| Hotline: 0983.970.780

Tăng sức khỏe cho đất dốc

Cây chủ lực vươn mình trên đất khỏe

Thứ Hai 12/08/2024 , 09:36 (GMT+7)

TUYÊN QUANG Những cây trồng chủ lực của Tuyên Quang như chè, cam, bưởi, lạc… đang vươn mình trù phú trên đất đồi nhờ canh tác theo hướng nông nghiệp tốt.

Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ là tiền đề quan trọng để tăng sức khỏe cây trồng. Ảnh: Đào Thanh.

Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ là tiền đề quan trọng để tăng sức khỏe cây trồng. Ảnh: Đào Thanh.

Nông dân có trách nhiệm hơn với môi trường

Bài liên quan

Thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ lực, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức 14 lớp tập huấn IPM với 380 nông dân tham gia; xây dựng 14 mô hình IPM trên các cây trồng như lúa, ngô, rau, cam, bưởi, chè với diện tích thực hiện 61ha.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, tham gia các lớp tập huấn và xây dựng mô hình IPM, nông dân được nâng cao kiến thức về quản lý sinh vật gây hại cây trồng; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhận thức trong bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và trách nhiệm với cộng đồng được nâng lên.

Qua 3 năm triển khai, các mô hình áp dụng IPM giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận. Mỗi vụ sản xuất nông dân giảm từ 1 - 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng bón phân hóa học từ 5 - 10%, giảm chi phí sản xuất từ 5 - 10%, năng suất tăng thêm từ 10 - 15% so với khi chưa áp dụng, chất lượng nông sản được nâng cao, tăng hiệu quả sản xuất.

Bài liên quan

Năm 2023, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chè được triển khai tại thôn Lũng, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn với diện tích 3ha, có 5 hộ tham gia. Mục tiêu của mô hình nhằm giúp các hộ trồng chè tiếp cận, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận, tiếp cận và hướng tới sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ...

Gia đình bà Nguyễn Thị Tuyên ở thôn Lũng, xã Mỹ Bằng tham gia mô hình với diện tích 7.000m2. Bà Tuyên cho biết, được tham gia các lớp tập huấn, khi canh tác, bà con không còn sử dụng thuốc trừ cỏ mà phát cỏ bằng máy hoặc làm thủ công giữa các hàng chè và xung quanh bờ lô vườn chè, tạo môi trường cho các loài côn trùng có ích sinh sống.

Giờ đây, những hộ tham gia mô hình, được tập huấn về IPM như bà Tuyên đã biết đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của vườn chè như chiều cao, đường kính tán chè, các thời kỳ ra búp; tình hình sâu bệnh hại, cỏ dại, tình hình thời tiết để đưa ra các biện pháp kỹ thuật áp dụng vào vườn. Kết quả hạch toán kinh tế cho thấy, vườn áp dụng IPM giảm được chi phí sản xuất, đặc biệt là tiền thuốc bảo vệ thực vật, cho lãi cao hơn vườn làm theo tập quán canh tác thông thường 7.150.000 đồng/ha.

Những vùng chè hữu cơ được hình thành ở Tuyên Quang giúp môi trường ngày càng trong lành, khỏe đất, khỏe người sản xuất. Ảnh: Đào Thanh.

Những vùng chè hữu cơ được hình thành ở Tuyên Quang giúp môi trường ngày càng trong lành, khỏe đất, khỏe người sản xuất. Ảnh: Đào Thanh.

Việc áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp vào cây trồng giúp nông dân ở Tuyên Quang biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thông minh, hiệu quả, không còn tình trạng phun thuốc theo định kỳ, giảm được số lần phun thuốc và lượng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế tác động đến môi trường.

Cây trồng khỏe hơn nhờ áp dụng IPHM

Bài liên quan

Tuyên Quang xác định cây cam, chè, bưởi, lạc là những cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Hiện nay, diện tích chè toàn tỉnh gần 8.200ha, cam hơn 6.400ha, bưởi là 5.200ha và 3.100ha lạc. Các cây trồng chủ lực đều được định hướng áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp, hướng tới mục tiêu sản xuất hữu cơ để mở rộng thị trường tiêu thụ. Trên nền tảng của IPM, hiện nay Tuyên Quang cũng đang khởi động chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) nhằm sản xuất bền vững.

Mô hình áp dụng IPHM trên cây lạc được triển khai từ tháng 2 đến tháng 5/2024 tại thôn Bản Pước, xã Thổ Bình (huyện Lâm Bình) với diện tích 2ha, có 29 hộ tham gia. Lạc là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu ổn định trong nhiều năm qua của người dân nơi đây. Mặc dù trước đây nông dân ở Thổ Bình rất hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây lạc, thế nhưng quy trình chăm sóc chưa được nắm bắt kỹ.

Mô hình áp dụng IPHM trên cây lạc được triển khai từ tháng 2 đến tháng 5/2024 tại thôn Bản Pước, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình với diện tích 2ha. Ảnh: Đào Thanh.

Mô hình áp dụng IPHM trên cây lạc được triển khai từ tháng 2 đến tháng 5/2024 tại thôn Bản Pước, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình với diện tích 2ha. Ảnh: Đào Thanh.

Tham gia mô hình, các hộ nông dân được tập huấn kiến thức về phương pháp điều tra, phân tích hệ sinh thái, cách ghi nhật ký sản xuất, biện pháp cải tạo đất, cách sử dụng phân bón, tạo môi trường sống lý tưởng cho thiên địch có lợi đối với cây trồng và môi trường.

Gia đình bà Ma Thị Mới ở thôn Bản Pước năm nay trồng 2.000m2 lạc. Tham gia mô hình IPHM, bà Mới được hướng dẫn biện pháp canh tác, chăm sóc, bón phân theo nhu cầu dinh dưỡng của cây qua các giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Như 1ha sẽ bón 600kg vôi bột, 7 tấn phân chuồng, 500kg phân NPK...

Bà cũng biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, từ đó giảm số lần sử dụng thuốc trên diện tích lạc tham gia mô hình. Chọn lọc, ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch sản phẩm. Bà cũng không sử dụng thuốc trừ cỏ, tăng cường xới xáo đất để hạn chế cỏ dại bằng biện pháp thủ công.

Bà Mới cho biết, nhờ áp dụng biện pháp kỹ thuật theo kiến thức học được tại lớp tập huấn, đất trên ruộng lạc của gia đình bà ngày càng tơi xốp hơn. Vụ năm nay được mùa, năng suất lạc ước đạt 32 tạ/ha, cao hơn mọi năm từ 2 đến 3 tạ/ha. Với giá thu mua lạc tươi hiện nay từ 12.000 đồng đến 14.000 đồng/kg, vụ lạc năm nay gia đình bà thu được gần 9 triệu đồng, giá trị kinh tế của cây lạc cao gấp hai lần so với cây lúa.

Nông dân tham gia mô hình áp dụng IPHM ở Tuyên Quang đã biết cách chăm sóc, bón phân cân đối, bón theo nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng. Ảnh: Đào Thanh.

Nông dân tham gia mô hình áp dụng IPHM ở Tuyên Quang đã biết cách chăm sóc, bón phân cân đối, bón theo nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng. Ảnh: Đào Thanh.

Mấy năm trở lại đây, diện tích cam của huyện Hàm Yên giảm mạnh, một phần lớn do cây già cỗi, trong khi đất bị bạc màu, thiếu dinh dưỡng, cây mắc nhiều bệnh, chết yểu. Để phát triển vùng cam bền vững, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây cam tại xã Yên Lâm được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang triển khai với diện tích 3ha.

Hộ tham gia mô hình được hướng dẫn thực hiện bón phân theo đúng nhu cầu dinh dưỡng của cây qua các giai đoạn sinh trưởng, phát triển; hướng dẫn phương pháp nhân sinh khối chế phẩm thứ cấp EM để ủ với phân chuồng nhằm tăng cường sử dụng các sản phẩm hữu cơ, giảm phân bón hóa học, góp phần cải tạo đất, tăng độ tơi xốp, cải thiện hệ sinh thái đất...

Ông Bùi Quang Trung, thôn Km68, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên cho biết, gia đình ông có 3ha cam. Những năm trước, ông sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu không đúng cách nên đất ngày càng bạc màu, vườn cam phát sinh nhiều bệnh, cây yếu. Từ khi tham gia mô hình, ông biết làm cỏ, bón phân, tỉa cành tạo tán, bảo vệ thiên địch và nhận biết được các đối tượng dịch hại chính để phòng trừ nên vườn cây đã khỏe mạnh, xanh tốt trở lại. Ông Trung cũng tích cực tuyên truyền cho các hộ sản xuất cam tại địa phương áp dụng theo mô hình này.

 Các mô hình áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng đã giúp nông dân Tuyên Quang biết cách chăm sóc, bón phân cân đối, bón theo nhu cầu dinh dưỡng của cây giúp cây khỏe, sinh trưởng phát triển tốt và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời bảo vệ sức khỏe nông dân, bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng bền vững. Đây cũng là những điều kiện quan trọng để nông sản Tuyên Quang vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

Xem thêm
Trở thành chủ trại gà sau một cú… chết hụt

HÀ NỘI Thoát chết sau một tai nạn, anh Cận thuyết phục vợ bỏ nghề thợ xây, về nhà chăn nuôi bởi làm nông tuy mạo hiểm về kinh tế nhưng ít mạo hiểm về tính mạng.

Kiểm soát dịch bệnh gặp khó do vắng thú y cơ sở

ĐBSCL Thiếu vắng hệ thống thú y cơ sở khiến công tác phòng chống dịch, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y gặp nhiều khó khăn.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất