| Hotline: 0983.970.780

Cây ngô đã thấy đầu ra

Thứ Tư 07/05/2014 , 09:27 (GMT+7)

Theo định hướng chuyển đổi trên nền đất lúa ở ĐBSCL, thì chủ lực sẽ là ngô, đậu tương và một số cây trồng khác. 

+ Nhiều DN nhập cuộc

Trong đó, ngô được coi là cây trồng triển vọng nhất, khi mà đã có nhiều doanh nghiệp bắt tay vào cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm.

Cần thêm giống biến đổi gen

Theo PGS.TS Trịnh Khắc Quang, PGĐ Viện KHNN Việt Nam, để việc chuyển đổi từ lúa sang cây ngô ở ĐBSCL đạt hiệu quả cao, trước hết, về khâu giống, phải đáp ứng những yêu cầu sau: giống ngô chín sớm (90-95 ngày), phù hợp cơ cấu cây trồng 3 vụ trong năm; chống chịu úng, chịu bệnh đốm lá, gỉ sắt, khô vằn; chịu được mật độ cao, lá bi bao kín bắp; phù hợp trên đất phèn nhẹ, mặn nhẹ; năng suất cao (trên 10 tấn/ha trong vụ ĐX, 7-8 tấn/ha vụ XH và HT).

Đại diện một DN cung ứng giống ngô cũng cho biết, để đảm bảo thành công hơn nữa cây ngô trên nền đất lúa ở ĐBSCL, Bộ NN-PTNT và các cơ quan chức năng cần chỉ đạo cơ cấu giống phù hợp với điều kiện thời tiết, đất lúa chuyển đổi, khí hậu đặc thù của mùa vụ.

Theo đó, các giống ngô phải chịu trồng mật độ dày (92.000-95.000 cây/ha vụ ĐX, 85.000-90.000 cây/ha vụ XH và 78.000-82.000 cây/ha vụ HT).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh:

Thị trường ngô tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, khi phát triển trồng ngô chúng ta cũng phải tính tới việc cạnh tranh với ngô của nước ngoài. Việc các doanh nghiệp cam kết thu mua ngô cho nông dân là rất tốt. Sắp tới để việc này được diễn ra suôn sẻ, chúng ta phải nâng cao được hiệu quả của cây ngô.

Hiện năng suất ngô trung bình của ta đạt 4,4 tấn/ha, so với thế giới chưa cao (Mỹ đạt 10 tấn/ha). Vì thế, dư địa năng suất của ta còn nhiều, cần đưa vào các bộ giống tốt và các giải pháp kỹ thuật canh tác ngô phải được làm quyết liệt.

Đây là giải pháp chính giúp tăng năng suất cây ngô ở ĐBSCL, để đạt bình quân 8-10 tấn ngô hạt khô/ha (độ ẩm 15%) tương đương với 11-13 tấn hạt tươi (độ ẩm 28-30%), đồng thời đảm bảo tối ưu hóa điều kiện tự nhiên rất phù hợp với canh tác ngô ở ĐBSCL. Trồng mật độ dày cũng là một giải pháp tốt mà nhiều nước đang áp dụng để đẩy năng suất ngô lên cao hơn nữa. Tuy nhiên, không phải giống ngô nào cũng có thể đáp ứng được yêu cầu trồng dày.

Ông Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục Trồng trọt, cho hay, hiện đã có một số giống ngô cho năng suất cao hơn khi trồng với mật độ dày nói trên, như các giống DK 9901 và DK 6919 của Cty Dekalb.

Một số giống của Syngenta như NK 66 hay NK 7328 có thể trồng với mật độ 83.000-93.000 cây/ha trong vụ ĐX, 66.000-71.000 cây/ha vụ HT… Ông Tùng cho biết thêm, bên cạnh việc trồng mật độ dày, còn có những giải pháp khác để tăng năng suất cây ngô ở ĐBSCL như thâm canh, bón phân hợp lý…

Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Hóa, PGĐ Sở NN-PTNT Tiền Giang, phần nhiều giống ngô hiện nay, khi đưa vào trồng trên đất lúa, năng suất chưa cao. Bên cạnh đó, do cơ giới hóa còn thấp nên giá thành SX ngô cao, thành ra cây ngô vẫn khó cạnh tranh với cây trồng khác.

Vì thế, nhà nước cần sớm cho phép việc SX ngô biến đổi gen như là một giải pháp tốt nhằm tăng cao năng suất, hiệu quả sản xuất cho cây ngô.

Doanh nghiệp đã nhập cuộc

Ông Wai Cheng Chan, TGĐ Cty TNHH Bunge Việt Nam, cho biết, nhu cầu ngô ở Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung đang ngày càng gia tăng. Trong niên vụ 2012/2013, Việt Nam nhập khẩu 1,6 triệu tấn ngô, thì trong niên vụ 2013/2014 có thể nhập khẩu lên tới 3,5 triệu tấn ngô. Riêng Bunge Việt Nam, mỗi năm đã nhập khẩu về nước ta gần 1 triệu tấn ngô.

Ở ASEAN, trong niên vụ 2013/2014 sẽ nhập khẩu 10,9 triệu tấn ngô (niên vụ trước nhập 7,3 triệu tấn). Còn theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, hiện nay, sản lượng ngô của nước ta đã đạt 5,2 triệu tấn, nhưng năm 2013 vẫn phải nhập khẩu tới 2,3 triệu tấn.

