| Hotline: 0983.970.780

Cây trồng héo úa vì nắng hạn

Thứ Tư 27/03/2019 , 15:15 (GMT+7)

Nắng nóng kéo dài gần 2 tháng nay làm hàng trăm héc ta cây trồng cạn trên vùng gò đồi tại các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh (Phú Yên) bị khô nước, chậm phát triển.

Hoa màu trồng ở những vùng đất soi cạnh sông cũng bị thiếu nước, phải đào ao “giải hạn”.
 

Nắng hạn kéo dài

Ông Trần Văn Khanh ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cho hay: Mới đây tôi thu hoạch sắn, nhưng do nắng hạn đất cứng không thể nhổ được mà phải dùng cuốc đào. Đào lâu nên thuê máy cày moi củ lên, cứ tiếng đồng hồ là 60.000 đồng, chi phí thuê một ngày gần 500.000 đồng.

09-16-01_dt_trong_sn_kho_cung
Đất trồng sắn ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) khô khốc

Cũng theo ông Khanh, khi cày đất lấy củ rồi phơi đất không thể trồng vụ mới, vì nắng hạn đất khô “luộc” hom sắn. Còn thuê máy cày moi củ sắn cực chẳng đã mới làm, vì thất thoát sau thu hoạch rất nhiều, trong khi cày có những củ bị lấp dưới đường cày. Thời tiết năm nay khác lạ, tháng giêng rồi qua tháng hai (âm lịch) không có hạt mưa.

Còn đám sắn của bà Trần Thị Quý ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) cao gang tay người lớn nhưng lá chuyển sang màu đỏ. Bà Quý phân trần: Từ sau tết đến nay vùng này không có mưa, sắn trồng hơn 1 tháng giờ héo úa. Cỏ lên xanh nhưng không dám cuốc vì sợ trống đất sắn nhanh chết héo.

Đối với cây mía, nắng hạn cũng làm hạn chế phát triển. Dọc theo vùng gò đồi từ xã Sơn Định qua xã Sơn Hội rồi xuống xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), đất khô khan, mía để lưu gốc héo úa. Còn mía chưa kịp thu hoạch cháy lá. Ông Sô Minh Trí ở xã Sơn Phước phân trần: Tháng giêng vừa rồi tôi thu hoạch mía bán cho nhà máy đường sau đó để lưu gốc, nắng quá mía nảy mầm yếu ớt, giờ chỉ giữa đám lá mía có màu xanh, còn xung quanh bìa lá mía héo. Nắng riết tháng nữa thì cày phá gốc trồng lại.

Theo ông Lê Văn Nam, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, ngành nông nghiệp khuyến cáo, để giảm chi phí, bà con có ruộng trồng hoa màu gần nhau lập 1 nhóm từ 3 - 5 hộ góp tiền đào ao chung và thay nhau bơm tưới luân phiên chống hạn.

Sắn, mía nông dân trồng gặp nắng hạn héo úa, còn cỏ trồng nuôi bò cũng không phát triển nổi. Ông Kso Minh ở xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) chia sẻ: Tôi có gần một sào trồng cỏ voi nuôi bò. Mấy tháng trước, cỏ đủ nuôi 3 con bò. Hơn một tháng nay, nắng khô hạn, cỏ thiếu nước tưới chậm phát triển, thức ăn cho bò hiện khan hiếm.
 

Đối phó với thời tiết bất lợi

Trên vùng đất soi ven sông, nông dân tập trung công sức cứu cây trồng. Loay hoay bơm tưới 2 sào bắp soi đang thời kỳ trổ cờ, phun râu từ nguồn nước đào ao mắc đường ống dẫn dài hơn nửa cây số, ông Bùi Văn Tuấn ở xã An Định (huyện Tuy An) cho biết: Bắp trồng dọc sông Cái (sông Kỳ Lộ) thời kỳ này gặp khô hạn, trái bị răng cưa nên tôi đào ao bơm nước tưới. Năm nay nắng hạn sớm, dòng chảy trên sông yếu nên phải đào ao sâu mới có nước.

Tại cánh đồng trồng bí, mướp, dưa của xã An Hòa, An Mỹ, An Chấn (huyện Tuy An), nông dân đào ao, khoang giếng tưới cho hoa màu. Ông Phan Văn Tiến ở xã An Hòa cho biết: Bỏ tiền đào ao tốn 5-10 triệu đồng, nhưng vẫn phải làm để có nước tưới cho hoa màu không bị chết héo.

09-16-01_mi_chy_l_kho_hn
Mía chưa kịp thu hoạch cháy lá

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho hay, El Nino đã xuất hiện đầu năm 2019. Lượng mưa dự báo trong các tháng tiếp theo sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm. Tình trạng nắng nóng kéo dài như hiện nay làm cho hàng trăm héc ta cây trồng cạn trên vùng gò đồi chậm phát triển.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Tùng, các hồ chứa tại lưu vực sông Ba, sông Bàn Thạch chỉ đạt 31% dung tích thiết kế. Do đó các địa phương cần sử dụng nước hợp lý nhằm phục vụ sản xuất đạt kết quả thắng lợi.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất