| Hotline: 0983.970.780

Cát “đẻ” ra tiền

Thứ Sáu 01/01/2010 , 08:15 (GMT+7)

Đứng trên đồi cát cao lộng gió, sát phía sau lưng là biển vỗ sóng oàm oạp, Nghĩa chỉ tay ra phía trước, nơi có hồ tôm, trại cá giống, trại lợn, rừng cây: “Toàn bộ cơ ngơi của tôi đó. Bây giờ trị giá cũng cũng sém 40 tỷ đồng..."

Đứng trên đồi cát cao lộng gió, sát phía sau lưng là biển vỗ sóng oàm oạp, Nghĩa chỉ tay ra phía trước, nơi có hồ tôm, trại cá giống, trại lợn, rừng cây: “Toàn bộ cơ ngơi của tôi đó. Bây giờ trị giá cũng cũng sém 40 tỷ đồng. Mới đó mà thời gian cũng mau hè”. Nói xong, Nghĩa hóm hỉnh cười, tôi hiểu câu nói “mau hè” của Nghĩa chứa đựng cả niềm vui và nước mắt.

“Răng mà tui cứ thích đến mê muội cái cát trắng này ông ạ”- Nghĩa lại mở đầu câu chuyện. Cái thích thì mỗi người một kiểu. Nhưng Nghĩa lại khác, hồi còn là cậu học trò mài đũng quần trên ghế nhà trường, cậu đã ăn trộm thuyền máy của người ta dong thẳng ra biển. Khi bị tóm cổ điệu về công an xã, cậu cũng chỉ một mực là được đứng từ ngoài khơi nhìn vô động cát cho đã đời. Cũng may, vì lúc đó Nghĩa mới chỉ là một chú nhóc.

Lớn lên một chút, Nghĩa cứ trở mình trong mỗi giấc ngủ, mơ về một vùng cát trắng rợp xanh cây rừng và xen vào đó là những khu nuôi lợn, bò, gà...Để nuôi mộng, Nghĩa tính sang trời Tây làm lụng kiếm chút vốn. Gần 10 năm lăn lóc xứ người, rồi biến cố chính trị xảy ra, Nghĩa về nước với hành lý như lúc...ra đi. 

Thu hoạch tôm ở trang trại

Đó là năm 2003, bỏ lại sau lưng lời khuyên của mọi người là “đừng hão huyền”, gửi con cho ông bà ngoại, Nghĩa đẩy vợ ra vùng cát, xin mấy ha. Trồng cây cũng phải có tiền. Hỏi vay, nhiều người ngần ngại: “Cái thằng đi Tây về không được một đồng kẻng nhét đít thì chui ra ngoài bãi cát lấy chi mà ăn, nói chi chuyện vay với trả”. Nghĩa buồn muốn bật khóc. Động viên mãi, vợ mới đồng ý cho Nghĩa “cáp” nhà vay vốn mang ra “chôn” trên cát. Vợ nói: “Thôi thì hết nước mắt với anh rồi. Chừ anh làm chi đó thì làm. Người ta xiết nhà thì em ở nhờ bên ngoại”.

Ban đầu, để tạo một vùng tiểu khí hậu ôn hoà trên vùng cát bỏng rát vào mùa hè, lạnh buốt về mùa đông, Nghĩa lao vào trồng cây lâm nghiệp. Hàng ngày, 2 vợ chồng anh mua cây rồi gánh lên triền cát trồng. Giữa cái nắng gay gắt của miền Trung, anh phải thuê người đến gánh nước, tưới tắm, che chắn cây như chăm con mọn. Một thời gian sau rừng keo, tràm, phi lao của anh đã toả bóng.

Thực hiện được phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh xác định phải trồng các loại rau xanh, dùng nilong phủ, làm giàn trồng dưa. Mặt khác, phải định hướng chuyển đổi trồng các loại rau màu khác cho phù hợp chất cát. Với suy nghĩ đó, Nghĩa đã giành hẳn 1ha trồng rau sạch. Nhân lực có hạn, nên gia đình phải thuê thêm lao động và đầu tư mua sắm các phương tiện tưới nước, vật tư phân bón. Rồi Nghĩa quyết định phải xây chuồng trại nuôi lợn siêu nạc. Rau xanh và đàn lợn là thành công đầu tiên. Cuối năm đó, xuất hết lợn, rau bán thu về cũng được mấy chục triệu. Cầm những đồng tiền vắt ra từ cát, Nghĩa đưa hết cho vợ. Tối đó, hai vợ chồng cứ nhìn nhau rưng rưng nước mắt.

Có được đà đẩy tới, Nghĩa vào Khánh Hoà học thêm cách nuôi trồng thuỷ sản. Quay về, vay thêm vốn ngân hàng đầu tư 10ha nuôi tôm và cũng là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tiên ở Quảng Bình có sử dụng máy ôzôn.

Nhưng không ai lượng được chữ ngờ. Công việc làm ăn đang suôn sẻ thì vận đen ập đến. Trong một lần đi giao dịch, mải suy nghĩ công việc, Nghĩa bị tai nạn giao thông suýt chết, chấn thương não, vỡ xương chậu... Hàng tháng trời lăn lóc hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, tiền dành dụm, ki cóp được cũng cạn dần. Trang trại nhỏ không ai làm chủ, người ta bắt đầu lợi dụng, khi chặt cây, khi bắt lợn. Rồi người làm công không hy vọng gì ở “ông chủ” cũng bỏ đi. Trang trại trở nên quạnh hiu, xơ xác.

Chưa chán chuyện, Nghĩa kéo tôi ra khu trại cá khoe: “Năm nay, cái được nhất là đã cho đẻ thành công cá Đối mục (còn gọi là cá Loi)”. Chuyên gia giúp trong vụ này là ông Cheng Tân Ứng (anh em ở đây gọi là ông Cheng), đã từng tốt nghiệp Đại học Trung Sơn (Quảng Đông- Trung Quốc) và sang theo chương trình hợp tác với Đại học Nha Trang. Ông Cheng cho hay: “Bên Trung Quốc, ông đã tham gia và thành công cho cá Đối mục sinh sản nhân tạo. Sang Việt Nam 2 năm cũng đã thử một số nơi nhưng không thành. Và bây giờ thành công tại trang trại của Nghĩa”. Cũng theo ông Cheng thì thành công này sẽ là bước đột phá mới giúp cho Nghĩa thuận lợi hơn trong việc phát triển nuôi trồng một loại cá có giá trị cao. 

Rồi, không biết sinh lực nào cho Nghĩa, leo lắt vậy cũng có ngày hồi lại. Nửa đêm, đang nằm liệt giường, Nghĩa ngồi dậy được, men theo tường đi ra cửa. Ngày ra viện trở về, nhìn cảnh trang trại đìu hiu, lòng anh như xát muối. Món nợ gần 500 triệu đồng đổ vào trang trại như mũi khoan xiết vào sống lưng Nghĩa lạnh ngắt, tê tái. Khi bước chân còn khập khiễng, Nghĩa lại “lê lết” vận động bạn bè, bà con vay vốn nuôi tôm thẻ chân trắng. Lúc này đã có người tin, nên Nghĩa có được chút vốn. Đầu tư tiếp 3 hồ tôm (khoảng 1,5 ha), năm 2005 từ con tôm mang về cho Nghĩa 600 triệu đồng. Năm 2006, Nghĩa được “phong hàm” tỷ phú khi vụ nuôi tôm bội thu, lãi 1,5 tỷ.

Vụ tôm năm 2007 cũng êm xuôi, anh đầu tư thêm 6 hồ tôm (diện tích 3ha) với quy trình 3 vụ/năm, mỗi vụ chi phí con giống, thức ăn...khoảng 170 triệu đồng/hồ, sản lượng thu hoạch đạt 5 tấn/hồ. Tôm thẻ chân trắng của anh được bạn hàng phía Bắc chấp nhận xuất theo hợp đồng. Tính trung bình mỗi hồ tôm cho thu hoạch 300 triệu đồng/vụ, trừ chi phí còn khoảng 130 triệu đồng. Như vậy từ 6 hồ anh thu lãi gần 800 triệu đồng. Năm đó, lãi từ hồ tôm vượt con số 2 tỷ.

“Bây giờ thì như vào guồng rồi”-Nghĩa khoe và kể: Toàn bộ trang trại có sổ đỏ 34 ha. Trong đó cơ cấu 30 hồ tôm khoảng 15 ha, cây trồng 10 ha số còn lại dành cho khu trại lợn, trại gà, trại cá. Các khu được quy hoạch khá riêng biệt bởi những khoảng rừng xanh ngắt. Trại lợn quy mô 200 nái và 1.000 lợn thịt. Trung bình mỗi năm xuất chuồng 120 tấn lợn hơi. Khu gà hiện có 6.500 gà Ai Cập đẻ, cho 3.000 trứng mỗi ngày. Riêng thu hoạch từ tôm mỗi năm chừng 400 tấn. Tất tần tật lại có khoảng 15 tỷ được thu về trong năm 2009. Nghĩa tính toán: “Tính cả lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản, chi phí lao động, chi phí sản xuất xong rồi thì còn lại chừng gần 5 tỷ”.

Tôi hỏi: “Giờ có còn sợ rủi ro không?”. Nghĩa cười: “Khó nói trước. Nhưng điều cốt lõi nhất là không thể nói cứ lấy kinh nghiệm truyền thống ra mà làm được. Mình hồi trước không được học về chuyên môn thì phải sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản để áp dụng nhanh tiến bộ KHKT. Lơi khơi là không được đâu”. Nghĩ sao thực hiện vậy, trong tổng số 40 lao động cho trang trại của Nghĩa thì đã có 11 kỹ sư giỏi, hệ cao đẳng và trung cấp nghề gồm 20 người và chỉ có 9 lao động phổ thông. Cách trả công lao động của Nghĩa cũng khác người. Ngoài bảng lương theo hệ số của Nhà nước thì đến cuối mỗi vụ thu hoạch, các tổ lao động tự bình xét, trên cơ sở đó Nghĩa trích từ lợi nhuận thưởng cho lao động theo các mức A,B,C...tương đương với số tiền 3 triệu, 2 triệu và 1 triệu đồng.

Bắt cát “đẻ” ra tiền, làm giàu trên vùng đất cát, anh Nghĩa không quên thời khó của mình. Anh giúp hàng chục bà con với số tiền hàng trăm triệu đồng. Trên 20 hộ gia đình khó khăn đã được Nghĩa giúp vốn, kỹ thuật chăn nuôi nên đã vươn lên ổn định cuộc sống.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cần Thơ điều chỉnh, ban hành lại quy chế họp báo gây tranh cãi

Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ sẽ tham mưu UBND thành phố tiếp tục điều chỉnh một số nội dung trong quy chế họp báo và ban hành lại cho phù hợp.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm