SẢN PHẨM CA CAO CỦA CHA VÀ CON
Câu chuyện khởi nghiệp của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (Đồng Nai) bắt đầu từ khi người bác sĩ quân y, thầy thuốc ưu tú - Đặng Tường Khâm nghỉ hưu. Nghỉ hưu nhưng ông không nghỉ ngơi, bởi chính lúc này ông mới có thời gian sống cho niềm đam mê cây ca cao mà lâu nay chưa có cơ hội đeo đuổi.
Hồi ức của ông đưa câu chuyện ngược dòng thời gian 15 năm về trước, ông muốn làm điều gì đó cho nông nghiệp, nông dân và chọn phát triển cây ca cao, loại cây mà ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Năm 2005, gần đến tuổi 70, ông Khâm bán đất đai ở TP.HCM, gom góp vốn liếng lên vùng Tân Phú lập công ty, mua đất trồng ca cao. Từ 5.000 cây ca cao đầu tiên trên mảnh đất 6 ha của gia đình, ông phát triển thành vùng nguyên liệu hàng ngàn ha cho hàng ngàn hộ nông dân các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận. Nhưng ông Khâm thất bại vì vùng nguyên liệu phát triển quá nhanh, lên đến cả ngàn ha chỉ sau vài năm. Đội ngũ kỹ thuật không đủ đáp ứng việc tư vấn cho nông dân khiến cây phát triển không như mong đợi; hơn nữa sự lên ngôi của các cây công nghiệp khác như tiêu, điều, cà phê khiến nhiều nông dân đã chặt bỏ cây ca cao.
Cuối năm 2012, diện tích ca cao giảm hơn 700 ha và ông Khâm quyết định xóa nợ hoàn toàn tiền bán cây giống cho nông dân. Giờ đây, khi nhìn lại sự việc này, ông Khâm xem đó như một sự vấp váp rủi ro mà người làm kinh doanh phải nếm trải. Ông nhẹ nhàng kể giấc mơ của ông ấp ủ về hình thành một tập đoàn ca cao ở vùng Đông Nam bộ mà người nông dân sẽ là chủ thực sự của tập đoàn. “Giấc mơ của tôi lúc bấy giờ đã khiến nhiều người hoài nghi, nhưng khi tôi hỏi nông dân nếu hàng năm, mỗi ha ca cao sinh lời 80 triệu đồng thì bà con có muốn mua cổ phần của công ty không thì họ rất đồng tình ủng hộ!”.
Thực tế giá bao tiêu của Trọng Đức hiện nay luôn đảm bảo nông dân đạt lợi nhuận 80-100 triệu đồng/ha. Để đảm bảo có giá bao tiêu tốt như vậy, công ty đã định hướng chế biến những sản phẩm ca cao có giá trị gia tăng chứ không chỉ xuất thô hạt ca cao. Theo ông Khâm, cứ 10 tấn ca cao tươi sẽ cho 1 tấn hạt khô. Nếu đem xuất thô có thể chỉ thu về 72 triệu đồng, nhưng nếu đem ép cơm ca cao sẽ thu được 500 kg nước cốt ca cao. Một kg có thể làm 20 chai rượu bán với giá 160.000 đồng/chai, tương ứng mỗi ha sẽ thu được 1,6 tỉ đồng, giá trị tăng không nhỏ. Chưa kể vỏ ca cao còn có thể chế biến thành phân hữu cơ, giá thể hoặc vật liệu thủ công mỹ nghệ.
NỐI NGHIỆP CA CAO
Năm nay, ông Khâm bước vào tuổi 84, việc điều hành kinh doanh của công ty đã được chuyển giao cho con trai là anh Đặng Tường Khanh nối nghiệp từ năm 2010. Cảm được tâm huyết của cha mình với “nghiệp ca cao”, anh Khanh đã bỏ công việc kinh doanh ở TP.HCM về tiếp quản nghề của cha.
Từ một người không biết gì về ca cao, dần dần anh càng hiểu rõ từng giống cây, từng loại bệnh và càng hiểu vì sao người ta gọi ca cao là “thực phẩm của các vị thần”.
Anh tâm sự: “Khi cha tôi kêu lên giúp ông một tay, thật ra lúc đó trong đầu chỉ suy nghĩ sống gần cha để thuyết phục ông quay về thành phố nghỉ ngơi. Ấy vậy mà, ở gần cha nghe được những trăn trở đầy tâm huyết, rồi đi cùng ông xuống nông dân, cảm nhận được niềm tin của họ vào ngành ca cao, tôi bỗng thấy thích thú và bị cuốn hút vào những gì cha tôi đang đeo đuổi”.
Tiếp quản công việc từ người cha vào giai đoạn nhiều khó khăn, anh phải vừa nghĩ cách bán hàng vừa khôi phục lại vùng nguyên liệu vì thời điểm đó bị giảm tới 70% diện tích so với trước. Anh triển khai ký lại hợp đồng với nông dân, hướng dẫn kỹ thuật, nhận bao tiêu sản phẩm theo tiêu chí của cha đặt ra là phải bảo đảm quyền lợi cho nông dân, công ty có thể lỗ, nhưng không để nông dân lỗ.
Theo anh Khanh, nếu trước đây, hàng trăm ha ca cao của Đồng Nai từng bị xóa trắng do đầu ra bấp bênh thì nay trở thành cây trồng cho thu nhập cao nhờ DN và nông dân bắt tay liên kết xây dựng cánh đồng lớn. Hiện dự án cánh đồng lớn cây ca cao do Trọng Đức đầu tư tại Đồng Nai đã phát triển được 468 ha và đang tiếp tục mở rộng.
Ngoài ra, anh còn đặt vấn đề liên kết với nông dân đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây ca cao theo tiêu chuẩn UTZ (chứng nhận sản xuất tốt của quốc tế cho cây ca cao). Đến nay, riêng tỉnh Đồng Nai đã có 210 ha ca cao đạt chứng nhận UTZ. “Chúng tôi chấp nhận tiến từng bước và muốn thuyết phục nông dân đồng lòng thực hiện chương trình cùng phát triển bền vững chứ không phải ràng buộc bằng hợp đồng, pháp lý”, anh Khanh chia sẻ.
CHOCOLATE “MADE IN VIETNAM” RA THẾ GIỚI
Năm 2015 nhân sự kiện tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm tại Nhật Bản, giám đốc trẻ Đặng Tường Khanh đã gặp được những đối tác quan trọng để xúc tiến việc xuất khẩu sản phẩm chocolate “made in Vietnam” ra thị trường thế giới.
Anh Khanh cho biết: “Việc hợp tác với các đối tác Nhật Bản thực sự là đòn bẩy để chúng tôi đẩy nhanh việc chuẩn hóa 100% diện tích ca cao đạt chuẩn UTZ và tạo vùng nguyên liệu sạch hướng đến thị trường xuất khẩu”.
Theo anh Khanh, trước đó ca cao Trọng Đức đã từng hợp tác với một công ty gia đình có truyền thống lâu đời trong ngành chế biến thực phẩm ở Nhật Bản. Do vậy, đây chính là cơ hội để xuất khẩu chocolate và quảng bá các sản phẩm từ ca cao của Đồng Nai ra thế giới.
Đến nay, Trọng Đức đã đầu tư hàng triệu đô-la vào nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, đây chỉ mới là giai đoạn đầu, DN đang tiếp tục bỏ vốn đầu tư cho khâu sản xuất cũng như mở rộng kênh phân phối ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Hiện ngoài xuất khẩu hạt ca cao thô, Trọng Đức có hàng chục sản phẩm chế biến sâu như chocolate, rượu ca cao, bột ca cao... tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa và đã có nhiều sản phẩm tiêu biểu được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao.
“Tôi tin con đường của cha tôi vạch ra và những định hướng phát triển lâu dài cho công ty là đúng. Hơn nữa, công ty đang thực hiện dự án cánh đồng lớn về phát triển cây ca cao cũng là hoài bão lớn của hai cha con từ lâu. Tôi tin tới năm 2021, Đồng Nai sẽ có vùng nguyên liệu ca cao trên 1 ngàn ha và công ty sẽ phát triển lớn mạnh hơn hiện tại rất nhiều”, anh Khanh bộc bạch.