| Hotline: 0983.970.780

Cặp vợ chồng chuyển nghề… khám răng

Thứ Hai 08/10/2012 , 10:28 (GMT+7)

Hầu như cán bộ nào ở Viện Di truyền nông nghiệp khi có vấn đề hoặc muốn “tút” lại răng hàm mặt đều tìm đến phòng khám của Sĩ - Thùy vì độ lành nghề và “mát tay” của họ. Câu chuyện của cặp vợ chồng Sĩ - Thùy là điển hình của nạn “chảy máu” chất xám ở Viện Di truyền nông nghiệp.

Hôm rồi TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp bị đau răng, ông liền tới phòng khám nha khoa An Mỹ. Khoác áo bờ lu trắng, tay cầm khoan, cầm kìm khám chữa cho ông thú vị thay là một người từng là "quân" của Viện Di truyền nông nghiệp phụ trách Phòng Thí nghiệm trọng điểm, anh Nhữ Đình Sĩ. Làm giấy tờ thu tiền của ông viện trưởng cũng là một cựu cán bộ của Phòng Thí nghiệm trọng điểm, chị Trịnh Thị Minh Thùy.

>> Gian dối& khoa học
>> Khoa học - thương mại, một trời một vực
>> Thạc sĩ phân bón làm... muối ớt
>> Bán thuốc, buôn phân

Từ bỏ đam mê

Chẳng cứ ông Hàm mà hầu như cán bộ nào ở Viện Di truyền nông nghiệp khi có vấn đề hoặc muốn “tút” lại răng hàm mặt đều tìm đến phòng khám của Sĩ - Thùy vì độ lành nghề và “mát tay” của họ. Câu chuyện của cặp vợ chồng Sĩ - Thùy là điển hình của nạn “chảy máu” chất xám ở Viện Di truyền nông nghiệp.

Cách đây mấy năm, khi cây trồng chuyển gen là một luồng ánh sáng lạ không chỉ đối với người thường mà ngay cả giới khoa học thì cặp vợ chồng Sĩ - Thùy cùng một vài cộng sự của viện được giao nhiệm vụ nghiên cứu tiên phong về đề tài hóc búa này.

Chị Thùy nhớ lại: “Học đại học về chuyên ngành công nghệ sinh học nên khi bước chân vào Viện Di truyền nông nghiệp, chúng tôi rất đam mê nghiên cứu, ai cũng mong cho mình có một dòng, một giống hoặc một đề tài thành công, được ứng dụng vào cuộc sống. Khi gặp đề tài ngô biến đổi gen, chúng tôi thích lắm, nhiều khi xem cây ngô hơn cả con mình”.

Vật liệu chuyển gen được cung cấp qua hợp tác quốc tế nhưng cả nhóm vẫn phải mày mò mất mấy năm mới thành công. Có nhiều cách chuyển gen như dùng vi khuẩn đã chuyển gen để thâm nhập vào mô của thực vật cần chuyển hoặc dùng “súng bắn gen”. Khó khăn và cầu kỳ nhất là chuyện tái sinh phôi ngô từ điều kiện thí nghiệm ra môi trường bên ngoài.

“Hễ rời bỏ khỏi hóa chất môi trường nuôi dưỡng là chúng rất dễ chết cho nên dù thứ bảy, chủ nhật, kể cả mồng một tết chúng tôi vẫn cử người thay nhau sáng mang giá thể chứa cây ra phơi nắng, chiều lại mang vào phòng mát. Chăm chút hết mực chỉ thiếu điều mang cây về nhà. Khi cây đã khỏe rồi chúng tôi mới mang trồng xuống đất.


Phòng khám răng của vợ chồng anh Sĩ

Thời kỳ đầu cả ngàn cây trồng xuống đất chỉ sống vài cây, dần dần khi thay đổi hóa chất, giá thể, thời gian chiếu sáng, các chỉ số thí nghiệm, quy trình tốt hơn, số lượng cây sống nhiều hơn. Hễ trông thấy cây nào sống, lá tươi thì vui lắm, mặt người cũng tươi theo”, chị Thùy cho biết.

Sau quy trình trồng xuống đất là việc thả sâu để thử khả năng kháng sâu của gen được biến đổi rồi lại mang lá cây đi tách chiết xem có gen đó không. Thế hệ F1 có gen nhưng thế hệ F2 chưa chắc có. Thế hệ F2 có gen nhưng thế hệ F3 chưa chắc có. Thế hệ F3 có gen nhưng thế hệ F4 chưa chắc có. Đó là cái khó của công nghệ mới. Mong muốn của nhà khoa học di truyền là tạo được dòng ổn định có khi phải mất 10-15 năm ròng rã chứ chưa nói đến việc tạo ra một giống tốt để đưa vào SX.

Năm 2007, Sĩ rời bỏ Viện Di truyền Nông nghiệp đi học Trường Đại học Y khoa TPHCM để trở thành một trợ thủ nha khoa về làm tại phòng khám của anh vợ. Bản thân anh của Thùy từng là thủ khoa Đại học Y khoa TPHCM cũng không làm nhà nước ngày nào. Trung bình phòng khám này thu hút cỡ 30-40 khách một ngày với 8 nhân viên phục vụ với các dịch vụ từ nhổ răng 10.000 đ/cái đến làm răng sứ 90 triệu đ/hàm. Chồng đi năm 2007 đến năm 2009 vợ lại "rũ áo" rời viện. Toàn là cán bộ chủ chốt của nhóm nghiên cứu ngô biến đổi gen nhưng chỉ xong pha 1 là họ đi.

Còn công tác, còn đi học?

Lúc xin nghỉ, lãnh đạo tiếc lắm, khuyên can mãi không xong đành bảo: “Nếu các em đi vì kinh tế thì chế độ nhà nước chỉ có vậy, không thể làm khác nên cứ suy nghĩ cho kỹ”. Đắn đo mãi nhưng chị Thùy bộc bạch với đồng lương 2 triệu đ/tháng rất khó sống nổi ở Hà Nội. “Nhà mẹ đẻ ủng hộ chúng tôi ra ngoài vì không phải con ông cháu cha, khó bon chen thăng tiến. Nhà chồng lại phản đối kịch liệt, nhất là bố chồng vì bảo làm nhà nước ổn định lại có tính chính danh”.

Vậy là từ đó Thùy làm quản lý cho phòng khám nha khoa. Hai vợ chồng tiếp tục đóng tiếp bảo hiểm tự nguyện để về già vẫn có lương hưu. Đội ngũ cán bộ khoa học cùng trà cùng lứa với Thùy - Sĩ ra ngoài rất nhiều. Trong cuộc sống, khi họ liên lạc với nhau thường tâm sự rằng cũng ít khi lưu luyến biên chế mà chỉ bảo rằng nếu còn công tác thì có khi giờ này đang ở nước nào đấy học thế thôi.

"Thời gian gần đây đã có 6 tiến sĩ rời bỏ viện ra đi, số thạc sỹ rời đi còn cao hơn thế rất nhiều, nhưng có 4 tiến sỹ nơi khác tìm về. Dù sao những con số ấy còn thể hiện Viện Di truyền NN có chút sức hút. Dự đoán khi ngành công nghiệp sinh học ở VN phát triển, chuyện giữ chân người tài ở lại với nhà nước còn khó nữa", ông Lê Huy Hàm.

“Bản thân em từng nhận suất đi học thạc sỹ ở Đức nhưng học bổng giải ngân chậm nên thôi. Tiếp nữa em cũng được cử đi học thạc sỹ ở Trung Quốc nhưng người nhà ngăn cản, sau đó sinh con rồi bỏ đơn vị luôn. Chồng em được đi học bên Ấn Độ rồi cử học thẳng lên tiến sỹ mà cũng không chịu. Nói thật đôi lúc máu đam mê nghiên cứu vẫn còn nhưng cả hai vợ chồng tự nhủ nếu còn làm ở cơ quan nhà nước giờ có mà chết đói. Điều đó chi phối tất cả những đam mê khác nên chúng em không còn tiếc”, Thùy bảo.

Thu nhập từ phòng khám nha khoa của hai vợ chồng gấp chục lần thu nhập lương cán bộ, giờ đây họ sắm được ô tô, thuê người giúp việc, cho con học hệ mẫu giáo ở trung tâm tiếng Anh với học phí lên tới 4 triệu đ/tháng. Có điều vốn kiến thức, ngoại ngữ ngày nào thi học bổng, dịch tài liệu, giao tiếp trôi chảy của cả hai vợ chồng giờ gần như quên sạch. Lắm lúc đứa con nhỏ hỏi mẹ vài từ tiếng Anh cũng chỉ nhận được những cái ậm ừ không hơn không kém.

Ông Lê Huy Hàm xót xa: Bên ngoài có nhiều cơ hội hấp dẫn, thị trường “săn đầu người” lại cạnh tranh trong khi cơ quan nhà nước không có cơ chế gì để giữ chân nhà khoa học chứ không nói là "săn". Viện Di truyền Nông nghiệp tiếng là nơi được đầu tư bài bản, có phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia đầu tư cả vài triệu USD, có 3 phòng thí nghiệm liên doanh với nước ngoài, có những máy móc hiện đại như PCR, soi tế bào sống, bắn gen… nhưng hiện tại công tác nhân sự ở đây vẫn chỉ là giai đoạn cầm cự chứ tính chuyện lấy người chất lượng cao về là điều rất khó.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất