| Hotline: 0983.970.780

Cây dứa giúp dân các xã vùng sâu Đăk Lăk đổi đời

Thứ Hai 24/07/2017 , 15:13 (GMT+7)

Cây dứa đồi đã giúp hàng chục hộ dân 2 xã vùng sâu của huyện Krông Bông Bông (Đăk Lăk) là Cư Đrăm và Yang Mao có nguồn thu nhập cao, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha.

Thời gian này, các hộ dân vẫn đang tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng dứa.

20-54-27_vuon_du_nh_ong_tu
Vườn dứa hơn 2ha của gia đình ông Tư đang trong mùa thu hoạch

Ông Trần Văn Tư, thôn 1, xã Cư Đrăm hiện có hơn 2ha dứa đang cho thu hoạch quả. Ước tính vụ này, ông Tư sẽ thu hơn 3 ngàn quả dứa. Với giá bán buôn 15.000 đồng/quả, thì gia đình ông cầm chắc trong tay hơn 450 triệu đồng. Ngoài tiền bán quả dứa, ông còn bán giống được gần 50 triệu đồng. Trong lúc nhiều cây trồng khác đầu ra hết sức bấp bênh, thì cây dứa đang cho ông Tư một mức thu nhập cao và hết sức ổn định.

Trước đây, vùng đất này quá dốc nên ông Tư trồng điều và cây keo lá tràm đều không hiệu quả. Do tầng đất mỏng, cây điều không năng suất, còn cây keo giá thấp nên ông đã bàn bạc với cả nhà quyết định chặt bỏ để trồng 30 ngàn gốc dứa. Thấy được hiệu quả kinh tế của cây dứa đem lại, năm nay ông tiếp tục mở rộng thêm hơn 2ha nữa.

Ông Tư cho biết: “Mấy năm nay giá dứa tương đối cao. Dứa thu hoạch đến đâu, thương lái vào tận vườn mua hết đến đó. Trồng dứa mang lại lợi nhuận gấp hàng chục lần các loại cây trồng khác. Vừa rồi gia đình tôi chặt bỏ tiếp 1,5ha điều và gần 1ha cà phê kém hiệu quả để trồng thêm dứa. Đất ở đây cũng rất hợp với cây dứa, quả dứa to và nhiều nước lắm”.

20-54-27_tieu_thuong_mu_du_ti_thon_1
Tiểu thương vào thu mua dứa tại thôn 1, xã Cư Đrăm

Trước gia đình anh Võ Tấn Yên ở thôn 1, xã Cư Đrăm thuộc diện khó khăn, thường xuyên phải nhận trợ cấp kinh tế từ địa phương. Hai năm trước anh mạnh dạn trồng 8 sào dứa ở vùng đất dốc. Với giá bán buôn như hiện tại, ước tính 8 sào dứa mùa này, gia đình anh Yên sẽ thu về khoảng 120 triệu đồng. Điều đó đang thôi thúc anh ý định mở rộng thêm diện tích dứa.

Anh Yên cho biết: “Trồng dứa chi phí thấp, ít bón phân, không phải tưới nước, chủ yếu là công trồng, làm cỏ, thu hoạch. Gia đình có sẵn đất, tự túc được giống nên năm nay gia đình dự định trồng mới khoảng 2ha nữa. Tất nhiên tôi sẽ nghe ngóng thêm vì sợ trồng nhiều dứa quá thì giá bán có còn cao như bây giờ nữa không”.

20-54-27_nh_yen_thu_hoch_du
Anh Yên thu hoạch dứa

Hiệu quả kinh tế cây dứa mang lại trong những năm qua khá rõ, đã giúp một số hộ dân ở các xã vùng sâu của huyện Krông Bông đổi đời. Gần đây một số cây trồng như điều, cà phê, sắn, ngô lai... thường xuyên mất mùa, mất giá, sâu bệnh nhiều, đầu ra phập phù đặc biệt là cây hồ tiêu ở các địa phương này giảm mạnh do nhiễm sâu bệnh, trong khi giá dứa ổn định, chi phí thấp, ít sâu bệnh, phù hợp với đất đồi dốc nên rất nhiều bà con nông dân đã “chạy theo”, đồng loạt chuyển đổi sang trồng dứa.

Ở 2 xã Cư Đrăm và Yang Mao nhiều bà con vẫn tiếp tục chuyển đổi, trồng mới hàng chục ha từ nguồn vốn sinh kế của dự án giảm nghèo Tây Nguyên và một số hộ tự phát chuyển đổi cây trồng. Chính cơn "sốt" trồng dứa có dấu hiệu lan rộng nên dù đang là cây có giá trị kinh tế cao, thì nhiều người cũng bắt đầu e ngại. Bởi diện tích dứa một khi tăng quá nhanh sẽ đặt ra dấu hỏi lớn về khả năng tiêu thụ.

Lãnh đạo địa phương cho biết, năm 2015 diện tích dứa của 2 xã mới khoảng 30ha, sản lượng 900 tấn thì năm 2017 đã tăng lên 120ha, sản lượng ước tính gần 3.600 tấn, tức là chỉ trong 2 năm tăng tới 4 lần về diện tích. Trong khi đầu ra, giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào tiểu thương ở các nơi về mua. Thậm chí người dân cũng chẳng nắm được tiểu thương mua dứa mang đi đâu, trên địa bàn có nhà máy chế biến dứa không.

Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm cho biết: “Bà con đang ồ ạt trồng dứa, mong làm giàu từ cây dứa. Trong khi đầu ra chỉ là các tiểu thương trong vùng mua gom dứa bán buôn lại cho đầu mối các chợ ở TP Buôn Ma Thuột và một số chợ ngoài địa phương; giống dứa thì bán cho các xã khác và một số xã của huyện Krông Pắc. Mong muốn của địa phương là có được những hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định, với số lượng lớn của các nhà máy chế biến dứa hoặc các cửa hàng, siêu thị. Như vậy mới yên tâm phát triển cây dứa đồi bền vững”.

 

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm