| Hotline: 0983.970.780

Cây ghép cà chua - khoai tây

Thứ Tư 27/01/2010 , 10:44 (GMT+7)

Gần đây, nông dân Đà Lạt truyền tai nhau về một loại cây mới: vừa thu hoạch khoai tây, vừa thu hoạch cà chua trên cùng một gốc. Chúng tôi đã về tận Lâm Đồng để tham quan...

Sau hai năm thực hiện nghiên cứu, cô kỹ sư công nghệ sinh học Nguyễn Thị Trang Nhã (SN 1987, vừa tốt nghiệp thủ khoa Trường đại học Nông lâm TP.HCM) đã thành công đề tài khoa học “Tạo cây ghép giữa cà chua và khoai tây”.

Gần đây, nông dân Đà Lạt truyền tai nhau về một loại cây mới: vừa thu hoạch khoai tây, vừa thu hoạch cà chua trên cùng một gốc. Ngày 25/1, chúng tôi thăm vườn gia đình của Nguyễn Thị Trang Nhã - ở phường 8, Đà Lạt, Lâm Đồng.  

Trong một buổi thảo luận của năm học thứ hai tại trường Đại học Nông lâm TP.HCM, Nhã trình bày ý tưởng về một loại cây mới, được cho là “định hướng công nghệ sinh học” trong tương lai. Bước đầu, cô sinh viên gặp không ít khó khăn: thiếu tài liệu, chưa có kinh nghiệm thực tế. Dù vậy, Nhã vẫn quyết tâm theo đuổi ý tưởng của mình. Từ việc ghép ngọn cây cà chua trên gốc cây khoai tây, Nhã đã cho ra đời loại cây trồng mới vừa cho thu hoạch củ khoai tây lại vừa cho trái cà chua với năng suất cao, đồng thời hàm lượng các chất trong củ khoai tây cũng như quả cà chua đều cao hơn loại cây đơn (cây chưa ghép).

Cho đến khi được trồng thử nghiệm trên vườn tại Đà Lạt, loại cây “tuy 1 mà 2” này đã cho năng suất khá cao, bình quân đạt hơn 19 tấn củ khoai tây/ha và hơn 38 tấn cà chua/ha/vụ trên cùng diện tích, trong khi hàm lượng các chất trong củ và quả như vitamin C trong cà chua ghép đạt 8,77, còn khoai tây ghép là 0,27 (khoai tây không ghép là 0,03); tinh bột trong cà chua ghép là 0,02 (không ghép là 0,02), khoai tây ghép là 2,04 (không ghép là 1,66)…

Việc ghép và trồng thành công cây cà chua - khoai tây của Nhã không chỉ giúp tiết kiệm diện tích đất, công chăm sóc, phân bón mà còn mở ra nhiều triển vọng mới về cây giống kháng bệnh.

Vấn đề kháng bệnh, được rất nhiều thầy cô, nông dân quan tâm. Nhã cho biết, trước đây để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, kéo dài thời gian thu hoạch cà chua cây cà chua, thì người ta đã từng được trồng ghép lên gốc cà dại. Từ kết quả đó, Nhã đã hoàn thiện được quy trình ghép, trồng, chăm sóc, thu hoạch…

Theo Nguyễn Thị Trang Nhã, khoai tây sau khi giâm từ 23 – 25 ngày và cà chua sau khi gieo từ 17 – 22 ngày được tiến hành ghép. Loại cây này sau khi ghép 15 ngày có thể đem trồng và chăm sóc bình thường như khi trồng cây không ghép. Mật độ cây ghép sống và sinh trưởng tốt đến trên 90%.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, bố của Nhã, người trực tiếp trồng thực nghiệm tại Đà Lạt cho biết, khi trồng trên diện tích đất một ha, cây trồng không ghép, hai vụ một năm, sẽ cho năng suất 95 tấn cà hoặc 60 tấn khoai. Trong khi đó, cây ghép sẽ cho năng suất trên 76 tấn cà chua và 38,2 tấn khoai tây. Sau khi trừ đi chi phí giống, phân bón, cọc giàn...; tính giá khoai trung bình 7.000 đồng một kg và cà chua 2.000 đồng một kg, người trồng thu được trên 420 triệu đồng/vụ.

Đề tài nghiên cứu của Nhã giành giải nhì Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 11 và được Thành đoàn TP.HCM trao tặng giấy khen. Giải ba sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Được biết, Nhã đang tiến hành hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc để sớm chuyển giao cây giống cho nông dân.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Bảo vệ lúa hè thu trước nắng hạn và xâm nhập mặn

HẬU GIANG Ngành nông nghiệp Hậu Giang khuyến cáo bà con nông dân triển khai các biện pháp bảo vệ lúa hè thu trước tình hình nắng hạn gay gắt và xâm nhập mặn tăng cao.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.