| Hotline: 0983.970.780

Cấp tập giải cứu giá heo và cơ hội lập lại 'trật tự' chăn nuôi lợn

Thứ Sáu 05/05/2017 , 06:30 (GMT+7)

Sự thảm hại của thị trường thịt lợn thời gian qua là một cú ngã đau đớn, nhưng đồng thời cũng là “bài test” khốc liệt để chăn nuôi lợn Việt Nam phải tiếp tục nâng sức cạnh tranh.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, việc “giải cứu” thịt lợn hiện nay chỉ là giải pháp trước mắt.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Về lâu dài, để đưa chăn nuôi lợn trở về ổn định, sẽ cần các giải pháp tổng thể, mỗi giải pháp đóng góp một phần tác động theo tinh thần “con ruồi cũng nặng đầu cân”. Đây không chỉ là vấn đề một mình Bộ NN-PTNT có thể làm được, mà cần sự vào cuộc của các bộ ngành khác.

Nguyên nhân chính khiến giá lợn bị rớt thảm hại, kéo dài thời gian qua là do tăng đàn quá khủng khiếp. Có ý kiến cho rằng, ngành chăn nuôi đã không phanh kịp thời, thưa ông?

Liên tục từ năm 2015 tới giữa năm 2016, giá lợn tăng chóng mặt, đặc biệt tại phía Bắc có thời điểm lên tới 55-57 nghìn đồng/kg. Trước tình hình này, liên tục trong tháng 5 và tháng 6 năm 2016, Cục Chăn nuôi đã nhiều lần có văn bản gửi các địa phương cũng như thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng khuyến cáo người chăn nuôi không tăng đàn bằng mọi giá.

Tại các văn bản này, Cục đã nêu rõ việc giá lợn tăng cao chỉ là tín hiệu thị trường ngắn hạn. Việc tăng đàn sẽ phải đi đôi với việc xác định tiêu thụ theo phân khúc thị trường. Trong khi đó thị trường trong nước không thể kỳ vọng một sớm một chiều mà tăng được sức mua, còn khả năng XK thì cũng không ngày một ngày hai.

Thị trường Trung Quốc mặc dù là thị trường tiềm năng, nhưng lâu nay chỉ có XK tiểu ngạch, rất rủi ro, thiếu ổn định, trong khi việc đàm phán để XK chính ngạch cũng không thể một sớm một chiều. Trong các năm 2015-2016, chúng ta vẫn XK tiểu ngạch được sang Trung Quốc nhưng hết sức phập phù.

Đến tháng 2/2017, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường mọi biện pháp không tăng đàn nái, chỉ ưu tiên nái cao sản phục vụ chăn công nghiệp; nái đặc sản phục vụ chăn nuôi hữu cơ, chứ không duy trì đàn nái tới 4,2 triệu con như hiện nay. Đối với ngành thức ăn chăn nuôi, cuối năm 2016, Cục đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT định hướng không tăng thêm các nhà máy TĂCN và quy mô công suất, bởi tới một lúc nào đó, thức ăn cũng sẽ rơi vào tình trạng như giá lợn hiện nay là rất nguy hiểm, nhiều hệ lụy.

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã triển khai khá nhiều hoạt động để “giải cứu” thịt lợn. Đến thời điểm này, đã tạo được chuyển biến thế nào?

Một trong các giải pháp trước mắt mà Bộ NN-PTNT đưa ra, đó là giảm chi phí đầu vào bằng việc làm việc với 10 DN lớn có tính chất định hướng thị trường trong ngành TĂCN để giảm giá. Hiện các DN đã giảm 200 đ/kg thức ăn. Hiện tại chỉ riêng 6 Cty lớn, việc giảm giá đã giúp người chăn nuôi cả nước giảm được hơn 100 tỉ đồng chi phí thức ăn/tháng. Các DN khác cũng đang có phản ứng tích cực, bắt đầu giảm giá thức ăn.

Đặc biệt, những ngày qua có nhiều địa phương như Đồng Nai, TP.HCM, Hà Nội, Hà Nam, Lào Cai… triển khai chương trình doanh nghiệp trực tiếp mua lợn thịt loại to lỡ cỡ với giá cao và giết mổ bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng với giá rẻ hơn; nhiều doanh nghiệp tăng lượng lợn giết mổ, chế biến và cấp đông dự trữ như Vissan, Tổng Cty Nông nghiệp Sài Gòn tăng 300 lợn thịt/đơn vị/ngày, Cty Thái Dương, Cty thực phẩm xanh Nam Hà Nội, Tập đoàn DABACO, Cty LeBIO… đã tăng mua lợn to với giá tối thiểu trên 25.000 đ/kg để giết mổ, cấp đông và chế biến dự trữ các sản phẩm thịt lợn; Công ty D&A triển khai kế hoạch mua cấp đông 3.000 tấn thịt lợn ở phía Nam và 10.000 tấn ở phía Bắc… Nhiều siêu thị như BigC, Saigon Cop, Hapro… đã giảm từ 10-20% giá bán các sản phẩm thịt lợn để kích cầu người tiêu dùng…

Đối với các ngân hàng, đã có giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ về tín dụng như giãn nợ, giảm lãi, tiếp tục cho vay giúp người chăn nuôi giữ đàn, vượt qua khó khăn. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã tung ra gói tín dụng 500 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn bình thường 2% để dành cho các trang trại chăn nuôi. Các ngân hàng khác cũng đang triển khai các nhóm giải pháp tương tự…

Chỉ sau một tuần ra quân, tình hình thị trường đến thời điểm này đã có những dấu hiệu tích cực. Mặt bằng giá lợn trên cả nước đã tăng thêm từ 3.000 – 5.000 đ/kg, đẩy mức giá lợn hơi nhiều nơi lên trên 30 nghìn đồng/kg, có nơi đã nhích lên 35 nghìn đồng/kg và đang tiếp tục tăng trong thời gian tới.

18-03-27_65
Ông Dương cho rằng, các DN đổ vào chăn nuôi quy mô khổng lồ khiến lợn dư thừa rớt giá, rồi đổ khó khăn cho Chính phủ là không ổn.

Phong trào “giải cứu” thịt lợn hiện nay chỉ có tác dụng giải quyết tình thế trước mắt. Về lâu dài, giải pháp nào để câu chuyện buồn về thịt lợn không lặp lại?

Mặc dù thị trường thịt lợn đang có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên đây mới chỉ đang trong giai đoạn ở đáy của sự khó khăn, mới chỉ chặn đứng được giảm giá và hồi phục trở lại. Để hồi phục tới giai đoạn giúp người chăn nuôi hòa vốn và có lãi thì sẽ cần thêm thời gian nữa. Vì vậy, những nhóm giải pháp trước mắt theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng như Bộ NN-PTNT sẽ vẫn phải tiếp tục quyết liệt triển khai, nhất là tăng cường sức mua, bởi trong các tháng tới là mùa hè, sức tiêu thụ thịt lợn theo thường lệ sẽ giảm.

Thứ hai là kiểm soát để giảm chi phí đầu vào như TĂCN và thuốc thú y; kiểm soát dịch bệnh và môi trường chăn nuôi cũng không được lơ là. Bởi trước đây lợn có giá thì dân rất chăm chút, nhưng nay rẻ thì một số nơi đã có biểu hiện bỏ bê. Đây là điều rất nguy hiểm để dịch bệnh bùng phát. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, nếu để dịch bệnh xẩy ra thì còn chồng chất khó khăn thêm.

"Chăn nuôi có điều kiện là vấn đề tới đây sẽ phải tính tới. Nhiều nước chăn nuôi phát triển như Úc, Tây Ban Nha…, quy mô 500 nái trở lên là phải có điều kiện, gần như cấp hạn ngạch vậy, chứ không phải cứ có vốn, có đất là mở ra nuôi. Việc các DN đổ vào chăn nuôi quy mô quá khổng lồ khiến thị trường dư thừa, giá hạ, rồi đẩy khó khăn cho Chính phủ cũng là điều không ổn, sẽ phải xem xét. Tuy nhiên, trong điều kiện chúng ta còn tới 3 triệu hộ chăn nuôi, đây còn là vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân, vì vậy vấn đề này sẽ phải có lộ trình hài hòa, làm sao vừa kiểm soát được môi trường, vệ sinh ATTP cũng như không làm mất cân đối cung cầu". - Ông Nguyễn Xuân Dương.

Bên cạnh đó, giải pháp về tín dụng là hết sức quan trọng. Bởi suất đầu tư cho chăn nuôi lợn rất lớn, nhất là con nái thời gian khai thác phải 2-3 năm mới lấy lại được vốn. Chu kỳ khôi phục chăn nuôi lợn phải kéo dài 15-20 tháng. Vì vậy nếu không có tín dụng bơm vào để hỗ trợ thì trang trại sẽ rất gay, đuối sức trong cuộc đua trụ lại với nghề. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ phải tiếp tục khai thác triệt để các DN có năng lực cấp đông thịt lợn để giảm tải cho thị trường, trên cơ sở hỗ trợ tín dụng cho họ.

