| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 12/08/2019 , 09:06 (GMT+7)
Trần Thanh Sơn

Trần Thanh Sơn

Nhà báo 09:06 - 12/08/2019

Câu hỏi với Phú Quốc

Những ngày qua, Phú Quốc bị ngập sâu trên diện rộng. Nhiều nơi trên hòn đảo xinh đẹp này ngập sâu tới hơn 1 mét, có nơi ngập gần 2 mét.

Ngập lụt gây thiệt hại không nhỏ cho Phú Quốc và ảnh hưởng tới hàng ngàn khách du lịch đang lưu trú tại đây.

Mưa lớn và kéo dài do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đương nhiên là thủ phạm đầu tiên.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, trong vòng 24 giờ (từ 19 giờ ngày 8 đến 19 giờ ngày 9/8), lượng mưa ở Phú Quốc đã lên tới 358 mm, vượt xa mức lịch sử ngày 22/8/1997 là 327,1 mm. Như vậy, Phú Quốc vừa phải hứng chịu trận mưa lớn nhất trong lịch sử.

Nhưng một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là khả năng tiêu thoát nước của Phú Quốc hiện rất kém. Trước hết là do hệ thống thoát nước đã được xây dựng từ lâu, khi quy mô dân cư ở thị trấn Dương Đông còn nhỏ. Đến nay, hệ thống đó đã không còn đáp ứng nổi nhu cầu thoát nước khi quy mô dân cư đã lớn hơn nhiều.

Nhưng đáng lo ngại nhất là tình trạng nhiều ao hồ vốn có tác dụng chứa nước đang bị san lấp tràn lan bởi đô thị hóa. Chính ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, khi trả lời báo chí, đã thừa nhận rằng tình trạng san lấp mặt bằng để xây dựng nhà cửa, dẫn tới các hồ chứa nước không còn nữa.

Với lời thừa nhận nói trên của ông Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, có thể thấy, quá trình đô thị hóa ở thị trấn Dương Đông nói riêng, Phú Quốc nói chung, đang đi vào vết xe đổ của nhiều đô thị khác. Đó là tình trạng đua nhau san lấp các ao hồ, kênh rạch ... vốn có tác dụng chứa nước, tiêu thoát nước, để lấy mặt bằng xây dựng. Do đó, khi đường sá, nhà cửa đua nhau mọc lên, thì ngập lụt cũng xuất hiện thường xuyên hơn với mức độ ngày càng trầm trọng hơn.

TP.HCM là nơi tiêu biểu cho tình trạng này. Địa hình của thành phố thấp dần từ bắc xuống nam, từ tây sang đông. Với nguyên tắc vật lý cơ bản “Nước chảy chỗ trũng”, từ những năm 1990 trở về trước, vùng đất thấp trũng phía nam, với nhiều kênh rạch, là nơi thoát nước cho cả TP.HCM. Tuy nhiên, từ khi đô thị Phú Mỹ Hưng được xây dựng lên ngay trên vùng đất thấp phía nam, đi kèm với đó là quá trình đô thị hóa khiến cho nhiều kênh, rạch ở khu vực này bị san lấp ..., TP.HCM coi như đã bị mất đi vùng tiêu thoát nước quan trọng nhất.

Không chỉ ở vùng đất phía nam của TP.HCM, ở các khu vực khác của thành phố, hàng loạt kênh, rạch cũng từng bị san lấp trong quá trình đô thị hóa. Tình trạng đó, cộng với một số nguyên nhân khác, đã khiến cho TP.HCM ngày càng bị ngập lụt một cách thường xuyên trên diện rộng, nhất là khi mưa to kết hợp với triều cường. Đến nỗi, người ta đã phải nói vui rằng TP.HCM chỉ còn một điểm ngập duy nhất, đó là cả thành phố.

Đô thị hóa ở Phú Quốc là điều tất yếu, khi từ năm 2004, Chính phủ đã ban hành một quyết định, mà theo đó, Phú Quốc sẽ được xây dựng để trở thành một trung tâm du lịch và giao thương lớn của cả nước, khu vực và thế giới. Và đến năm 2013, Chính phủ đã ra quyết định thành lập Khu kinh tế Phú Quốc.

Nhưng việc đô thị hóa ở Phú Quốc đi sau khá nhiều so với nhiều đô thị khác. Là “người” đi sau, lại trong thời kỳ thông tin rộng mở, Phú Quốc hoàn toàn có thể tránh được những sai lầm đã từng xảy ra trong quá trình phát triển đô thị ở các nơi khác. Vậy mà Phú Quốc vẫn để lặp lại một sai lầm rất phổ biến, đó là đua nhau san lấp các ao hồ, kênh rạch, có tác dụng chứa nước, tiêu thoát nước để lấy đất làm mặt bằng xây dựng.

Như đã nói ở trên, ông Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, đã thừa nhận rằng tình trạng san lấp mặt bằng để xây dựng nhà cửa, dẫn tới các hồ chứa nước không còn nữa. Vậy chính quyền Phú Quốc ở đâu khi người ta ngang nhiên san lấp các ao hồ ấy?