| Hotline: 0983.970.780

Cây gì cho tôi

Chủ Nhật 17/06/2018 , 10:30 (GMT+7)

Người ta xẻ lộ mới song song với con lộ cũ cặp kênh xáng Xà No. Để là thành phố, Vị Thanh cần phải có cầu vượt. Hơi bị thừa, nói cho tợn theo dân chúng hay nói, rằng có bày ra thì mới có chia chác, đút túi.

Cái thành phố đìu hiu nên cây cầu vượt chẳng để làm gì bỗng bị cánh tài xế chì chiết không thương tiếc, chỉ vì nó sinh ra chẳng để làm gì.

Mới là thị trấn Vị Thanh thời “thay trời đổi đất sắp xếp lại giang sơn”, rồi chia tách tỉnh lần nữa, sắp xếp lại giang sơn lần nữa, nó, cái thị trấn từng có tên cúng cơm là chợ Cái Nhum ấy bỗng thành thị xã của tỉnh mới - Hậu Giang. Đúng rồi. Đặt chiếc com-pa quay một vòng thì nó chính là trung tâm của một vùng rộng lớn đất phèn lợ chuyên những thứ cây nghe đã trầm buồn: bần, tràm, dừa nước và khóm (dứa).

Gần một trăm năm trước ông tôi đã chọn đất này làm quê. Không ai chọn được mẹ cha thì cũng không ai nỡ phiền hà nơi mình đã được sinh ra và trưởng thành. Thương đám cháu sống với đom đóm, muỗi đỉa, tèng heng, rắn rết… ông của chúng tôi đã làm khu vườn như ốc đảo: xoài, vú sữa, cam, quýt, bưởi. Tuổi thơ thần tiên dưới bóng mát, chúng tôi biến con rắn mối, con rái cá, con quạ, con bìm bịp… thành những “nàng thơ” trong ký ức mẫn cảm của mình.

Hơn nửa thế kỷ vật đổi sao dời. Cái Nhum thành thị trấn Vị Thanh. Rồi thị xã Chương Thiện dưới chính quyền trước. Rồi lại về thị trấn, rồi được nhấc lên thị xã và giờ, eo ơi, nó được bốc lên tận mây xanh bởi tên gọi thành phố trực thuộc tỉnh! Thôi, không nói chuyện các ông thích hội họp chia chác và bày vẽ nữa.

Riêng con đường nối Vị Thanh với Kiên Lương của Rạch Giá khiến cho những vạt khóm hiện ra tươi đẹp. Đã đến lúc phải rẽ thôi, về quê, cái nơi mà vài trăm mét là một cây cầu nhỏ lênh khênh ô tô bốn chỗ xót cái gầm thấp của nó. Nhà tường, sân gạch, hoa và kiểng, khá đẹp. Bỗng có những cánh cổng rườm rà và cả những nhà mồ nguy nga như lâu đài, thì ra của những ông cốp bà cốp “bị” tay chân nịnh nọt vẽ vời và xây cho. Thầm hỏi, dân chúng có ngứa mắt không, có câu “mắt dân là mắt khóm”, huống chi ở đây là cội nguồn của cây khóm?

Có những chiếc cầu oái oăm yếu tay lái sẽ trườn ra mép sông và muốn lên cầu phải de tới de lui như làm xiếc. Khi người ta làm đường, người ta bảo kinh phí chỉ thế thôi, cho xe máy mà thôi. Bộ óc tiểu nông không nhìn thấy vài năm thì đã xuất hiện những ông chủ bỏ xe máy để lên đời. Thế là ô tô như bị chơi khăm bởi những cây cầu vừa leo vừa chết khiếp. Rồi cũng tới vịnh nhà, vườn nhà. Sông Nước Đục bời bời nước đục, doi bên kia và vịnh bên này, bên bồi để một bên lở, trăm năm.

Chị tôi già như một trái còng khô. Bạn của chị tôi cũng lưng còng, da nám, miệng không răng. Những người đàn ông lâm trận ở hai phía không về, đã hơn bốn mươi năm, những người phụ nữ của họ lão trước khi già. Và cả những phụ nữ như trong câu hát chị tôi trên bến sông, chị tôi không lấy chồng, ối a, chị tôi không lấy chồng. Một dàn đàn bà và gái trinh bền gan nhưng buồn thảm như cây dừa nước, như những giề lục bình, trôi lên rồi trôi xuống.

Những vạt đồng lúa, không đủ để giàu. Những mảnh khóm, chưa đủ làm vùng chuyên canh. Biền lá dừa nước chưa được các nhà khoa học của các nước giàu để tâm và lũ lục bình bạt ngàn kia, mấy đời ai giàu vì trồng lục bình để lấy gié khô cho thảm? Tất cả như ngưng lại đợi chờ. Không biết chờ gì, chỉ thấy đất ít phù sa hơn, người già đi và các thứ cây y sì thời hoang dã.

Buồn không thể tưởng. Cầu vượt để mà chi. Địa ốc cao tầng ở thành phố cuối đất cùng trời để mà chi. Chừng như quyền sở hữu đất đai đang là chướng ngại để không xuất hiện nổi những ông lớn muốn phỉ chí điền địa cho cây khóm. Nhìn thấy nhiều vùng phía Bắc giàu vì vải, vì nhãn, vì cam, vì bưởi… mà sốt ruột. Nước mặn lò dò đi vào từ cửa sông, chẳng cách gì ngăn được. Phù sa bị chặn ở thượng lưu Mê Kông, cũng không cách gì ngăn được. Trăm năm chớp mắt, đời người qua mau, sao cái gì về đến tỉnh nhỏ út ít ụt ịt Hậu Giang cũng muộn màng, oái oăm như vậy?

Một lớp sẽ thành thiên cổ, cát bụi. Lớp trung niên khác hẳn, phóng xe, bôi son trét phấn, tá lả, nhảy nhót, loa thùng… mà tưởng đời đang sôi động thật. Họ là những bà ngoại bà nội trẻ đang giết thời gian bên các cháu nhỏ, để ba má chúng làm công nhân cho công nghiệp hóa hiện đại hóa. Có lũ vị thành niên không, có chứ, số ấy sẽ là những người mỏi mệt ở vỉa hè các tổng lãnh sự để được đi Nhật, đi Hàn, đi Đài, đi Trung Đông. Và rồi điều gì sẽ đến để đổi thay những cây dừa nước, cây lục bình, cây bần cây tràm ở đây?

Đợi xem. Đành vậy, đợi xem.

(Kiến thức gia đình số 24)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm