| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện còn lại của một bà mẹ quê

Thứ Bảy 22/02/2020 , 06:55 (GMT+7)

Cụ bà Trần Thị Sen, thân mẫu của nhà thơ Trần Đăng Khoa, đã tạ thế ngày 6/2/2020, hưởng thọ 102 tuổi.

Cụ bà Trần Thị Sen - thân mẫu nhà thơ Trần Đăng Khoa qua đời ngày 6/2/2020. Ảnh: GĐCC.

Cụ bà Trần Thị Sen - thân mẫu nhà thơ Trần Đăng Khoa qua đời ngày 6/2/2020. Ảnh: GĐCC.

Cụ bà Trần Thị Sen không biết chữ, nhưng thuộc làu Truyện Kiều từ thời con gái. Sau này, các con theo nghề chữ nghĩa, đem về nhà tặng mẹ một quyển Truyện Kiều.

Dùng những câu thơ trong trí nhớ của mình, để đối chiếu với những trang thơ trong Truyện Kiều, dần dần cụ bà Trần Thị Sen thuộc được mặt chữ. Vì vậy, nhà thơ Trần Đăng Khoa thường tuyên bố hùng hồn: Chính thi hào Nguyễn Du dạy học cho mẹ tôi”.

Vì không được đến lớp, nên cụ bà Trần Thị Sen dĩ nhiên cũng không biết mình sinh ra một thần đồng thơ Việt. Khi thấy Trần Đăng Khoa nối bước anh trai Trần Nhuận Minh làm thơ, cụ bà Trần Thị Sen không ngần ngại bày tỏ sự phản đối vì “mẹ không muốn con đi theo nghiệp chữ nghĩa, đã nghèo khổ lại còn hay chửi nhau”.

Khi mức độ nổi tiếng của thần đồng thơ Việt lan rộng, thì nhiều người tìm đến tận nhà để… nhìn mặt Trần Đăng Khoa, khiến cụ bà Trần Thị Sen rất bận rộn nấu nước pha trà tiếp đãi. Thậm chí, khi nhà thơ Xuân Diệu đến nhà và ở lại ngủ qua đêm. “Ông hoàng thơ tình” tò mò về hiện tượng Trần Đăng Khoa nên nửa khuya mượn cây đèn ra soi cái ao, cái giếng, cái sân… đã từng được Trần Đăng Khoa đưa vào thơ. Cụ bà Trần Thị Sen càng thêm hoảng hốt: “Thấy bác ấy soi xét, mẹ sợ quá, suốt đêm không ngủ được. Thế có làm sao không hả con?”.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là chính cuộc sống của cụ bà Trần Thị Sen lại góp phần làm nên chất liệu thi ca cho Trần Đăng Khoa. Đối với cụ bà Trần Thị Sen, thì thiên nhiên cũng có hồn vía như con người.

Khi kêu Trần Đăng Khoa ra vườn hái trầu, cụ bà Trần Thị Sen dặn dò tỉ mỉ: “Con phải vặn to ngọn đèn lên, để cây trầu nó nhận ra chủ, chứ không phải thằng ăn trộm! Rồi con phải đọc mấy câu này đánh thức nó dậy đã rồi mới được hái: Trẩu trẩu trầu trầu/ Mày làm chúa tao/ Tao làm chúa mày/ Tao không hái ngày/ Thì tao hái đêm/ Dậy cho tao hái”.

Tư liệu ấy không chỉ giúp thần đồng thơ Việt hoàn thành nhiệm vụ hái trầu, mà còn viết được bài thơ khá ấn tượng: “Đã ngủ rồi hả trầu/ Tao đã đi ngủ đâu/ Mà trầu mày đã ngủ/ Bà tao vừa đến đó/ Muốn xin mấy lá trầu/ Tao không phải ai đâu/ Đánh thức mày để hái/ Trầu ơi hãy tỉnh lại/ Mở mắt xanh ra nào/ Lá nào muốn cho tao/ Thì mày chìa ra nhé/ Tay tao hái rất nhẹ/ Không làm mày đau đâu/ Đã dậy chưa hả trầu/ Tao hái vài lá nhé/ Cho bà và cho mẹ/ Đừng lụi đi trầu ơi!”.

Do quan niệm đưa tiền cho trẻ con là sự chiều chuộng hư hỏng, nên giai đoạn thơ của trần đồng Trần Đăng Khoa được in khắp nơi, thì người ta đều quy đổi nhuận bút ra hiện vật là chăn màn, cặp sách. Chỉ duy nhất có Tạp chí Văn nghệ quân đội vào năm 1967 in bài thơ “Tiếng chim chích chòe” đã trả nhuận bút cho Trần Đăng Khoa được 15 đồng.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa hồi tưởng: “15 đồng hồi đó to lắm. Mẹ tôi cuốc bộ đi chợ 5 cây số, bán một gánh bèo to mới được 5 hào. Một bài thơ của tôi bằng 30 gánh bèo của mẹ, cả một tháng đi chợ của mẹ. Mẹ tôi kinh ngạc lắm, cứ tra hỏi con, chỉ lo con ăn cắp ở đâu chứ, chỉ có mấy câu nôm na mách qué, làm sao lại có nhiều tiền thế?”.

Sau khi cụ ông qua đời ở tuổi 93, cụ bà Trần Thị Sen càng cô độc hơn. Hình ảnh người mẹ sớm chiều lầm lùi chốn quê ấy, càng trở nên ám ảnh hơn khi làng quê thay đổi trước tốc độ đô thị hóa.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể lại: “Mấy năm trước, mẹ tôi bán 360 mét vuông đất vườn cho ông chủ tiệm vàng thị trấn với cái giá 30 triệu bạc. Thế rồi đùng cái, ông ta bán lại cho anh chàng lái xe đường Hà Nội - Quảng Ninh. Thế rồi ông lái xe ấy lại trao tay qua mấy ông nữa. Khi làm lại giấy tờ cho ông chủ mới, mẹ tôi tưởng như ngất xỉu. Số tiền đã lên đến trên một tỷ 700 triệu Đồng. Bà cụ đổ bệnh. Cơ chừng này không khéo nguy kịch.

Tôi phải nhào về làng cứu nguy: "Con chúc mừng mẹ đấy!", tôi bảo. "Mừng gì?" - "Mừng vì cái vụ bán đất của mẹ ấy!". "Mất hàng núi vàng mà mày lại mừng à?" - "Mất đâu. Tiền sinh năm, đẻ bảy thì sao lại gọi là mất? Một trăm ngàn mẹ cho con Cún, nhà con coi như lộc của bà, đem đi mua xổ số. Mua chơi thôi. Ai ngờ lại trúng đậm".

"Cái gì?" - "Trúng xổ số! Trúng độc đắc 3 tỷ, mẹ ạ!". "Chúng con coi đấy như tiền dưỡng già của bà. Hay là chúng con chuyển về đây cho mẹ nhé!" - "Chết chết! Tao có tiêu gì đâu mà phải dùng tiền! Nhà chẳng có gì, mấy thằng nghiện còn cưa song cửa sổ. Bây giờ lại có tiền mà có đến ba tỷ thì nó bóp cổ tao à?".

Mẹ tôi tỉnh hẳn. Bệnh cũng tan vèo. Cái vé trúng độc đắc ấy là chuyện tôi bịa. Nhưng lời nói dối cần thiết và đúng lúc lại hóa vị thuốc thần tiên, cứu mẹ tôi thoát cơn đột quỵ”.

Từ quan sát cuộc sống vất vả của người mẹ, nhà thơ Trần Đăng Khoa từng kết luận “nông dân sinh ra để khổ”. Thế nhưng, với Trần Đăng Khoa thì “mẹ là đất nước, tháng ngày của con”.

(Kiến thức gia đình số 8)

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.