Về lâu dài, đây sẽ là dịp để ngành chăn nuôi rà soát lại tổng thể, xác định quy mô tổng đàn cả nước bao nhiêu là vừa. Còn lại có thể chuyển sang chăn nuôi khác còn có dư địa thị trường. Ví dụ chăn nuôi lợn nông hộ nhỏ bây giờ rõ ràng không thể cạnh tranh được, có thể chuyển sang nuôi bò thịt, gia cầm…

Đồng thời, sẽ phải tổ chức lại ngành chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết trong SX, gắn với HTX, hiệp hội, tránh được các khâu trung gian, chia sẻ lợi nhuận, tạo điều kiện cho SX, cân đối được cung cầu. Ví dụ Mỹ hiện chỉ có 10 chuỗi chăn nuôi lợn thôi nhưng họ quyết định được cả thị trường thịt lợn 12 triệu tấn. Khi đi vào chuỗi, người chăn nuôi sẽ nắm bắt được tín hiệu thị trường để đưa ra quyết định nhằm cân đối cung cầu. Nhà nước chỉ nắm dự báo trung hạn và dài hạn.

Ở khía cạnh khác, có thể nói đây là một cú rất đau của người chăn nuôi lợn, nhưng cũng là “bài test” căn cơ để chúng ta tiếp tục đưa KH-CN, hạ giá thành. Mục tiêu chúng ta là phải đưa giá thành SX lợn ít nhất cũng phải rẻ nhất ở Đông Nam Á thì mới mong cạnh tranh bền vững được.

Cấp đông đang là giải pháp kỳ vọng sẽ giải phóng được lượng thịt lợn tồn ứ. Nhưng chi phí để cấp đông là không rẻ chút nào. Các DN lo lắng rằng trong mấy tháng tới, nếu không giảm được đàn thì thịt cấp đông sẽ khó mà bán được?

Tôi cho rằng thực tế thì tổng đàn trong cả nước đang trên đà giảm rất mạnh. Lượng lợn quá lứa đang được giải phóng với tốc độ rất nhanh. Quy luật khi giá tăng thì đàn tăng và nuôi thâm canh, giá giảm thì đàn cũng giảm. Tỉ lệ loại thải nái và lợn con thời gian qua cũng rất mạnh.

18-03-27_978
Ảnh: Lê Bền

Vì vậy trong 3-5 tháng tới cũng như các tháng cuối năm nay, tổng đàn chắc chắn sẽ giảm mạnh so với mọi năm. Đồng thời càng về mùa thu – đông, sức tiêu thụ thịt lợn càng tăng mạnh. Vì vậy, tôi tin rằng từ quý III, đầu quý IV năm 2017, thị trường thịt lợn sẽ lại ấm trở lại, và thịt cấp đông hoàn toàn có thể tung được ra thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Hàng loạt biện pháp giải cứu chăn nuôi lợn

+ Ngày 16/2/2017 Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ký văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP thuộc TW tăng cường kiểm soát chặt việc tăng đàn lợn và hạn chế mở mới các cơ sở chế biến TĂCN công nghiệp nhằm tránh khủng hoảng cung vượt cầu, phát triển không bền vững.

+ Ngày 12/4/2017 Bộ trưởng Bộ NN-PTNT có CV số 3046/BNN-CN báo cáo tình hình chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng và kiến nghị các nhóm giải pháp trước mắt, lâu dài tháo gỡ khó khăn và ổn định phát triển ngành chăn nuôi lợn (ngành chiếm 70% thị phần các sản phẩm chăn nuôi, có suất đầu tư lớn: 15-30 triệu đ/nái và thời gian khôi phục lâu 15-20 tháng).

+ Ngày 24/4/2017 Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã họp làm việc với 10 doanh nghiệp lớn về các biện pháp giảm giá TĂCN cho người SX, kết quả chỉ sau hai ngày đã có 6 đơn vị thông báo giảm 200 đ/kg thức ăn lợn các loại, hỗ trợ người chăn nuôi khoảng 100 tỷ đ/tháng…

+ Ngày 28/4/2017 Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng đã chủ trì họp với các Bộ: NN-PTNT, Công thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Quốc phòng, tìm giải pháp cho vấn đề này và VP Chính phủ đã có Văn bản số 597 ngày 20/4/2017, đánh giá, chia sẻ kịp thời những khó khăn của ngành chăn nuôi lợn trong nước, chỉ đạo các Bộ ngành liên quan và các địa phương triển khai đồng loạt các biện pháp cho cả trước mắt và lâu dài.

+ Chiều 28/4/2017 Bộ NN-PTNT đã chủ trì họp với các đối tác có thể giải cứu mua và sử dụng nhiều thịt lợn cho người chăn nuôi, như: Quân đội, Công an, Tổng Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân và các doanh nghiệp, hiệp hội, để phát động Chương trình “Chung tay chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi lợn”.

Chương trình được sự hưởng ứng rất tích cực của các đối tác, nhất là Liên đoàn Lao động Việt Nam đã cùng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đến Tập đoàn Samsung ký cam kết sử dụng nhiều thịt lợn hơn cho bếp ăn công nhân trên 30 nghìn người…

 

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm