻ, bà Sùng Thị Mỷ cẩn thận cất vào trong chạn bát đũa để cho 3 đứa cháu ăn dần. Các con của bà Mỷ hiện đi làm thuê ở Trung Quốc, nên chỉ có 4 bà cháu ở nhà.

Bà Mỷ cho biết, trước thì nuôi bố của chúng nó thế nào thì nay nuôi chúng nó như thế. Nhà có gì ăn nấy thôi. Nhưng từ ngày ông trưởng thôn với cán bộ xã tuyên truyền là phải tăng cường cho các cháu ăn đủ chất để không bị suy dinh dưỡng, bà đã ý thức hơn điều này.

Từ ngày các hộ nghèo nhận gà về để nuôi lấy trứng, ông trưởng thôn Hoàng Hạ là Chấu Seo Pủa cũng bận rộn hơn nhiều bởi phải đến từng nhà tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc bà con chăm gà. Trong khi, địa bàn đi lại khó khăn.

Ông Pủa nói, về cơ bản là bà con nhận thức được mục đích của việc cấp phát, nuôi gà lấy trứng. Trước đó, thôn cũng họp người dân để bình xét nhà nào mới được nhận gà và thông báo rõ mục đích, đây là một trong những chương trình thiết thực của Bộ NN- PTNT nằm trong kế hoạch hành động quốc gia “không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025. 

09-25-00_img_5704
Bà Sùng Thị Mỷ ở thôn Hoàng Hạ (xã Hoàng Thu Phố, Bắc Hà) cùng 3 đứa cháu nhỏ ngồi bên bếp củi.

Chương trình nhằm mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng cho người dân để nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Đặc biệt là yêu cầu bà con cam kết không được thịt bất cứ con gà nào trong đàn để ăn, nếu không thực hiện đúng bà con sẽ không được nuôi gà lấy trứng nữa”, ông Pủa nói.

Gà của hộ gia đình ông Sùng Seo Tân sau hơn 1 tháng nhận về cũng bắt đầu đẻ những quả trứng đầu tiên. Ông Tân nói, nếu 20 con gà đồng loạt đẻ thì trứng không chỉ đủ cho 3 đứa con ăn hằng ngày mà còn đủ cho cả gia đình ăn thoải mái...

Phó Chủ tịch xã Hoàng Thu Phố Sùng Seo Mào cho biết, việc cấp phát gà cho hộ nghèo nhằm nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho hộ gia đình trong đó tập trung vào trẻ nhỏ, phụ nữ, những người trong độ tuổi lao động ở thôn Hoàng Hạ và thôn Chồ Chải là hết sức thiết thực, cấp thiết.

Những con gà được cấp cho 46 hộ nghèo ở thôn Chồ Chải và Hoàng Hạ (xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà) đã bắt đầu cho những quả trứng đầu tiên, góp phần cải thiện bữa ăn hằng ngày của họ.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con ở đây hiểu về vấn đề dinh dưỡng. Khi hiểu rồi bà con sẵn sàng làm theo.

Nhưng cũng có khó khăn nhất định bởi bà con đồng bào thiểu số chủ yếu là người Mông sự hiểu biết, kiến thức còn hạn chế, ngay cả việc nghe nói tiếng phổ thông cthì hỉ những người thế hệ 8x trở lên mới thành thạo, còn thế hệ 7x thì chỉ nói được 50%.

Vì vậy, song song với việc tuyên truyền, trong thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan đơn vị, tiến hành tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho các hộ tham gia mô hình; phấn đấu các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng quanh năm.

09-25-00_img_5707
Bà Sùng Thị Mỷ bế đứa cháu nhỏ ra xem đàn gà được cấp cách đây hơn 1 tháng.

Ngoài ra, chương trình cũng đặt ra mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ suy dinh ở trẻ dưới 5 tuổi từ 5-10%; tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và tăng thu nhập lên 5-10%. Tiến tới xây dựng các tổ nhóm sở thích sản xuất đậu tương và gà đẻ trứng, từng bước đưa các hộ thoạt nghèo và phát triển kinh tế bền vững tại địa phương...

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm