| Hotline: 0983.970.780

Cây thị giàu dược tính

Thứ Sáu 12/11/2010 , 09:25 (GMT+7)

Cây thị (diospyros decandra lour) thuộc họ thị (ebenaccae) rất gần gũi với chúng ta, được trồng rải rác trong các vườn gia đình, nhất là ở đình chùa, miếu mạo để lấy quả. Theo kinh nghiệm dân gian, hầu hết các bộ phận của cây thị đều được dùng làm thuốc chữa bệnh rất tốt.

Quả thị: Có hai dạng đó là dạng quả hình cầu, đít tròn, thường được gọi là thị muộn và dạng quả nhỏ hơn hơi dẹt, đít bằng, có tên là thị sáp hay thị lục sáp. Quả thị có mùi thơm mát khi vừa chín tới, trong vỏ quả chứa một ít tinh dầu mùi gần giống mùi ester valerianic. Hương thơm này có tác dụng trấn tĩnh, giảm căng thẳng thần kinh, thư giãn. Đến khi quả đã chín rục, mềm nhũn và chuyển sang màu vàng sẫm thì mùi thơm giảm nhiều.

Quả thị đã được nghiên cứu dược lý trên giun đất bằng cách dùng 20g bột thịt quả thị phơi khô, tán nhỏ, chiết với 200ml nước, lấy liều vừa phải làm giun bị tê liệt, liều cao làm chết giun và liều càng cao, giun chết càng nhanh. Có giả thiết cho rằng tác dụng này do tamin glucosidic, dẫn chất pyrocatechic phlobaphen. Trên cơ sở đó, người ta thấy trẻ nhỏ ăn nhiều thịt quả thị chín vào sáng sớm lúc đói có ra giun, chủ yếu là giun kim, mặc dù quả thị chín ít được ăn tươi vì không ngon, lại sít răng làm răng cáu bẩn...

Lá thị: Được dùng rất phổ biến để trị chứng táo bón, bụng anh ách căng đầy hoặc dùng lá thị tươi giã đắp làm mụn nhọt chóng vỡ mủ, hòa với rượu  rịt vào chữa viêm tinh hoàn (thiên trụy) …

Vỏ thị: Nhân dân thường lấy vỏ bằng cách khía quả thị thành 6 – 8 mảnh, bóc ra dán lên tường vách hoặc cột nhà cho khô, khi dùng mới gỡ xuống.

Hạt thị: Theo tài liệu nước ngoài, hạt thị ngâm nước trà, uống có tác dụng kích thích sinh trưởng, chống lão hóa, làm thuốc dưỡng da, làm cho da hết nhăn, trở nên căng phồng, hồng hào. Về sau, hạt thị trở thành vị thuốc "cung đình" để giữ sắc đẹp (theo sử sách đời nhà Đường, Trung Quốc).

Rễ thị: Thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa thu đông, rửa sạch, lột vỏ và chỉ lấy lớp vỏ trắng ở mặt trong, phơi hoặc sấy khô cất dùng dần.

Để tham khảo và áp dụng, dưới đây xin giới thiệu một số cách trị liệu những bệnh chứng từ các bộ phận của cây thị.

* Chữa sốt nóng, ngộ độc, nôn mửa hoặc ngâm rửa trị mẩn ngứa, lở loét: Lấy rễ thị chừng 30 – 50g thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

* Trị táo bón, bụng anh ách căng đầy: Lấy lá thị rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, quấn hút (như hút thuốc lá) thấy dễ chịu ngay, trung tiện được, ngày làm vài lần.

* Chữa viêm tinh hoàn (thiên trụy): Lấy lá thị tươi giã nhỏ hòa với ít rượu rịt vào chỗ tinh hoàn đau, ngày 2 – 3 lần.

* Làm mụn nhọt chóng vỡ mủ: Lấy lá thị tươi giã nhỏ đắp vào nơi mụn nhọt băng rịt lại, ngày 1 – 2 lần.

* Chữa bỏng lửa: Lấy lá thị phơi khô, giã nhỏ thành bột, tẩm nước rồi đắp vào nơi bị bỏng lửa.

* Chữa sâu quãng, lở loét: Lấy lá thị khô đốt thành than, rắc chữa sâu quãng, lở loét hoặc sắc lấy nước đặc rửa vết thương.

* Chữa dị ứng: Lấy lá thị 100g phối hợp với rễ cây ráy 50g thái nhỏ, phơi khô, nấu nước đến sôi, xông nơi bị dị ứng.

* Chữa phù thũng: Lấy lá thị, lá đu đủ, lá lộc mại và lá trầu không, mỗi thứ 50g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày, kết hợp lấy lá tươi của 4 thứ với lượng như trên, giã nhỏ, gói bằng lá chuối đã dùi nhiều lỗ thủng, nướng chín, rồi rịt vào rốn, băng lại.

* Chữa giời leo (herpes): Lấy vỏ quả thị phơi khô, đốt thành than, hòa với dầu vừng hoặc mỡ lợn, bôi lên những vết phồng rộp chữa "giời leo" (một loại bệnh ngoài da).

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.