Việt Nam đang thiếu hụt tới 2-3 triệu tấn ngô mỗi năm và nhu cầu về ngô sẽ còn tiếp tục tăng lên khi chăn nuôi và thủy sản đang phát triển mạnh.

Thị trường ngô trên thế giới cũng khá ổn định theo hướng cầu vẫn cao. Bằng chứng là dù nguồn cung ngô hiện rất lớn, nhưng giá ngô vẫn có xu hướng tăng. Đến thời điểm này, giá ngô nhập khẩu về tới Việt Nam đã ở mức gần 280 USD/tấn. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, không chỉ làm TĂCN và thực phẩm cho con người, một lượng ngô rất lớn cũng đang được sử dụng để sản xuất dầu. Do đó, có nhiều thời điểm, sự lên xuống của giá ngô trên thị trường thế giới có sự liên hệ với giá dầu.

Ông Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia:

Tôi rất mừng khi thấy một số doanh nghiệp đã tham gia đầu tư, tiêu thụ ngô ở ĐBSCL. Nhưng có vẻ như các doanh nghiệp lẽ ra phải là đầu tàu trong việc này thì lại chưa thấy tham gia. Đó là các nhà sản xuất TĂCN.

Lâu nay, những daonh nghiệp này cũng như Hiệp hội TĂCN thường kêu ca, phàn nàn rất nhiều về việc không có vùng sản xuất ngô nguyên liệu, thiếu hụt nguồn ngô trong nước… Nhưng đến giờ, họ lại chưa quan tâm đầu tư, tiêu thụ ngô cho nông dân, hoặc nếu có quan tâm thì cũng chỉ mới nghe ngóng là chính.

Chính vì thế, nhiều ý kiến đều thống nhất rằng, dù Việt Nam có tăng cường sản xuất ngô đến mấy đi chăng nữa, thì cũng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Hay nói cách khác, việc phát triển cây ngô đang có một điều kiện rất thuận lợi là có sẵn một thị trường nội địa với tiềm năng tiêu thụ rất lớn. Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn khiến cho cây ngô lâu nay vẫn khó phát triển ở ĐBSCL là đầu ra không ổn định.

Nhưng việc tiêu thụ ngô ở ĐBSCL đã bắt đầu có dấu hiệu sáng sủa hơn khi có nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào tiêu thụ ngô một cách bài bản ở ĐBSCL. Ông Lê Tấn Tài, GĐ Cty TNHH Tài Lộc, tiết lộ, trong ngày hôm nay (7/5), Cty này sẽ tổ chức thu mua ngô ở 15 ha tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) với giá hạt tươi là 3.900 đ/kg. Mức giá này đảm bảo cho nông dân đạt lợi nhuận 18 triệu đ/ha.

Ngoài ra, nông dân còn có thêm khoản thu nhập 100.000-150.000 đ/công đất nhờ bán cùi ngô. Trong năm 2015, Cty Tài Lộc sẽ tổ chức thu mua 50.000 tấn ngô. Đến năm 2016 là 100.000 tấn và tăng lên 200.000 tấn vào năm 2020.

Để đạt được mục tiêu thu mua như trên, Cty Tài Lộc đã và sẽ tiếp tục gắn bó, làm người bạn đồng hành với nông dân thông qua việc xây dựng mô hình canh tác hiệu quả, chủ động đầu tư nợ giống cho nông dân đến cuối vụ mới hoàn lại, phối hợp với chính quyền địa phương để ký hợp đồng bao tiêu với các tổ hợp tác sản xuất ngô…

Cty Dekalb đã đào tạo, hướng dẫn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho khoảng 7.600 nông dân, giúp chuyển đổi khoảng 4.000 ha lúa sang ngô từ tháng 2/2013- 5/2014. Bên cạnh đó, Dekalb đã phối hợp với các công ty thu mua ngô nông sản nhằm tạo thành chuỗi giá trị.

Cụ thể, Dekalb đã đào tạo, hướng dẫn và kết nối việc thu mua tại các vùng nguyên liệu được mở rộng, đào tạo những nhà thu mua tại chỗ và kết nối được với 2 doanh nghiệp thu mua lớn và đầu tư hạt giống cho nông dân là Cty TNHH Tài Lộc và Cty TNHH ADECO nhằm mở rộng vùng nguyên liệu 100.000 ha trong 3 năm tới.

Ông Wai Cheng Chan cũng cho biết, Cty TNHH Bunge Việt Nam đang làm việc với với các nhà sản xuất TĂCN lớn, có uy tín để đảm bảo một nhu cầu chắc chắn và sẵn sàng cho những vụ mùa ngô sắp tới. Đồng thời Cty này đang nghiên cứu khả năng xây dựng các trung tâm thu mua tại ĐBSCL với đầy đủ hệ thống sấy và kho lưu trữ. Không những thế, Bunge còn mong muốn thúc đẩy xuất khẩu ngô Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Hạn hán khốc liệt, nhiều diện tích cà phê bị cháy khô

GIA LAI Tình trạng khô hạn khắc nghiệt kéo dài tại huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã khiến cho nhiều diện tích cà phê bị cháy khô, nguy cơ chết cả vườn cây.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm