| Hotline: 0983.970.780

Cậy ai?

Thứ Hai 13/06/2011 , 11:54 (GMT+7)

Ép hàng xóm đưa chìa khóa để tùy ý dùng nhà, hành vi ấy xưa nay chắc chỉ có “cậu trời” mới dám. Vậy mà sự việc xảy ra ở ngay giữa trung tâm Hà Nội.

Ép hàng xóm đưa chìa khóa để tùy ý sử dụng nhà, hành vi ấy xưa nay chắc chỉ có “cậu trời” mới dám làm. Vậy mà sự việc xảy ra ở ngay giữa trung tâm TP Hà Nội, cách Công an phường Phố Huế chừng trăm mét nhưng không được xử lí.  

Báo NNVN nhận được đơn của bà Thẩm Thị Thúy Nguyên, ngụ tại số nhà 9/4/331 Trần Khát Chân và bà Thẩm Thị Hạnh, địa chỉ 47/383 đường Phúc Tân (phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tố cáo việc bị người hàng xóm tên là Nguyễn Kim Quyền đe dọa, cưỡng ép hai bà phải giao chìa khóa căn hộ trên gác 2, số nhà 274 phố Huế để ông Quyền sử dụng. Căn hộ nói trên của hai chị em bà được thừa kế từ cha ruột là ông Thẩm Trọng Bảo. Sau một thời gian dài cho người em dâu họ mượn để ở, gia đình mới có nhu cầu sử dụng lại nên đã yêu cầu lấy lại nhà. Ngày 16/5/2011, khi bà Nga - người ở nhờ đã dọn đi nơi khác, gia đình bà Hạnh đã làm đơn báo với chính quyền và Công an phường Phố Huế về việc trở về của chủ sở hữu căn hộ. Đồng thời mời tổ trưởng tổ dân phố đến chứng kiến việc hai bà khóa cửa căn nhà để bảo quản tài sản của mình. Bà Hạnh cho biết, trong lúc chúng tôi xuống nhà bà Vân ở tầng 1 nói chuyện thì đột nhiên ông Quyền dẫn một nhóm người xông vào nhà bà Vân đe dọa chúng tôi: “Các bà muốn chết hả? Đưa chìa khóa đây để tôi sử dụng nhà”. Trước thái độ hung hăng của đám đàn ông, 3 người phụ nữ già trong nhà không còn cách nào khác đành phải giao nộp chìa khóa và trình báo sự việc lên Công an phường Phố Huế. 

Ngày 17/5, gia đình bà Hạnh đã làm việc với bà Hoàng Thị Bích Diệp - Chủ tịch UBND phường Phố Huế cùng ông Nguyễn Hùng Lợi - Trưởng Công an phường về việc này. Ngày 18/5, gia đình lại làm đơn kiến nghị UBND, Công an phường Phố Huế cho niêm phong tài sản. Tuy nhiên, đến ngày 19/5 thì căn gác của gia đình bà Hạnh đã bị ông Quyền cho người vào đập phá tan hoang. Ngày 21/5, khi ông Quyền đang cho người vào sửa chữa, đảo ngói căn hộ thì bà Hạnh tiếp tục yêu cầu Công an phường giải quyết.  

Tại trụ sở Công an phường Phố Huế, ông Quyền lí giải việc “sửa” nhà là theo hợp đồng với bà Nga (đã chuyển đi). Trong biên bản làm việc ghi rõ ông Quyền phải dừng ngay hoạt động sửa chữa, cải tạo tại địa chỉ trên, ông Quyền cũng đã kí vào biên bản. Tuy nhiên, sáng ngày 23/5, ông Quyền vẫn tiếp tục cho người đến đâp phá. Gia đình lại trình báo UBND và Công an phường nhưng chính quyền không có biện pháp gì ngăn chặn. Xem ra, động thái mời hai bên đến lập biên bản của Công an phường Phố Huế cũng chỉ là hình thức, làm cho có lệ, chứ lập biên bản, rồi đâu lại đóng đấy mà không xử lí thì tức là công an đang để “đèn xanh” cho sai phạm tiếp diễn.  

Cũng theo bà Hạnh, chỉ cần nhìn vào biên bản có thể thấy cách vòng vo giải quyết sự việc của cán bộ công an. Do cho mượn nhà lâu dài nên gia đình bà Hạnh cũng có phát sinh tranh chấp với người em dâu họ. Tuy nhiên, tranh chấp này đã chấm dứt, bà Nga đã chuyển đi nơi khác. Nhưng Công an phường Phố Huế vẫn “gắn” sự việc tranh chấp giữa gia đình bà Hạnh với bà Nga vào biên bản, phải chăng chỉ để cho ông Quyền lấy cớ có hợp đồng sửa nhà với bà Nga? Trên thực tế, ngay cả bà Nga khi còn ở nhờ tại địa chỉ này thường xuyên gặp mưa dột, cũng không có quyền sửa chữa, cải tạo nhà, vậy hợp đồng giữa ông Quyền với bà Nga làm gì có giá trị pháp lí? Trường hợp ông Quyền bất chấp pháp luật, cố tình xâm phạm quyền sở hữu của gia đình bà Hạnh, là có dấu hiệu của tội phạm, có thể phải xử lí hình sự.  

Là những người thực thi pháp luật chắc chắn cán bộ Công an phường Phố Huế đều có thể phân định đúng sai nhưng quyền lợi hợp pháp của bà Hạnh lại không được bảo vệ mặc dù hành vi ngang trái xảy ra ngay cách UBND và Công an phường Phố Huế chừng trăm mét.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất