| Hotline: 0983.970.780

Cây cao su xứ Thanh lại lỡ nhịp

Thứ Năm 27/05/2010 , 10:46 (GMT+7)

Năm 2009, Thanh Hoá thất bại về kế hoạch trồng cao su. Thất bại cả trong chỉ đạo, trong điều hành từ tỉnh đến huyện.

Hàng trăm ha đất đồi đã được đào hố ở vùng Thạch Thành nhưng người dân không có giống để trồng

Năm 2009, Thanh Hoá thất bại về kế hoạch trồng cao su. Thất bại cả trong chỉ đạo, trong điều hành từ tỉnh đến huyện.

Theo kế hoạch thì 2009, Thanh Hoá sẽ trồng 3.700ha cao su nhưng kết quả chỉ trồng được 1.513ha, chủ yếu là cao su tiểu điền và phần lớn là do người dân tự bỏ vốn ra trồng. Năm 2010, Thanh Hoá đặt ra kế hoạch trồng mới 2.400ha cao su (trong đó vụ xuân 979ha). Nhưng những gì đang diễn ra thì chẳng khác nào các bước đi của năm 2009. Chính vì thế vụ xuân 2010, diện tích trồng mới cao su cũng đang nằm trên giấy. Hố trồng cao su đã được đào để lâu ngày nên có không ít hộ dân đã phải tìm các cây trồng khác thế vào. Huyện Thạch Thành được đánh giá là "điển hình cao su". Song cho đến nay cả cán bộ và người dân đều ngán ngẩm.

Thạch Thành đăng ký sẽ trồng 516ha cao su trong năm 2010, riêng vụ xuân sẽ trồng 250ha. Tại thời điểm chúng tôi có mặt thì đã có 126ha đất đã được đào hố. Người dân mòn mỏi đợi chờ cây giống và phân bón để trồng cho kịp thời vụ nhưng vẫn không thấy đâu. Ông Trương Công Trang - thôn Tú Sơn, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành cho biết: “Năm ngoái tôi chỉ trồng được 200/550 cây. Còn năm nay kế hoạch là sẽ trồng 800 cây nhưng đến giờ phút này thì tôi đã chuẩn bị cây keo lai để trồng thay thế cao su vì toàn bộ hồ sơ thủ tục ký hợp đồng trồng cao su liên kết với Cty Cao su Thanh Hoá phía gia đình đã hoàn tất nhưng chờ mãi vẫn không thấy Cty cung ứng giống và phân bón”.

Ngồi bên cạnh tôi và ông Trang lúc này có đồng chí Hà Văn Tâm- PCT UBND xã Thành Tân và 1 cán bộ Phòng NN- PTNT huyện. Các anh đều cho biết, trong hợp đồng liên kết trồng cao su giữa hộ dân và Cty Cao su Thanh Hoá có ít nhất 5 chữ ký và 4 con dấu, xã, huyện đã gửi đến Cty rồi. Để tìm câu trả lời, chúng tôi tìm gặp ông Đinh Xuân Lan- PCT UBND huyện Thạch Thành được ông cởi mở: “Làm cao su ở đây không khó vì đất đai và khí hậu ở vùng Thạch Thành rất thuận lợi. Từ thời Pháp thuộc trên địa bàn đã có cao su và hiện tại đang có 1.900ha cao cho khai thác. Như vậy, ít nhiều người dân cũng đã có kinh nghiệm trồng cao su. Diện tích trồng cao su của huyện được quy hoạch là 4.000ha gần bằng với diện tích mía. Song vấn đề cốt lõi là ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì sự vào cuộc trực tiếp ở đây phải là Cty cao su”.

Tiến độ trồng cao su ở Thanh Hoá chậm còn do mất niềm tin trong nhân dân khi gắn kết quyền lợi và nghĩa vụ của họ với Cty cao su. Cty thực hiện một số chính sách quá chậm. Đáng quan tâm là chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng/ha khai hoang trồng mới mà tỉnh Thanh Hoá đã ban hành được 15 tháng, ngân sách năm 2009 đã giao để thực hiện chính sách này là 4,9 tỷ đồng và dự kiến 2010 sẽ là 4,4 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên vẫn nằm gọn trong két là sao?

Ông Lan khẳng định chắc chắn: “Nếu Cty Cao su Thanh Hoá không nhạy bén trong việc thực hiện các giải pháp thiết thực thì sẽ có rất nhiều loại cây trồng khác như mía và keo lai sẽ thay thế cao su và chiến lược phát triển cao su sẽ thất bại, kế hoạch 2010 cũng đổ bể”. Lãnh đạo một số huyện được xem là trọng điểm để phát triển cao su tại Thanh Hoá như huyện Cẩm Thuỷ, Như Xuân, Lang Chánh cũng bày tỏ lo ngại về kế hoạch trồng cao su năm 2010.

Khi chúng tôi đưa ra thắc mắc của người dân, ông Đỗ Viết Liêm- GĐ Cty Cao su Thanh Hoá cho biết: “Cty chưa thể ký hợp đồng để cung ứng giống được cho hộ dân trồng vì một lẽ, người dân không bàn giao sổ đỏ cho Cty để Cty có căn cứ trong việc giao vốn. Thanh Hoá đã không chỉ đạo được cho bất kỳ một ngân hàng nào đứng ra bão lãnh vốn cho Cty và người dân có điều kiện phát triển cao su nên Cty buộc phải tự huy động vốn mà đầu tư. Do đó việc bỏ vốn ra, chúng tôi cần tính đến độ an toàn của đồng vốn. Điều khoản giao giấy sổ đỏ cho Cty đã được thể hiện rõ trong hợp đồng với dân”.

Nhưng cao su đại điền vụ xuân này cũng chưa trồng được là sao? Ông Liêm lý giải: “Có đất là Cty triển khai trồng. Tuy nhiên, có 50ha đất đã được chuyển đổi từ trồng mía sang trồng cao su ở khu vực Nông trường Thạch Quảng lại đang gặp sự chống trả của hộ dân. Còn 19ha tại Nông trường Thạch Thành thì do phía ngành liên quan tham mưu chưa thực sự quyết liệt để tỉnh có quyết định trong việc chuyển đổi diện tích rừng nghèo kiệt kém hiệu quả sang trồng cao su”.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.