| Hotline: 0983.970.780

Câu Thẻo, đổ máu kiếm hàu

Thứ Năm 04/09/2008 , 08:00 (GMT+7)

Câu Thẻo là cái tên tiền nhân gọi vùng đất ven đầm Thị Nại, nơi hầu hết người dân ở đây đều sinh sống bằng nghề câu.

Câu Thẻo là cái tên tiền nhân gọi vùng đất ven đầm Thị Nại, nơi hầu hết người dân ở đây đều sinh sống bằng nghề câu. Bây giờ, mặc dù trong bản đồ hành chính của địa phương, vùng đất này có tên là xóm Ân Phùng, thôn Nhơn Ân, xã Phước Thuận (Tuy Phước - Bình Định) nhưng những người dân vẫn thích gọi nơi chôn nhau cắt rốn của mình là làng Câu Thẻo...

Trẻ em là lực lượng đông đảo tham gia vào nghề nguy hiểm này

Đổi máu lấy hàu 

Ông Võ Xuân Thanh (57 tuổi), người dân làng Câu Thẻo tâm sự: “Làng Câu Thẻo có 250 nóc nhà thì trước đây, hầu hết đều sống bằng nghề câu. Nhà nào có ghe nhỏ, cặp câu lưỡi nhỏ đi gần bờ, ven các gành nằm ở các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải cũng đánh được cá lù, cá mú, cá hồng... Mấy năm gần đây biển đói, dầu liên tục tăng giá mà mỗi chuyến đi phải mất đến 60-70 lít dầu, thường xuyên bị lỗ tổn nên đành neo ghe. Bà con trong làng ai cũng lâm tình cảnh này. Ghe thì neo nhưng xoong nồi không thể “treo” nên bà con đồng loạt nghĩ đến chuyện đi cạy hàu kiếm sống”.

Vào nghề lặn hàu không phải đầu tư nhiều, chỉ cần một chiếc đèn pin được bọc kín nilon, một chiếc gương lặn, một cái búa, một mũi de và một cái thau nhựa là đã có thể hành nghề. Chị Tư Hải (44 tuổi) cho biết: “5 giờ sáng thức dậy ra bến chờ đò. Chưa biết đi lặn có hàu hay không nhưng mở mắt ra là mỗi người phải mất 10.000đ tiền đò. Lộ trình thì tuỳ mỗi thợ hàu tự chọn: cầu Nhơn Hội, núi 1, núi 9 nằm trong đầm Thị Nại hoặc các bờ cá. Nghề này không “kén” lứa tuổi, già trẻ lớn bé đều làm được. Ở làng Câu Thẻo này, nhà nào ít nhất cũng có 2 nhân khẩu làm nghề lặn hàu, nhà nhiều cũng có đến 4 người. Mỗi khi con nước xuống, làng vắng tanh, chỉ còn người già, người tật nguyền ở nhà còn ai nấy cũng đang ngâm mình dưới nước để kiếm gạo. Hầu hết trẻ con ở đây học hết lớp 2, lớp 3 là ở nhà theo cha mẹ lặn hàu”.

Lang thang quanh làng, chúng tôi gặp rất nhiều gia đình không đủ khả năng cho con đi học và tuổi thơ của lũ trẻ suốt ngày chìm nghỉm dưới nước sâu kiếm từng con hàu. Như gia đình ông Lê Đời, cả 4 đứa con ngay từ bé đã gắn đời với hàu nên giờ rất “xa lạ” với chữ nghĩa. Có nhiều em, khi chúng tôi hỏi: “Đã đến ngày tựu trường rồi sao các em còn lặn hàu?”. Chúng tôi chỉ được các em trả lời bằng những nụ cười ngây ngô, rất buồn! 

Một công việc nặng nhọc, nguy hiểm nhưng thu nhập chẳng đáng là bao

Mặc dù không lênh đênh khơi xa, không phải đối mặt với sóng gió nhưng những người làm nghề lặn hàu hằng ngày phải “chung sống” với muôn vàn gian nan, thậm chí phải đánh đổi bằng tính mạng. Chị Tư Hải tâm sự trong tiếng thở dài: “Với những người đàn ông, chuyện tay chân bị hàu cắt họ không lấy làm quan trọng lắm. Thế nhưng với phụ nữ chúng tôi, dù nghèo khổ thế nào thì cũng là phụ nữ nên chúng tôi rất đau khổ khi thấy tay chân của mình bị hàu cắt trông như cái thớt bằm cá. Mặc dù tay đeo găng len, chân cũng bọc bằng những bao vải rất dày nhưng vỏ hàu rất sắc, đã cắt là đứt ngọt như lưỡi lam. Có nhiều trường hợp như chú Tám Đông trong làng, đang lục đục tìm hàu bị ngã té, ném người lên cả một bãi hàu, khắp thân thể bị hàu cắt như bị ai băm vằm, máu ra nhiều đến ngất xỉu, may mà còn sống”.

Ông Võ Xuân Thanh tiếp lời: “Như ông Đông là còn may mắn, làng này đã có nhiều trường hợp “sinh nghề tử nghiệp”. Như con Trúc con cô Điền, bị sụp lỗ suýt chết, sau khi được cứu về nhà, vì hoảng quá mất tinh thần giờ trở nên “lừng khừng”. Còn thằng Bảy, thằng Ninh thì sau nhiều năm lặn hàu giờ cứ như ông cụ lãng tai, muốn nói chuyện với tụi nó mình phải hét váng lên thì chúng mới nghe được. Mà như thế là còn may mắn, chứ như con Yên con anh Nhiều, mới cách đây vài tháng bị sụp nước chết lúc chỉ mới 15 tuổi, hay như thằng Tư bị kẹt hốc đá chết cách đây vài năm”! 

Người dân bây giờ còn tận thu cả vỏ hàu nên nguồn tái sinh của hàu gần như bị triệt tiêu, hàu trở nên cạn kiện

Viễn cảnh mịt mờ 

Anh Ngô Văn Hải kể: Vào những năm trước, ở trong các hốc đá nằm dưới các chân núi nằm ven đầm Thị Nại hàu đóng rất nhiều. Mỗi tháng hai con nước ròng, người lặn hàu có 20 ngày làm ra tiền, chỉ sợ không đủ sức ngâm mình dưới nước chứ hàu thì không thiếu.

Không những vậy, trên vùng đầm Thị Nại ở phía Mé Làng, Khe Đá thuộc xã Phước Sơn (Tuy Phước-Bình Định) có một vùng đáy đầm hàu đóng nhiều đến người ta gọi đó là lạch hàu. Lạch hàu có chiều dài đến 1,5km, rộng 500m.

Trong toàn bộ diện tích ấy, những con hàu nằm xếp lên nhau khin khít dày đến 10cm. Những con hàu sống ở đấy toàn là hàu muổng, rất to, thịt nhiều, thị trường tiêu thụ rất ưa chuộng. Những năm 90 (thế kỉ XX), lạch hàu như là “kho báu” của người dân làng Câu Thẻo. Người lặn hàu không phải dùng búa, mũi de đục lấy từng con như bây giờ.

Cách khai thác hàu lúc bấy giờ là xúc, mỗi lần xúc là hàu vào rào rào. Xúc thủ công không xuể, người ta nghĩ ra cách đóng lưới vào khung sắt rồi cột vào ghe, nổ máy cho ghe chạy, chỉ vài lượt là ghe nào cũng khẳm be. Mỗi ngày, lượng hàu cập bến vào làng Câu Thẻo có đến 200 bao (50kg/bao).Thu hoạch như vậy suốt năm ròng, lạch hàu cạn kiệt. Lạch hàu cạn, người ta chuyển sang các chân núi, chân cầu, bờ cá ven đầm Thị Nại, mỗi ngày có đến vài ba trăm mũi de ra sức đục, cạy thì hàu có “phép tiên” cũng không sinh sôi kịp”.

Không chỉ vậy, nguồn tái sinh của loài hàu cũng bị triệt tiêu mỗi ngày. Chị Lê Thị Thu cho biết: “Những cái vỏ hàu nằm dưới đáy đầm chính là nguồn sinh sôi của loài hàu. Những cái vỏ hàu ấy qua thời gian sẽ “đẻ” nhiều con hàu nhỏ bám li ti vào đó rồi dần lớn lên, tách riêng ra. Thế nhưng bây giờ, có rất nhiều người lấy việc cào vỏ hàu dưới đáy đầm làm kế sinh nhai nên kể như loài hàu bị tiêu diệt tận gốc”.

Chị Bảy, người thu mua gom vỏ hàu ở làng Câu Thẻo vừa xúc vỏ hàu cho vào bao, vừa cho biết: Trước đây người ta xúc vỏ hàu chỉ để về đổ nền nhà, nền sân hoặc đắp bờ hồ cho chắc. Sau này khi các lò sản xuất vôi ở Trường Úc đã cạn kiệt nguồn san hô, quay sang thu mua vỏ hàu về nung để làm vôi thì vỏ hàu bỗng trở nên món hàng thương phẩm. Thế là người dân ở xóm Chợ Bến nhanh chóng hình thành lực lượng đông đảo chuyên đi cào vỏ hàu dưới lòng đầm. Hiện nay cách thu mua vỏ hàu của các lò vôi được tính bằng bao, mỗi bao có giá là 6.000đ (30kg). Mỗi ghe đi 2 người, mỗi ngày “cào” được cũng đến vài chục bao. Vỏ hàu xay cũng được các hộ nuôi vịt đàn mua cho vịt ăn. Vì có chất vôi nên vịt ăn bột vỏ hàu đẻ trứng rất dày vỏ”.

Đâu phải lặn được hàu về là bán được ngay mà còn phải đập vỏ lấy thịt thì người ta mới mua. Cái nghề vất vả và đầy hiểm nguy như vậy nhưng thu nhập cho chẳng đáng là bao. Hàu trong đầm Thị Nại hầu hết là “hàu răng cưa”, nhỏ con, nên bán giá rất thấp, chỉ từ 10.000đ-15.000đ/1kg thịt. Ai làm giỏi lắm mỗi ngày cũng chỉ kiếm được từ 30.000đ-40.000đ. Trong làng chỉ có mỗi đại lý thu mua nên nhiều khi người lặn hàu cũng bị “làm khó”, hàng đắt thì mua rộ, hàng ế thì từ chối.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất