| Hotline: 0983.970.780

Cát tặc không chỉ lộng hành dưới sông mà còn lên bờ phá ruộng ngô

Thứ Hai 06/06/2016 , 14:30 (GMT+7)

Không dừng lại ở việc chọc “vòi rồng” vào đất bãi hút cát, "cát tặc" còn nhảy lên bờ, dùng dao chặt sạch ngô. Sau đó, chúng dùng gầu, múc hết lớp đất mặt bán cho các điểm SX gạch ngói... 

Từ đầu năm đến nay, nhiều diện tích trồng màu đã biến mất. Người dân xã Thái Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương) lại đâm đơn, cầu cứu khắp nơi.

Trắng trợn chưa từng thấy

Dịp hè năm 2015, chúng tôi về Thái Tân sau khi người dân phản ánh tình trạng "cát tặc" lộng hành. Bài viết “Cuộc chiến” ven bờ sông Thái Bình đã được Báo NNVN đăng tải ngày. Sau đó, tình trạng khai thác cát ở đây có phần lắng dịu. Nhưng ai ngờ…

Trở lại Thái Tân những ngày này, khắp làng trên, xã dưới, đâu đâu cũng nghe chuyện "cát tặc" nhảy lên bờ phá hoa màu của người dân. Hơn 50 lá đơn được người dân các thôn Đình, Chu Đậu gửi đi khắp nơi cầu cứu. Chỉ cần thấy người lạ hoặc PV về tìm hiểu, cả thôn lại rùng rùng như sắp có bão.

Gặp lại tôi, ông Vương Đình Sắc, trưởng thôn Đình cười méo xệch. Ông thở dài, càng ngày chúng nó càng trắng trợn anh ạ. Ngày 23/4 vừa qua, khi người dân ra chăm sóc ngô ngoài bãi thì nghe tiếng thuyền máy nổ uỳnh uỳnh. Tiến lại mép sông, lố nhố mấy thanh niên mặt bặm trợn đang nhảy lên bờ, cầm dao phát lia lịa đám ngô.

19-36-51_4
Ông Vương Đình Sắc cầm lá đơn và hình ảnh người dân gửi lên Bộ trưởng Công an

 

Quá bất ngờ, người dân gọi điện cầu cứu về thôn, thôn gọi lên xã. Lát sau, một đoàn lãnh đạo, công an xã, trưởng, bí thư thôn cùng người dân kéo ra đông nghịt.

Khi lên tiếng phản đối, chúng giơ dao lên cao rồi quát: “Đứa nào vào đây bọn tao chém chết”. Cả đám người không ai dám lại gần, chỉ đừng nhìn "cát tặc" hoành hành. Khi ngô đã lưng lửng thuyền, chúng nổ máy phóng đi trước sự ngơ ngác của tất thảy.

Ông Sắc kể tiếp, chưa dừng lại ở đó, chiều cùng ngày, "cát tặc" kéo đến tàu lớn, tàu nhỏ, dùng gầu cỡ lớn, múc luôn lớp đất mặt đã được “dọn” sạch sẽ từ sáng. Đứng trên bãi màu, người dân Thái Tân cứ ngỡ mình đang ở một công trường nào đấy.

“Trên lớp cát là một tầng đất dày khoảng 1 m anh ạ. Chúng múc xuống những chiếc thuyền nhỏ hơn rồi chở đi. Chúng tôi chỉ biết đừng nhìn, bức xúc lắm nhưng cũng chẳng làm gì được. Riêng ngày 23/4, hơn 5 sào ngô của người dân đã bị chúng chặt hạ và hút sạch đất cát”, ông Sắc phân trần.

19-36-51_2
Mỗi lần tàu cát thọc “vòi rồng” vào bờ, đất của người dân lại nứt toác

 

“Chỗ bây giờ các anh đang đứng so với chỗ năm ngoái chụp ảnh, đã bị thụt sâu vào gần 80 m. Trước đây, khi nhận đất, chiều ngang của vùng bãi là 373 m, nhưng nay chỉ còn đúng 77 m. Cứ đà này, chỉ một vài năm nữa, "cát tặc" sẽ hút vào tận bờ đê”, ông Sắc thở dài.

Đêm đến, 12 chiếc tàu hút cát cứ nhằm bãi màu mà chọc “vòi rồng”. Người dân lại kêu cứu trước sự bất lực của chính quyền sở tại.

Cầu cứu trong vô vọng

Quá bức xúc trước nạn "cát tặc", ngày 28/4, gần chục người đại diện cho các hộ dân trồng màu ở xã Thái Tân đã cầm đơn lên tỉnh cầu cứu. Nhận được phản ánh của người dân, UBND tỉnh Hải Dương đã lệnh cho Công an huyện Nam Sách tổ chức cắm chốt, ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép.

Từ ngày 1/5, một lán trại được dựng lên ngay giữa bãi ngô, gồm 5 người, trong đó có 2 công an huyện về tăng cường. Tuy nhiên, những ngày sau đó, "cát tặc" vẫn hoạt động, dù có phần bớt trắng trợn hơn. Nhưng đỉnh điểm, ngày 6/5, khi người dân ra kiểm tra, những chiếc thuyền hút cát công suất lớn lại hoạt động rầm rộ.

Điều đáng nói, lán trại của lực lượng công an chỉ cách đó chừng 200 m. Khi bị người dân chất vấn, những người được giao nhiệm vụ canh giữ ở đây đều lắc đầu, chịu không làm gì được. Lý do là không có phương tiện xua đuổi, bắt giữ. Người dân lại tiếp tục kiến nghị lên người đứng đầu tỉnh Hải Dương.

Ngày 10/5, tại trụ sở UBND tỉnh Hải Dương, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Dương Thái đã tổ chức một buổi đối thoại với người dân xã Thái Tân. Theo ông Sắc , trước những phản ánh của người dân, ông Thái ghi nhận và hứa sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng sớm chấn chỉnh tình trạng này.

Đến chiều 17/5, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương đã đi một loạt các huyện Thanh Hà, Nam Sách và TP Hải Dương kiểm tra việc khai thác cát sỏi trái phép, trong đó có xã Thái Tân. Ông Cương yêu cầu cần tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng này bằng việc lập chốt tuần tra 24/24 giờ tại những điểm thường xuyên có tàu khai thác cát hoạt động. Riêng khu vực bãi màu tại xã Thái Tân phải canh gác, lập chốt và xử lý nghiêm những tàu khai thác cát bị bắt giữ.

19-36-51_3
Những cây ngô bị chặt hạ lấy chỗ để khai thác cát

 

“Hiện chúng tôi đã gửi đơn cầu cứu lên rất nhiều Bộ, ngành Trung ương. Trong đó, có cả một lá đơn gửi trực tiếp cho Trung tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành quan tâm, xử lý vấn đề này để người dân yên tâm SX”, một người dân xã Thái Tân cho biết.

Nghe tin lãnh đạo tỉnh về kiểm tra, người dân Thái Tân ùn ùn kéo ra xin được trò chuyện. Tuy nhiên, khi được hỏi, liệu lãnh đạo tỉnh có dám hứa với người dân, ngăn chặn triệt để cát tặc được hay không, ông Cương từ chối trả lời!

Quy định nghiêm, xử lý dở

Trao đổi với PV, ông Hoàng Ngọc Hưởng, Chủ tịch UBND xã Thái Tân cho biết, sông Thái Bình chảy qua đây với chiều dài 6km, tạo nên một bãi bồi màu mỡ, diện tích khoảng 157ha. Từ nhiều năm nay, đời sống kinh tế của người dân Thái Tân chủ yếu vẫn phụ thuộc vào SXNN. Ngoài 1 sào 2 ruộng lúa trồng chỉ đủ ăn, dưa hấu, ngô và cà rốt được coi là “bát cơm” của người dân. Nhưng bát cơm đó nay đã chan đầy cả máu và nước mắt.

Nói về chuyện xử lý "cát tặc", ông Hưởng phân trần, lãnh đạo từ thôn đến xã đều rất quyết liệt nhưng cũng không thể giải quyết được. Người ít, thiếu phương tiện, nghiệp vụ, chế tài xử phạt tối đa được 2 triệu đồng, nên đành bất lực. Thậm chí, như năm 2015, lực lượng công an được tăng cường từ huyện cũng đành bó tay. Thậm chí, có lần, công an yêu cầu bắt tại trận lập biên bản xử lý, chủ tàu vẫn nổ máy chạy trong sự ngơ ngác.

Ông Hưởng khẳng định, trên thực tế, quy định thì rất nghiêm, nhưng khi các cấp, ngành thực thi thì rất dở, không hiệu quả. “Ai là người cấp phép cho các tàu hoạt động? Khi cấp phép thì phải biết được mục đích sử dụng của tàu chứ, sao mà không quản lý được? Rồi các bến bãi tập kết cát sỏi, ai cấp phép hoạt động. Nếu như các ngành cùng vào cuộc thanh, kiểm tra, làm gì mà không ra chuyện”, ông Hưởng bức xúc.

Bí thư Đảng ủy xã Thái Tân, ông Đinh Ngọc Dậu, cho rằng, nguyên nhân sâu xa là sự xử lý chưa kiên quyết, thiếu đồng bộ từ các cấp. Trên thực tế, hàng năm, trên địa bàn chỉ có từng ấy tàu và bến bãi hoạt động, làm gì mà không quản lý được. Bắt được tàu nào khai thác trái phép, nếu tái phạm rút giấy phép hoạt động, thậm chí tịch thu phương tiện thì cát tặc nào dám lộng hành?

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất