| Hotline: 0983.970.780

Cầu nối nông dân với tiến bộ kỹ thuật

Thứ Năm 19/03/2015 , 06:13 (GMT+7)

SX nông nghiệp ở Bình Định đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhiều năm liền năng suất lúa chạm đỉnh, trong đó có sự góp công lớn của ngành khuyến nông. 

Khuyến nông Bình Định đã thể hiện rõ vai trò là cầu nối giữa nông dân với tiến bộ kỹ thuật.

Nhiều mô hình cây trồng hiệu quả

Nói về điểm sáng của khuyến nông Bình Định có thể kể đến mô hình thâm canh lúa nước vùng cao tại các huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh. Mô hình này đã giới thiệu một số giống lúa thuần gắn với chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác phù hợp. Qua đó, làm thay đổi tập quán canh tác, giúp tăng năng suất, giải quyết lương thực tại chỗ cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Được tiếp cận với các giống lúa OM 6976, OM 6162, BC15… đồng bào dân tộc đã lần đầu làm lúa nước chạm mức năng suất từ 47,1 -55,1 tạ/ha, cao hơn với ruộng ngoài mô hình từ 5 - 17,1 tạ/ha. Thành công của mô hình này đã cho phép ngành chức năng nghĩ đến việc nhân rộng đến 250 ha đất lúa ở các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh này.

Ở đồng bằng, ngành khuyến nông Bình Định cũng đã xây dựng mô hình trình diễn các giống lúa mới có triển vọng đã qua khảo nghiệm. Mô hình này đã góp phần chuyển giao nhanh các giống triển vọng ra SX đại trà, làm cơ sở để bổ sung các giống lúa mới vào cơ cấu giống lúa của Bình Định. Những giống được triển khai là ĐH815-6, OM 6162, OM 7347, DDT37… Các giống nói trên đã cho năng suất bình quân đạt từ 70,8 - 80 tạ/ha.

Bên cạnh đó, mô hình thâm canh giống lúa thuần chịu phèn mặn cũng đã cho hiệu quả trông thấy. Mô hình này giúp ngành nông nghiệp Bình Định tuyển chọn được các giống lúa chống chịu được phèn mặn gắn với quy trình canh tác phù hợp, làm cơ sở để tỉnh này bổ sung vào cơ cấu giống lúa nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả trong canh tác cây lúa ở những cánh đồng nhiễm phèn mặn nặng.

“Những mô hình mang tính đặc thù vùng sinh thái được xây dựng trên địa bàn đã được Bộ NN-PTNT công nhận về tiến bộ kỹ thuật, đã triển khai thành công để nhân rộng theo đề xuất của từng địa phương theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, chúng tôi còn có nhiều chương trình phối hợp với các tỉnh Nam Lào như hỗ trợ giống cây trồng cho tỉnh Salavan (lúa, đậu xanh, đậu phộng và đậu nành); hỗ trợ xây dựng mô hình lúa chất lượng cao cho tỉnh Salavan và Attapư; mô hình nuôi cá nước ngọt trong ao đất cho tỉnh Attapư”, bà Nguyễn Thị Tố Trân nói.

OM 5953 là giống lúa được xác định chống chịu phèn mặn rất tốt, sống trên đất phèn mặn nhưng giống lúa nói trên vẫn cho năng suất đạt bình quân gần 74 tạ/ha. Mô hình này đã mở ra “con đường sống” cho những vùng ruộng nhiễm phèn mặn ở các huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát và TP Quy Nhơn.

“Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng những mô hình trồng thâm canh ngô lai giống mới, trồng rải vụ thâm canh giống mì mới, diệt chuột bằng thuốc sinh học Biorat, nhân nuôi bọ đuôi kìm phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa, trồng rau an toàn, trồng thâm canh nấm rơm, trồng cam thâm canh giống mới chất lượng cao, phát triển cây mây dưới tán rừng…

Đặc biệt, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã cho chúng tôi cơ sở thực hiện việc chuyển đổi phù hợp, hiệu quả của từng vùng sinh thái, đảm bảo thu nhập trên cùng 1 đơn vị diện tích”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, GĐ Trung tâm KN-KN Bình Định cho biết.

Ngư nghiệp được tiếp sức

Trước thực tế nghề nuôi tôm hùm lồng trên địa bàn đang ngày càng phát triển mạnh, ngành khuyến nông Bình Định đã xây dựng mô hình ương tôm hùm bông trong lồng nhằm tạo nghề mới cho người dân các xã đảo, làm tăng thu nhập cho ngư dân.

Tôm hùm bông được thả nuôi với mật độ 35 con/m2, tỷ lệ sống đạt đến 96,7%. Tôm giống phát trển đồng đều, không bị dịch bệnh, trọng lượng đạt trung bình từ 60 - 65 gam/con. Mô hình chỉ có quy mô có 6 m2 nhưng cho doanh thu hơn 91 triệu đồng, người nuôi đạt lợi nhuận gần 18 triệu.

Mô hình nuôi cá đối mục trong ao tôm sinh thái cũng đã cho thấy hiệu quả là hạn chế ô nhiễm những vùng nuôi tôm lâu năm, cải tạo môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và cho thu nhập cao. Ông La Đông Quang, ngư dân trực tiếp làm mô hình ở khối 2, thị trấn Tam Quan (Hoài Nhơn) cho biết: “Sau 8 tháng thả nuôi, kết quả cho thấy cá phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt gần 90%, trong lượng trung bình đạt 2 - 3 con/kg, ước tính sản lượng thu về hơn 4,8 tấn/12.000 m2. Sau khi trừ chi phí, mô hình đã cho chúng tôi lãi ròng trên 160 triệu đồng”.

Ngoài ra, các mô hình nuôi lươn thương phẩm quy mô hộ gia đình, vớt và ương chình giống, nuôi cá dìa thương phẩm trong ao nuôi tôm suy thoái, nuôi cá chình thương phẩm trong ao đất, ương tôm thẻ chân trắng trước khi đưa ra nuôi thương phẩm cũng đã giúp ngư dân nhiều địa phương tiếp cận được với nhiều nghề mới, phù hợp đặc thù từng vùng miền, tạo thu nhập ổn định và đưa ngư nghiệp Bình Định phát triển vững chắc.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất