| Hotline: 0983.970.780

Cây sở 'sống lại'

Thứ Tư 13/11/2019 , 08:56 (GMT+7)

Đã có một thời gian dài cây sở như một loại cây rừng chỉ có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chứ không ai tính tới hiệu quả về kinh tế. Thế nhưng những năm gần đây cây sở đem đến lợi nhuận cho người trồng mỗi năm gần 100 triệu đồng/ha.

Đầu voi, đuôi chuột

08-39-29_vuon_so_2_h_cu_b_do_thi_luong_o_xom_son_hi_nm_no_cung_cho_thu_li_tu_160_-_200_trieu_dong
Vườn sở 2ha của bà Đào Thị Lượng ở xóm Sơn Hải năm nào cũng cho thu lãi 160 – 200 triệu đồng.

Năm 2000 khi thực hiện Quyết định 661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc trồng mới 5 triệu ha rừng, tỉnh Nghệ An đã giao chỉ tiêu rất cụ thể cho từng địa phương trồng các loại cây. Trong đó huyện Nghĩa Đàn được giao trồng 1.000ha cây sở, bao gồm các xã Nghĩa Yên, Nghĩa Minh, Nghĩa Mai, Nghĩa Lâm trồng 500ha. Số còn lại thuộc các xã Nghĩa Long, Nghĩa Lộc, Nghĩa Thuận… trồng 500ha.

Những năm đầu thực hiện dự án, nhờ có sự vào cuộc một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhờ có những chính sách ưu tiên ưu đãi của tỉnh, nên các địa phương xã đã sớm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch.

Tuy nhiên đến bảy, tám năm sau, vì không thấy sở mang lại hiệu quả nên người dân đã tỏ ra chán nản. Có những nơi người dân đã lén chặt bỏ để trồng cây khác, lại có những nơi cứ để mặc cho cây sở cứ còi cọc lay lắt sống trên đất cằn khô kiệt.

Theo đó diện tích sở bị xóa sổ dần theo năm tháng. Chỉ tính riêng ở xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, sau 4 năm thực hiện dự án 661 đã có 10/14 xóm trồng được 480ha sở. Thế nhưng đến nay theo ông Hoàng Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên thì toàn xã hiện chỉ còn hơn 28ha.

Không riêng gì ở xã Nghĩa Yên, mà nhiều địa phương khác cây sở do không được chăm sóc, nên đã bị chết dần, hoặc đã được người dân chặt hạ để trồng keo, bạch đàn.
 

Lợi ích to lớn từ sở

Khác hẳn với nhiều vùng quê, diện tích cây sở ngày càng teo tóp thì ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, cây sở được người dân đặc biệt quan tâm. Đây là vùng sở có diện tích lớn nhất so với các địa phương trong toàn tỉnh. Người dân không những rất chu đáo trong việc chăm sóc cây sở, mà diện tích sở ở đây cũng đang ngày càng phát triển.

08-39-29_diem_tp_ket_so_cu_tu_thuong_ti_xom_khe_si_1_x_nghi_loc
Điểm tập kết sở của tư thương tại xóm Khe Sài 1.

Ông Lại Văn Dương, Phó Chủ tịch xã Nghĩa Lộc dẫn chúng tôi đi thăm những cánh rừng sở mênh mông thuộc lâm phần của các xóm Bình Minh, Kim Hồng, Mỹ Lộc, Vạn Lộc, Đồng Rành… Hiện toàn xã Nghĩa Lộc có 250ha cây sở. Trong đó 240ha trồng theo dự án 661 cách đây đã 20 năm, 5ha trồng mới trong mấy năm nay. Đặc biệt có 5ha đã có tuổi đời 60- 70 năm nhưng đến nay hàng năm vẫn cho sản lượng không thua kém loại cây đã trồng cách đây 20 năm. 

"Giá sở năm nay có thấp thua hơn so với năm ngoái, nhưng bà con nông dân ai cũng phấn khởi, bởi nói về tính hiệu quả kinh tế thì không có loại cây rừng nào sánh được. Nhiều hộ thực sự đã giàu lên nhờ cây sở, điển hình có ông Nguyễn Xuân Long ở xóm Vạn Lộc 1 trồng 4 ha sở đã cho thu lãi 350 triệu đồng. Bà Đào Thị Lượng trồng 2 ha nhưg nnăm nào cũng cho thu lãi từ 160 – 200 triệu đồng…", ông Dương chia sẻ.

Ông Lê Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lộc bảo: Trước đây giá sở quá bèo bọt, do vậy người trồng không muốn thu lượm hạt. Thế nhưng trong những năm gần đây, tư thương cứ vào đến tận nhà mua với giá 17 nghìn đồng/kg hạt để gom lại xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc. Bình quân mỗi ha sở cho thu hoạch 7 tấn hạt. Như vậy hàng năm, sau khi trừ hết các chi phí thì mỗi ha sở người dân đã thu lãi được 80 – 100 triệu đồng.

Để so sánh tính hiệu quả của cây sở so với các loại cây rừng khác, ông Thành đặt bút tính: Sở trồng 8 năm là cho quả, đến năm thứ 10 thì giá trị thu về đủ bù chi phí cho việc trồng mới và chăm sóc. Từ năm thứ 12 trở đi sở cho năng suất ổn định. Và như thế, hàng năm cứ đến mùa sở chín (từ tháng 9 đến tháng 11 dương lịch) là người dân lại vào rừng thu hoạch sở. Năm nào cũng vậy sở cứ việc đẻ ra tiền để cho dân thu lượm. Còn cây keo, bạch đàn cũng là giống cây rừng, nhưng 5 năm nếu chặt hạ thì cũng lãi được 70 triệu đồng, rồi lại trồng chu kỳ khác. Tiếp đến lại phải đến 5 năm sau… Ngược lại cây sở thì chỉ có việc trồng một lần rồi cứ thế mà thu hoạch mãi.

Ông Nguyễn Duy Quang ở xóm Bình Minh cho biết, quả sở sau khi chế biến thì sản phẩm chính là dầu ăn cao cấp. Bã thải của sở sau chế biến còn được pha chế làm xà phòng, phân bón, thuốc trừ sâu…

Để chủ động bao tiêu sản phẩm sở cho bà con trong toàn huyện và các vùng lân cận như Quỳnh Lưu, Yên Thành, Tân Kỳ. Mới rồi ông Nguyễn Duy Quang đã tiến hành xây dựng xong một xưởng chế biến tinh dầu sở với nguồn đầu tư ban đầu lên tới hơn 7 tỷ đồng. Theo thiết kế công suất chế biến của xưởng lên đến 20 tấn quả/ngày đêm.

08-39-29_co_so_che_bien_tinh_du_so_cu_ong_nguyen_duy_qung_moi_ngy_che_bien_duoc_20_tn_qu
Cơ sở chế biến dầu sở của ông Nguyễn Duy Quang, mỗi ngày chế biến được 20 tấn quả.
“Sở là cây rừng có tác dụng rất lớn trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống rửa trôi đất, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình. Sở còn là giống cây có giá trị kinh tế cao nhất so với các loại cây rừng khác. Hàng năm Nghĩa Lộc còn tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng sở để thay thế các loại cây rừng kém hiệu quả”, ông Lê Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lộc.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.