| Hotline: 0983.970.780

Cây có múi Nghệ An chưa xứng tiềm năng

Thứ Năm 26/12/2019 , 08:57 (GMT+7)

Nghệ An có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, đặc biệt là vùng đất đỏ bazan trù phú thuộc các huyện miền Tây được đánh giá hoàn hảo cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng có múi.

Nghệ An là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển cây trồng có múi.

Sở hữu tiềm năng, lợi thế lớn như vậy nhưng kết quả thu về chưa tương xứng. Quá trình triển khai nhìn chung còn tồn tại hàng loạt vướng mắc.
 

Thiếu bền vững

Qua khảo sát thực tế, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng cây ăn quả trù phú với chất lượng sản phẩm đã được công nhận rộng rãi.

Nổi bật phải kể đến các giống cam Xã Đoài, Vân Du, Valencia nước tiếng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ chỉ dẫn địa lý thương hiệu “Cam Vinh” vào năm 2007. Tương tự là bưởi hồng Quang Tiến, năm 2018 giống này chính thức được chứng nhận sở hữu trí tuệ tập thể.

Tín hiệu khả quan là điều đáng mừng nhưng chừng đó không đủ để khỏa lấp đi hàng loạt vấn đề tồn tại dai dẳng suốt bấy lâu. Phải thừa nhận các giống cây ăn quả có múi hiện nay dù đạt năng suất khá nhưng chất lượng chưa cao, chưa kể tình trạng thoái hóa đang ở mức đáng báo động, đồng nghĩa với chu kỳ khai thác bị rút ngắn, đáng lo ngại hơn cả là hàng loạt diện tích canh tác mới hình thành ngày khi bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên đã phải phá bỏ vì sản phẩm có… cũng như không.

Các chuyên gia đều chung nhận định, quá trình phát triển cây trồng có múi đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về điều kiện đất đai, quy trình chăm sóc, đồng thời phải kết hợp hiệu quả với phương án phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại.

Tựu chung để cây trồng phát triển ổn định, bên cạnh yếu tố mưa thuận gió hòa chí ít người trồng phải đảm đương cùng lúc các yếu tố kể trên. Đòi hỏi này có thể không quá khó nhằn với các doanh nghiệp lớn mạnh nhưng dường như vượt ngoài tầm với của số đông nông dân.

Khảo sát nhiều vùng trồng trọng điểm thuộc các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Con Cuông hay Tân Kỳ, thật đáng lo ngại khi quá trình nhân rộng cơ bản đều theo hướng tự phát, nhìn chung đơn vị chuyên ngành và chính quyền sở tại gần như bỏ ngỏ công tác kiểm soát chất lượng đầu vào (?!)

Người trồng cam trên địa bàn đang đối mặt với muôn vàn khốn khó.

Cần lưu ý nhu cầu cây giống trên địa bàn rất lớn, riêng năm 2018 tỉnh Nghệ An cần đến 170.000 cây. Tuy nhiên các vùng sản xuất cam tập trung cơ bản chưa có cây và vườn cây đầu dòng được công nhận. Nhìn chung số lượng giống được cung cấp ra thị trường chủ yếu được các hộ tự tự thân vận động bằng hình thức lấy mắt ghép vào cây mẹ, có điều giống cây mẹ thường trôi nổi, chưa được xác nhận từ cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, thời gian gần đây một số giống cam ngoại tỉnh đã được đưa về bày bán tràn lan nhưng không qua kiểm soát, nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm chẳng biết đằng nào mà lần.
 

Tràn lan dịch bệnh

Mặc dù đổ tiền trăm bạc tỷ vào vườn tược nhưng phần lớn các hộ vẫn trung thành với phương thức canh tác truyền thống vốn dĩ đã quá cũ kỹ, lạc hậu. Việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào canh tác dù đã manh nha nhưng cực kỳ hạn chế, trái lại người trồng lại lạm dụng thái quá các loại phân bón hóa học và thuốc BVTV độc hại, đặc biệt là thuốc trừ cỏ, họ xem đây là phương án tối ưu nhất mỗi khi đối diện với sự cố.

Tình trạng trên tiếp diễn liên miên, kéo dài mải miết suốt từ ngày này qua tháng khác khiến môi trường đất, nước… bị xáo trộn nặng nề, qua đó tạo điều kiện cho hàng loạt sâu bệnh gây hại có cơ hội bùng phát trên diện rộng.

Quá trình theo dõi của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã phát hiện rất nhiều loại sâu bệnh gây thiệt hại lớn đối với các vùng sản xuất tập trung, trong số này cần lưu ý đặc biệt đến 16 đối tượng sau: sâu vẽ bùa, nhện, rầy chổng cánh, rệp muỗi, rệp sáp, ruồi đục quả, câu cấu, ngài chính hút quả, sâu nhớt, Greening, vàng lá thối rễ, loét, sẹo, chảy gôm, đốm dầu, muỗi đen.

Từ kết quả thực tế, cơ quan chuyên ngành ước tính tổng diện tích cây trồng có múi bị nhiễm bệnh hàng năm dao động mức 10.000 ha, một con số kinh hoàng.

Phần lớn các hộ vẫn trung thành với phương thức canh tác truyền thống.

Khó khăn thi nhau bủa vây khiến tình hình ngày một cam go hơn, chính những con số thống kê đã nói thay tất cả. Theo đó, cuối năm 2017 toàn tỉnh đạt trên 9.600 ha cây ăn quả có múi, bao gồm gần 6.000 ha cam trồng tập trung tại các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Con Cuông, Yên Thành, Tân Kỳ, Anh Sơn. Tuy nhiên thời gian qua diện tích cam thực sự giảm mạnh, điều đáng nói chỉ một phần hết nhiệm kỳ kinh doanh, còn lại do sâu bệnh và thoái hóa giống.

Riêng 2018 – 2019 ghi nhận trên 800 ha bị chặt bỏ, công việc kinh doanh trắc trở đã đẩy nhiều hộ vào tình cảnh trắng tay. Lúc này đây mọi thứ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc.

Bàn về giải pháp, ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nhấn mạnh, trước mắt phải tập trung kiểm tra, ra soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh phân bón và BVTV trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần tổ chức phương án tuyên truyền, tập huấn nhằm ứng dụng rộng rãi các tiến bộ KHKT vào quá trình thâm canh, từ khâu chọn giống đến sử dụng phân bón và phòng trừ sâu bệnh, tất cả phải thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.