| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 30/09/2016 , 07:42 (GMT+7)

07:42 - 30/09/2016

Câu hỏi 'bí hiểm' về lương và chuyện 'thớt - gang' của cụ Trạng Trình

Một câu hỏi cũ, rất cũ nhưng cho đến nay, hình như vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo. Dẫu như “bài toán” Fermat tồn tại suốt 4 thế kỉ thì đến năm 1995, đã có câu trả lời. Còn câu hỏi này, xuất hiện ở ta tuy mới vài thập kỉ, đến nay cũng chưa có “đáp án” và biết đâu, nó cũng phải chờ đến… gần 400 năm nữa? Đó là câu hỏi "Lương không đủ sống, sao ai cũng đua vào công chức?".

  (Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)


Điều “bí hiểm” này một lần nữa vừa được nêu lên tại Hội thảo Góp ý Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức chiều 28/9.

Người nhắc lại câu hỏi này là một chuyên gia về công tác cán bộ của TP Hồ Chí Minh - Ông Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nguyên Trưởng ban Thi đua khen thưởng Thành phố.

Ông Đạo nói: "Phải cải thiện mức lương chứ như hiện nay, lương không đủ sống mà ai cũng đua vào làm công chức. Chuyện chạy chức, chạy quyền theo kiểu thuận mua vừa bán. Cái gì cũng có giá hết. Xin một chân tạp vụ vào cơ quan cũng tốn tiền... Thử hỏi như thế sao mà chống tham nhũng?".

Đúng là nhìn vào bảng lương công chức, thật ái ngại. Không, phải nói là… thảm hại mới chính xác. Nói thảm hại bởi nếu hai vợ chồng công chức trẻ, lương chỉ 6-7 triệu đồng/tháng. Thế mà tiền thì chao ôi, ở các tỉnh đã khốn khổ, chứ ở TP HCM hay Hà Nội thì không đủ tiền cho một đứa con ăn học. Mức thu nhập theo lương của cán bộ cấp phường, xã còn thấp hơn nữa.

Nói thẳng là thua xa thu nhập của mấy ông xe ôm, mấy bà đồng nát, thợ xây…

Thế mà lạ, rất lạ là chẳng biết tại sao cứ đua nhau “chạy” vào làm công chức, thậm chí “một chân tạp vụ cũng tốn tiền” như lời ông Đạo.

Chợt nhớ câu nói của cố trưởng Ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh khi ông còn làm Bí thư Đà Nẵng: “Có cái gì ở trạm Cảnh sát giao thông Kim Liên (trên QL 1A ở cửa ngõ phía Bắc Đà Nẵng) mà ai vô CSGT cũng đòi cho ra đứng đó?”.

Còn nói theo ngôn ngữ dân gian, là “Ăn thủ, ăn mỡ gì” mà tranh nhau vào đó nhỉ?

Lương bổng thấp. Giờ giấc thì chặt chẽ. Kỉ luật lao động nghiêm khắc. Sự “cạnh tranh” cao. Lại hay bị dân la nữa chứ. Thế mà cứ “đua vào công chức”. Lạ!

Nhưng có điều còn lạ hơn nữa là lương thấp nhưng nhiều người trong số họ đều từ… giàu đến rất giàu. Chỉ nhìn lãnh đạo cấp phường, xã thôi, cũng đã thấy… khủng rồi.

Mà không thể nói tiêu cực đâu nhé. Bằng chứng là trong số gần 1 triệu đối tượng thuộc diện kê khai tài sản, chỉ có 4 người kê khai không chính xác. Còn tham nhũng ư? Hãy nhìn vào các bản báo cáo cuối năm không khỏi giật mình về sự trong sạch đến… sáng choang. Mới đây, một số cơ quan còn phát động phong trào “nói không” với phong bì, phong bao nữa.

Nhưng thói thường ở đời, có 2 thứ để người ta hi sinh, cống hiến. Đó là danh và lợi. Lương bổng thế, chắc là không phải là vì lợi rồi. Hay là vì danh? Chắc cũng không bởi danh là do tự thân phấn đầu chứ mấy ai lại bỏ ra cả đống tiền “trăm triệu” để mua danh nhỉ?

Lại nhớ cách đây dễ đến 5 năm, ông Trần Trọng Dực khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã “định giá” cho mỗi suất công chức là “trăm triệu”. Nhiều bạn đọc gửi thư về Dân trí nhao nhao phản đối rằng làm gì có giá đó. Thậm chí, có người còn bảo ông Dực “phá giá” chứ thị trường làm gì có giá “bèo” thế. Có người còn “chém” rằng đặt 100 triệu đồng biếu thêm… 400 triệu đồng nữa. Bây giờ thì ông Dực về hưu lâu rồi, không biết giá cả có biến động gì không?

Nói thế thôi chứ có lẽ ai ai cũng biết cả, rằng “lương thì thấp nhưng thu nhập thì cao”. Có thế, người ta mới “đua nhau chạy” vào công chức chứ. Giờ, có ai dại đâu…

Mà cách đây hơn 500 năm, cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bảo rồi: “Thớt có tanh tao, ruồi đỗ đến – Gang không mật mỡ, kiến bò chi”, phải không các bạn?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm