| Hotline: 0983.970.780

Cấp thiết quy hoạch thủy lợi cho thủy sản

Thứ Sáu 05/10/2012 , 10:05 (GMT+7)

Thủy lợi phục vụ SX nông nghiệp được Trung ương và địa phương quan tâm rất nhiều.

PGS.TS Dương Văn Viện

Thủy lợi phục vụ SX nông nghiệp được Trung ương và địa phương quan tâm rất nhiều. Tuy vậy, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu SX, chưa phù hợp lợi ích địa bàn và những lĩnh vực riêng lẻ như NTTS. PGS.TS Dương Văn Viện, Hiệu trưởng Trường CĐ Nông nghiệp Nam bộ đã có cuộc trao đổi với NNVN về vấn đề này.

Là chuyên gia thủy lợi khu vực ĐBSCL, xin ông cho biết công tác thủy lợi gắn với nhu cầu NTSS, được trung ương và các địa phương quan tâm, giải quyết thế nào?

Sự gắn bó chặt chẽ giữa công tác thủy lợi với NTTS bản thân nó là một tất yếu, bởi cùng có liên quan đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước. Mặt khác, về nguyên tắc đó cũng là một trong những nhiệm vụ mà các hệ thống thủy lợi phải đảm nhận. Trong những năm qua ngành thủy sản khu vực ĐBSCL đã phát triển nhanh, mạnh, đạt được những thành tựu to lớn.

Phần lớn các vùng NTTS ở ĐBSCL đã chuyển sang hướng SX hàng hóa và đang từng bước trở thành một trong những nghề SX chính, phát triển rộng khắp, có vị trí quan trọng. Chất lượng và giá trị sản phẩm NTTS ngày càng cao, trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chính yếu, góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết công ăn việc làm tại các địa phương và cho cả nước.

Chính vì vậy nó đã được Trung ương và các địa phương hết sức quan tâm, thu hút được sự đầu tư của nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Để chủ động giải quyết vấn đề, Nhà nước đã tiến hành nhiều nghiên cứu, quy hoạch phát triển NTTS cho khu vực ĐBSCL. Việc cấp nước nói riêng là một trong những vấn đề được quan tâm, chú trọng hàng đầu. Bởi chất lượng nước đóng vai trò quyết định sự thành bại của công tác NTTS. Bộ NN-PTNT cũng đã đầu tư nhiều dự án nghiên cứu phục vụ cho lĩnh vực này theo hướng phát triển bền vững mà việc phân ranh mặn ngọt cho ĐBSCL là một ví dụ.

Về phía các địa phương, tùy theo tình hình điều kiện tự nhiên của từng vùng mà có mức độ đầu tư khác nhau, song đều cùng chú ý để phát triển thế mạnh của NTTS trên địa bàn mình. Với sự năng động, nhạy bén, nhanh chóng tiếp cận với nền kinh tế thị trường và tiếp thu những thành tựu KHKT mới, người dân vùng ĐBSCL đã sáng tạo nhiều mô hình nuôi thủy sản cho hiệu quả cao, đưa NTTS ở ĐBSCL phát triển thành hoạt động kinh tế chủ đạo của vùng. Tuy nhiên, do tự phát và thiếu đồng bộ trong sự phối kết hợp giữa các ngành nên NTTS còn rất nhiều bất cập, rủi ro cao.

Cần chú trọng điều gì để thủy lợi có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển thủy sản, thưa ông?

Để phát triển thủy sản cần phải chú ý đến các yếu tố tác động lên môi trường thủy sinh. Điều này thay đổi theo điều kiện tự nhiên trong từng vùng, nhưng cơ bản vẫn là vấn đề nguồn nước. Tùy theo đó là nước ngọt, nước lợ hay nước mặn mà có loại hình và mô hình nuôi trồng phù hợp. Để đáp ứng yêu cầu về nước cần chú ý cả hai mặt chất lượng và số lượng nước. Ngay cả trong những vùng lợi dụng nước mặn để NTTS vẫn phải dùng đến nước ngọt, mặc dù với số lượng nhỏ hơn nhiều, để pha loãng nồng độ khi cần thiết, theo yêu cầu sinh trưởng của vật nuôi. Vấn đề mấu chốt của thành bại trong NTTS vẫn là công tác cấp, thoát nước mà ở đó vai trò của các hệ thống thủy lợi (HTTL) là không thể không xem xét.

Việc cấp nước quan trọng nhưng thoát nước cũng không thể xem nhẹ, vì cả 2 mặt có liên quan chặt chẽ và ảnh hưởng tới nhau rất rõ rệt. Về lý thuyết thì 2 hệ thống (cấp và thoát) này nên tách rời để nguồn cấp không bị nhiễm bẩn do nước thải tháo ra. Nhưng với đặc điểm kênh rạch chằng chịt như ở ĐBSCL thì vấn đề không đơn giản và khá tốn kém. Vì thế, tùy theo điều kiện gần hay xa nguồn cấp nước mà bố trí tách rời ở các cấp kênh khác nhau cho hợp lý.

Trên thực tế, ngay từ những năm sau 1975, việc quy hoạch thủy lợi (QHTL) lúc đầu chỉ quan tâm đến cấp, thoát nước cho trồng trọt mà chủ đạo là cây lúa, với hệ số cấp thoát nhỏ hơn nhiều so với hệ số cấp thoát cho NTTS. Vì thế, khi các HTTL chuyển sang làm nhiệm vụ cấp, thoát nước cho NTTS đều không thể đáp ứng nhu cầu. Muốn các HTTL này đáp ứng yêu cầu cần phải tính toán lại cho từng vùng tùy theo khả năng trữ nước trong khu vực, số giờ có thể lấy nước hoặc tháo nước, loại hình nuôi trồng, mô hình áp dụng. Nói tóm lại muốn HTTL đáp ứng yêu cầu NTTS cần có quy hoạch thủy lợi chi tiết phục vụ cho NTTS ở từng vùng cụ thể, với các điều kiện được đặt ra rõ ràng.

Có thể kết hợp thủy lợi để giải quyết những vấn đề chung cho sự phát triển nông nghiệp trên mọi lĩnh vực; đồng thời đáp ứng cả yêu cầu PTNT được không?

Việc kết hợp thủy lợi để giải quyết các vấn đề chung cho phát triển nông nghiệp, nông thôn là một điều tất nhiên. Bởi phát triển hệ thống cấp thoát nước luôn là bước đi đầu tiên trong việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng của một khu vực, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Quy hoạch thủy lợi có ảnh hưởng rõ rệt tới quy hoạch khu dân cư, đến hệ thống giao thông, cấp nước sạch, quy hoạch đồng ruộng.

Ông có ý kiến đề xuất thêm gì cho công tác thủy lợi phục vụ phát triển thủy sản ở ĐBSCL?

Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của nghề NTTS, chúng ta không chỉ phải quan tâm đến vấn đề chất lượng và số lượng nguồn nước, mà còn phải chú ý đúng mức đến bảo vệ và phát triển các yếu tố sinh thái khác, như các khu sinh thái rừng, rừng ngập mặn ven biển và cửa sông. Cần tìm ra những phương thức thích hợp để phát triển NTTS tại các khu vực sao cho vừa mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời không huỷ hoại môi trường. Để thực hiện điều này cần có sự phối hợp quản lý chặt chẽ hơn nữa giữa các Bộ. Bộ TN-MT với chức năng quản lý và bảo vệ tài nguyên và Bộ NN-PTNT với chức năng khai thác sử dụng.

Đất và nước là những tài nguyên đặc biệt. Quan điểm chung hiện nay là khai thác, sử dụng một cách tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn tài nguyên. Điều này có thể thực hiện bằng cách vừa khai thác, vừa cải tạo trên cơ sở quy hoạch sử dụng hợp lý, phát huy lợi thế về tài nguyên đất, nước để phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường.

Riêng đối với ĐBSCL, ngoài các thế mạnh tự nhiên cần phát huy cũng cần hết sức lưu ý trong quy hoạch thủy lợi phục vụ NTTS là sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Theo các kịch bản của Bộ TN-MT, đây là vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì thế hơn bao giờ hết việc rà soát, quy hoạch chi tiết các HTTL phục vụ NTTS cho các vùng của ĐBSCL là cấp thiết. Từ đó đề xuất các dự án thủy lợi để đáp ứng được yêu cầu NTTS trong điều kiện mới.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.