| Hotline: 0983.970.780

Cầu an - nghi lễ độc đáo của đồng bào Mông

Chủ Nhật 11/02/2024 , 07:23 (GMT+7)

Với dân tộc Mông, mỗi dòng họ có một nghi lễ cầu an, cầu phúc cho gia đình, dòng họ để mọi người không ốm đau bệnh tật, có sức khỏe lao động sản xuất.

Mọi người trong dòng họ quây quần, chuẩn bị làm lý cho lễ cầu an. Ảnh: V.Thao. 

Mọi người trong dòng họ quây quần, chuẩn bị làm lý cho lễ cầu an. Ảnh: V.Thao. 

Đây cũng dịp để những dòng họ sinh hoạt, rút kinh nghiệm, sống đoàn kết với dòng họ khác, cùng nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo; giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc, dòng họ.

Lễ cầu an tiếng Mông gọi là lễ Tu sú đang được dòng họ Giàng sinh sống tại 2 xã Thèn Sin và Tả Lèng của huyện Tam Đường (Lai Châu) gìn giữ và bảo tồn. Việc tổ chức lễ cầu an không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dòng họ mà còn giúp anh em họ Giàng có thêm tinh thần để tập trung lao động sản xuất; ổn định cuộc sống.

Biết gia đình ông Giàng A Di, ở bản Sin Câu, xã Thèn Sin tổ chức lễ cầu an nên anh em trong dòng họ Giàng đã đến đông đủ tham gia giúp một số công việc để trưởng họ làm lý cho gia đình, dòng họ. Được biết, gia đình ông Di đã được bàn giao đảm nhiệm tổ chức lễ cầu an từ năm trước. Theo đó, cứ đến tháng 7 âm lịch hàng năm mỗi gia đình cử đại diện một người để tổ chức lễ cầu an cho dòng họ.

Tổ chức nghi lễ không cầu kỳ chủ yếu các gia đình đến chỉ mang theo 3 ngọn cây lau đã quét xong mạng nhện, bụi bặm ở nhà để buộc thành một bó treo cùng cây gai rừng dựng tại cột nhà chính; sử dụng hạt ngô đỏ và mời trưởng dòng họ làm lễ xua đuổi những điều rủi ro, không may mắn cho chủ nhà...

Việc sử dụng cây gai rừng và cây lau làm lý đã được bà con người Mông dùng trong các nghi lễ thờ cúng tổ tiên trong ngày đầu xuân năm mới, Tết Nguyên đán và lễ cầu an của dòng họ.

Ông Giàng A Di ở bản Sin Câu, xã Thèn Sin cho biết, năm nay giao cho gia đình tổ chức lễ cầu an, được anh em đến giúp việc và chúc mừng gia đình không ốm đau bệnh tật, sang năm tôi lại đi giúp việc cho gia đình khác. Đây cũng là sự đoàn kết giúp nhau trong cuộc sống.

Tổ chức làm lý cho gia đình xong, tất cả anh em dòng họ ra phía sau nhà thực hiện nghi lễ xua đuổi, cầu an cho cả dòng họ. Tại đây, tất cả mọi người đứng tập trung để trưởng dòng họ dùng sợi chỉ dằng xung quanh rồi cầu thực hiện lễ xua đuổi những điều rủi ro, trong lao động sản xuất hoặc lên rừng không bị ngã gây thương tích, tai qua nạn khỏi. Cầu các vị thần che chở, phù hộ cho dòng họ không ốm đau, bệnh tật, cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống được sung túc. 

Thực hiện xong các bài cầu an thì dùng cây gai rừng làm một cái cổng để mọi người đi qua; tiếp đó bố trí người mang đi vứt ở hướng mặt trời lặn là nơi tận cùng của trái đất, những điều rủi ro không trở về với gia đình, dòng họ.

Sợi chỉ giúp thực hiện lễ xua đuổi những điều rủi ro trong lao động sản xuất, khi lên rừng. Ảnh: V.Thao.

Sợi chỉ giúp thực hiện lễ xua đuổi những điều rủi ro trong lao động sản xuất, khi lên rừng. Ảnh: V.Thao.

Theo lời kể của các cụ cao niên thì ngày xưa, một người trong dòng họ bị chấn thương chảy máu do đường xa đi lại khó khăn nên đã dùng cây lau để quét qua vết thương rồi cầu khấn đã cầm được máu. Từ đó, lễ cầu an được tổ chức cho đến nay để cầu cho mọi người luôn bình an, gặp may mắn.

Từ quan niệm đó, mà ngày tổ chức lễ cầu an kiêng không giết mổ gia súc, gia cầm, không để nhìn thấy tiết đỏ, nên tất các con vật làm thức ăn phục vụ ngày lễ phải được giết mổ từ tối hôm trước. Đặc biệt không giết, mổ các con vật để cúng.

Ông Giàng A Nhà ở bản Sin Câu, xã Thèn Sin cho biết, đây là một nghi lễ được tổ tiên truyền lại nên con cháu phải giữ gìn và phát huy. Mỗi năm tổ chức một lần không chỉ giữ gìn phong tục truyền thống mà còn để cho con cháu được giao lưu, chia sẻ, cùng giúp nhau để có cuộc sống ổn định hơn.

Chỉ tính riêng dòng họ Giàng hiện có trên 100 hộ, với trên 500 nhân khẩu ở các bản Sin Câu, Pan Khèo của xã Thèn Sin và bản Phìn Ngan Lao Chải, Phìn Ngan Sin Chải của xã Tả Lèng thuộc huyện Tam Đường.

Ông Giàng A Thanh, Phó Chủ tịch HĐND huyện Tam Đường (Lai Châu) cho biết, thực hiện Nghị quyết của huyện về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong những năm qua, huyện chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền cho bà con nhân dân giữ gìn các nghi lễ truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đặc biệt các dòng họ luôn tham gia cùng cấp uỷ, chính quyền xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; tích cực tham gia các hoạt phong trào của địa phương, góp công sức tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc, dòng họ. Nhờ đó mà cuộc sống của dòng họ ngày một khấm khá, không còn hộ đói, hộ nghèo đã giảm đáng kể.

Xem thêm
Thương hiệu cu đơ tuổi đời hơn 45 năm

Kẹo cu đơ Bà Hường, đặc sản Hà Tĩnh, không chỉ là món ăn vặt quen thuộc mà còn khẳng định vị thế trên thị trường nhờ chất lượng vượt trội.

Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.