| Hotline: 0983.970.780

Chà bông cực bẩn - Càng dẹp, càng loạn

Thứ Sáu 23/10/2015 , 06:35 (GMT+7)

Công thức chế biến chà bông siêu bẩn là thịt gà thải thối, bột và phụ gia Trung Quốc. Mỗi kg chà bông bẩn có giá chỉ bằng 1/3 chà bông sạch./ Công nghệ chế biến chà bông cực bẩn, cực độc

Một cơ sở SX chà bông siêu bẩn, độc hại với nguyên liệu chính là thịt gà thải thối, bột và phụ gia Trung Quốc vừa được đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP.HCM kiểm tra phát hiện và ngày 22/10 đã xử phạt hành chính số tiền 12 triệu đồng.

Siêu lợi nhuận

Thật ra, loại chà bông (miền Bắc gọi là ruốc thịt) độc hại này đã và đang được mua bán tràn lan trên thị trường mà NNVN đã từng cảnh báo trong bài “Công nghệ chế biến chà bông cực độc, cực bẩn”.

Đây là loại chà bông bán giá cực rẻ chỉ vào khoảng 60-80 ngàn/kg, trong khi chà bông được chế biến bằng nguyên liệu chính là thịt lợn nạc có giá không dưới 250 ngàn đồng/kg.

SX loại chà bông cực bẩn, cực độc hại này, vì siêu lợi nhuận nên lỡ có bị cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện chỉ bị xử phạt hành chính cao lắm ở mức 10-12 triệu đồng chẳng khác gì “gãi ngứa”.

Hoặc có bị đình chỉ hoạt động nơi này thì nơi khác lại mọc lên, do vốn đầu tư ban đầu thấp khoảng 15 triệu đồng.

Trong đó bao gồm chi phí thuê mặt bằng (5-6 triệu đồng/tháng, nơi xa khu dân cư, trong hẻm hóc hoặc núp bóng dưới danh nghĩa cơ quan Nhà nước), cộng với máy cối trộn bê tông công suất xay nhuyễn 0,5 tấn/giờ và máy làm tơi chà bông thành sợi có giá 5-7 triệu đồng/máy cùng với việc nuôi vài lao động ăn ở tại chỗ mức lương 3 triệu đồng/tháng.

11-51-41_h3
Máy làm tơi chà bông thành sợi giá 5 triệu đồng/cái

Theo tính toán của chính một số chủ cơ sở, giá thành SX 1 kg chà bông cực bẩn này chỉ vào khoảng 50 ngàn trở lại, nhưng bán ra thị trường vô chừng, có thời điểm ngày lễ, cận Tết... có thể “vặt” đến 80-100 ngàn đồng/kg tức “1 lời 1”.

Bình quân 1 ngày SX khoảng 100 kg, chỉ cần bán giá 70 ngàn/kg, đã có thu nhập 2 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí mặt bằng, trả lương lao động, “lo lót" cán bộ địa phương để yên tâm hoạt động thì chủ cơ sở cũng đút túi 1 triệu đồng/ngày. 

Với kiểu làm ăn này, chỉ trong vài tháng là đủ thu hồi vốn, còn nếu bị “động ổ” lại chạy đi nơi khác, thay tên đổi họ theo kiểu “bình mới rượu cũ” với chiêu thức SX công nghệ như cũ mà cơ quan chức năng không hề hay biết.

Nghề “hái” ra tiền như thế thì đúng là “càng dẹp càng loạn”.

Chung một "công thức"

Điển hình nhất là gần đây, ngày 20/10, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh khi tiến hành kiểm tra cơ sở SX chà bông của ông Đoàn Văn Thương (43 tuổi, quê Ninh Bình) nằm sâu trong hẻm trên đường Sư Đoàn 9 (tổ 6, ấp 3, xã Vĩnh Lộc A).

Tại hiện trường, đoàn kiểm tra ghi nhận có đến gần 741 kg thịt chà bông thành phẩm được sản xuất trong điều kiện hết sức dơ bẩn, với nguyên liệu chính là thịt gà thải thối + bột + hóa chất có xuất xứ từ Trung Quốc đổ trên một tấm lót mỏng bám đầy bột mì và bụi bẩn, ngay bên dưới là nền đất nhếch nhác.

Cụ thể là thịt gà thải mua giá 30 ngàn đồng/kg, sau đó xay nhuyễn độn thêm bột mì để tăng trọng lượng. Trong quá trình tẩm ướp gia vị, để tạo vị “siêu ngọt”, chủ cơ sở sử dụng phụ gia là đường hóa học (sodium cyclamate) có nguồn gốc Trung Quốc (chữ ghi trên nhãn).

11-51-41_h1
Đường hóa học của Trung Quốc sử dụng trong chà bông cực độc để tạo vị “siêu ngọt”

Đây là một loại chất cấm trong chế biến thực phẩm có giá mua ngoài thị trường 50 ngàn đồng/kg nhằm giảm giá thành SX.

Qui trình công nghệ chế biến chà bông cực bẩn này vẫn theo một công thức chung lâu nay là luộc chín thịt gà thải, bóc thịt đem vào cối xay, sau đó tẩm ướp gia vị hóa chất rồi trộn thêm bột mì, cuối cùng là sấy khô cho vào các túi ni lông.

Theo lời khai nhận của ông Thương, cơ sở hoạt động từ tháng 7 (?) đến nay, nhưng chưa đăng ký kinh doanh, chà bông thành phẩm được ông thuê hai “nhân viên tiếp thị” (còn gọi là “seo”) áo quần bảnh bao đem bỏ mối sỉ cho các xe đẩy bán bánh mì, bán xôi, quán cóc vỉa hè (gọi chung là thức ăn đường phố)...

Với giá từ 50-70 ngàn đồng/kg thì cứ bán 1 kg, nhân viên “seo” chà bông cực độc được hưởng hoa hồng 3%. Tức bán 100 kg/ngày, nhân viên “seo” có thu nhập 200 ngàn đồng.

Trong đó, chỉ riêng một xe bán bánh mì ven đường cả ngày có thể tiêu thụ hết 2 kg chà bông.

Thế nên, do biết trước mức độ nguy hại của việc SX trái phép chà bông độc hại do chính cơ sở làm ra, ông Đoàn Văn Thương đã xin tiêu hủy toàn bộ thành phẩm và nguyên liệu.

Hôm qua (ngày 22/10), UBND huyện Bình Chánh đã ban hành quyết định xử phạt hành chính trên 12 triệu đồng đối với cơ sở sản xuất chà bông trái phép này, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ lô hàng 741 kg chà bông thành phẩm.

"Theo thống kê, TP.HCM hiện có gần 17 ngàn điểm bán thức ăn đường phố với tổng số gần 24 ngàn người tham gia kinh doanh. Việc quản lý được phân về tuyến phường/xã nhưng tuyến này chưa có cán bộ chuyên trách nên quản lý còn rất lỏng lẻo. Vì thế thức ăn đường phố đã phát triển vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan chức năng”.- Một lãnh đạo Chi cục ATVSTP TP.HCM.

Điều đáng nói là, đúng vào thời điểm này vào tháng 10 năm ngoái, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh cũng đã “đánh” một cơ sở SX chà bông cực bẩn, cực độc không phép của bà Đỗ Thị Tân (31 tuổi, quê Thanh Hóa) nằm sâu trong hẻm trên đường Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc B.

Cũng với “công nghệ” chế biến như ông Thương, bà Tân sử dụng thịt gà thải thối trộn với bột mì được tẩm hóa chất phụ gia của Trung Quốc nhằm tăng trọng lượng thành phẩm. 

Tại đây, đoàn kiểm tra đã thu giữ trên 1,1 tấn hàng, trong đó có hơn 800 kg chà bông chuẩn bị đưa đi tiêu thụ đã cho thấy quy mô của cơ sở “chui” lớn đến mức nào và không biết đã có bao nhiêu người tiêu dùng sử dụng loại thực phẩm độc hại này.

Chiêu thức cũ rích

Một cán bộ Trạm thú y huyện Bình Chánh cho biết, việc kiểm tra phát hiện cơ sở SX chà bông trái phép, cực độc thật ra không phải dễ. Trước hết, phải có nguồn tin cơ sở báo về, sau đó Trạm phân công cán bộ thú y địa bàn đi “trinh sát ngoại tuyến”.

11-51-41_h2
Dây chuyền sản xuất chà bông bẩn

Vốn dĩ không có nghiệp vụ trinh sát nên không ít lần bị lộ, vậy là cơ sở biết được nên “đắp chiếu” ngưng hoạt động vài ba ngày, lao động bên trong cơ sở cũng “án binh bất động”.

Đến khi thấy yên tĩnh, cơ sở lại “chui ra” hoạt động. Đến lúc này xin ý kiến thành lập đoàn kiểm tra thì không phải sáng ra là chiều có ngay quyết định “ban bệ” mà có khi phải chờ đôi ba ngày.

 Lúc này chỉ cần nghe động tĩnh là chủ cơ sở lại tiếp tục “đắp chiếu”, ngừng hoạt động. Nếu nhận thấy bị động thật sự, họ lại dời cơ sở đi nơi khác.

“Một số ít cơ sở SX chui thực phẩm độc hại, trong đó có chà bông cực bẩn, cực độc thông thường có mối quan hệ họ hàng hoặc làm ăn quen biết với nhau, họ chia sẻ với nhau hàng giờ, hàng ngày nên có khi mình “đánh” chỗ này thì sau khi chấp nhận nộp phạt, họ tự giải tán nhưng sau đó là mang theo máy móc, lao động kể cả “công nghệ” chế biến đến nơi khác tiếp tục mở cơ sở chui và SX cũng với chiêu thức cũ rích như vậy...” - vị này nói.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm