| Hotline: 0983.970.780

Cây mía Tây Ninh lao dốc

Thứ Tư 04/03/2015 , 10:05 (GMT+7)

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, những năm gần đây, diện tích mía của tỉnh liên tục giảm. Niên vụ 2014 - 2015 còn 21.000 ha mía, giảm 4.000 ha so niên vụ 2013-2014.

Cty CP Mía đường Thành Thành Công giảm 1.000 ha mía, từ 15.000 ha xuống 14.000 ha; Cty CP Đường Biên Hòa - Tây Ninh giảm 600 ha... Nguyên nhân do phần lớn diện tích đất trước đây nông dân thuê trồng mía sau 3 năm đã hết hợp đồng.

Mặt khác, cây mía đang bị cây mì (sắn) cạnh tranh dữ dội, do giá mì tươi liên tục tăng. Tính toán về mặt kinh tế thì thu nhập từ cây mì có lúc cao gần gấp đôi so với cây mía, trong khi chi phí đầu tư SX mì thấp, thời gian sinh trưởng ngắn, ít rủi ro, dễ thu hoạch.

Niên vụ mía 2013-2014, do giá mía nguyên liệu thấp, người trồng giảm thu nhập bình quân 10 triệu đ/ha. Chưa kể đến những vất vả trong quá trình chăm sóc, nhất là thời gian gần đây, cây mía bị sâu rầy tấn công liên tục như sâu đục thân và bệnh trắng lá mía.

Xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu là một trong số địa phương giảm diện tích mía nhiều nhất. Năm 2010, tổng diện tích mía tại xã là 1.300 ha. Nhưng nay giảm chỉ còn 300 ha. Nghĩa là 1.000 ha trồng mía trước đây lần lượt chuyển đổi sang trồng cây khác.

Hiện các Cty mía đường ở Tây Ninh có tổng công suất thiết kế chế biến gần 13.000 tấn mía/ngày, tương ứng với trên 2 triệu tấn mía/vụ. Với diện tích mía của tỉnh hiện nay, cố gắng lắm cũng chỉ đáp ứng 1,5 triệu tấn mía cây. Như vậy, còn thiếu 500.000 tấn mía phục vụ chế biến đường.

Trước tình hình đó, năm nay các DN mía đường đã đầu tư gần 200 tỷ đồng trồng mía tại các tỉnh Svayrieng, Kompongcham của Campuchia theo phương thức ứng vốn, mua lại sản phẩm.

Trong đó Cty Mía đường Thành Thành Công đầu tư tại tỉnh Svayrieng gần 4.000 ha, Cty Mía đường Biên Hòa - Tây Ninh 3.500 ha. Kết quả là niên vụ 2013-2014, các DN thu hoạch được 230.000 tấn mía ở Campuchia, giải quyết một phần nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.

Phía người trồng mía trong tỉnh thì đang có xu hướng bỏ mía chuyển sang trồng cây khác như mãng cầu, khoai mì... khiến chính quyền địa phương lo ngại. Bởi lẽ, nếu tự phát chuyển đổi sẽ làm vỡ quy hoạch cây trồng hiện có. Nhưng cũng không thể ngăn cản dân đầu tư trồng cây khác, vì đây là quyền của họ.

Huyện Dương Minh Châu năm nay trồng trên 1.400 ha mía. So với cách đây 3 năm, diện tích mía giảm đến 4.000 ha. Trước tình hình dân bỏ mía làm xáo trộn cơ cấu cây trồng, huyện đề xuất hợp tác với DN chế biến đường để cung ứng giống mía chất lượng, năng suất cao cho người dân.  

Thời gian tới, sẽ có nhiều diện tích mía nữa bị thu hẹp dần, nếu ngành chức năng tỉnh Tây Ninh, DN ngành mía đường không có giải pháp cải thiện chính sách đầu tư hỗ trợ người trồng mía.

Ông Hà Thanh Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Dương Minh Châu cho biết, huyện đang phối hợp với Cty Mía đường Thành Thành Công SX mía giống tại địa phương. Tổ SX mía giống sẽ chọn ra một số hộ cung ứng đủ số lượng giống chất lượng cao phục vụ SX.  

"Người dân không nên bỏ mía trồng mì. Hiện lợi nhuận cây mì cao hơn mía, nhưng đất lại không phù hợp cho cây mì. Hơn nữa không hẳn trồng mía được, thì sẽ trồng mì được. Mỗi vùng đất có sự tương thích khác nhau với một loại cây trồng nhất định. Nếu vùng đất mía không được trồng mía, mà chuyển sang trồng cao su, khoai mì hoặc đồ hàng bông, thì thua nhiều hơn thắng", ông Tùng khuyến cáo.

Những năm qua, mặc dù các DN chế biến đường đã thực hiện chính sách hỗ trợ người trồng mía, với mức đầu tư từ 20 - 22 triệu đồng/ha trồng mới và 14-20 triệu đồng/ha mía gốc trồng lại. Tuy nhiên, theo người dân thì mức đầu tư này chưa hợp lý vì chi phí đầu tư cho cây mía thực tế cao hơn nhiều.

Phân bón, thuốc BVTV, công chăm sóc, thu hoạch... ngày càng tăng, trong khi năng suất mía chỉ đạt bình quân 66 tấn/ha.

Để đầu tư cho cây mía, người dân đã phải thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng để vay vốn vì mức hỗ trợ của DN khá thấp, không đủ chi phí và chưa tương xứng với giá trị đất của nông dân. Với nhiều khó khăn trên, việc nông dân bỏ mía để trồng cây khác là chuyện đã được dự báo trước và nay đã thành hiện thực.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất