| Hotline: 0983.970.780

Cha dạy phải bảo vệ lẽ phải dù cuộc đời trả giá đắt

Thứ Bảy 13/01/2018 , 14:50 (GMT+7)

Hồi tưởng lại những kỉ niệm về cha - GS, nhà văn Trương Tửu, tôi càng nhận thấy rằng cuộc đời ấy, sự nghiệp ấy sẽ sống mãi cùng năm tháng.

Roi đòn đầu tiên và duy nhất

Đó là những kỉ niệm của tôi quãng thời thơ ấu ở “Làng văn nghệ Quần Tín’’ thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Hồi ấy, những năm 1948 - 1950 tôi còn nhỏ lắm, mới ở tuổi lên năm lên bẩy. Khi kháng chiến bùng nổ, theo tiếng gọi của Cách mạng và Cụ Hồ, cha tôi cùng nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi rời Hà Nội ra đi kháng chiến, quần tụ ở làng Quần Tín, tôi còn nhớ có các bác Nguyễn Xuân Sanh, Sĩ Ngọc, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Tỵ, vợ chồng hai bác họa sĩ Phạm Văn Đôn - Nguyễn Thị Kim, gia đình bác Vũ Ngọc Phan...

10-53-08_truong_tuu_cd_-_ndt
GS Trương Tửu (1913 - 1999), ảnh: Nguyễn Đình Toán

Hồi ấy do hoàn cảnh, tôi không đến trường tiểu học mà học ở nhà do cha tôi kèm cặp cho tới khi thi đỗ vào cấp II (lớp 5) mới đến trường. Tôi còn nhớ có thời gian bác Đặng Thai Mai bảo cha tôi cho tôi đến nhà để chị Đặng Thanh Lê con gái bác kèm học. Được ít ngày, do thường phải đi về lúc gần chiều tối, quãng đường đồi vắng hay bị lũ trẻ nhà quê trêu dọa, tôi xin cha cho ngừng học, có bữa tự bỏ học đi chơi. Cha tôi biết được bắt tôi nằm lên giường cho một roi ‘‘giơ cao đánh khẽ’’ nhưng đó là roi đòn đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất tôi nhận của cha, một người rất nghiêm khắc nhưng cũng yêu thương con vô hạn.

Hồi ấy, cha tôi làm Bí thư Đoàn Văn nghệ Kháng chiến Liên khu IV (cùng bác Đặng Thai Mai, Nguyễn Xuân Sanh trong Ban Bí thư đoàn) đồng thời là Giám đốc Trường Văn hóa Văn nghệ Liên khu 3 - 4, về sau lại tham gia giảng dạy tại Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV ở tận Nông cống. Công việc bận rộn nhưng cha tôi vẫn chăm lo đến mọi việc gia đình, dạy tôi và ông anh họ hết chương trình tiểu học. Khi cha tôi đi công tác vắng nhà là cả nhà thấy có gì trống vắng.
 

Không bao giờ được quên quê hương đất nước

Năm 1954, hòa bình lập lại, cha tôi về tiếp quản Đại học Hà Nội rồi làm Giáo sư Trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội, còn tôi cùng gia đình ở lại Thanh Hóa cho tới khi tôi kết thúc năm học lớp 5 mới xuôi thuyền theo dòng sông Hồng qua Nam Định về bến Phà Đen một buổi sớm năm 1955. Đó là những ngày đầy hạnh phúc, hạnh phúc của kháng chiến thắng lợi, hạnh phúc được đoàn tụ, hạnh phúc được về với phố phường Hà Nội, hạnh phúc vì vinh dự của người kháng chiến trở về. Với tôi và gia đình đó còn là những ngày vinh hạnh, thành đạt của người cha. Ngôi nhà 53 Hàng Gà của cha tôi là nơi gặp gỡ của nhiều nhà văn, nhà trí thức lớn, của nhiều sinh viên đại học giỏi được cha tôi yêu quí mà hầu hết sau này đã thành những nhà trí thức, nhà giáo, nhà khoa học lớn thành danh. Cha tôi được trọng dụng, đi làm đi dạy có xe ô tô đưa đón, sách được xuất bản ngày một nhiều, những ngày kỉ niệm lớn được mời ngồi trên lễ đài, rồi cha tôi tham gia đoàn Giáo sư Đại học tham quan Trung Quốc...

Hôm ấy vào một ngày tháng 8 năm 1956, đi dạy học về cha tôi báo một tin bất ngờ: Tôi chuẩn bị đi tập trung để sang du học tại Cộng hòa Dân chủ Đức, đây là một sự quan tâm lớn của nước bạn, của Đảng và Nhà nước chọn cử gần 200 em học sinh là con em cán bộ cao cấp cho đi ăn học dài hạn để thành tài.

Cuộc chia tay đầy lưu luyến, có nước mắt của tôi, của mẹ và có những lời căn dặn chân tình của cha mà tôi nhớ mãi: “Con đi điều phải nhớ là giữ gìn sức khỏe, học giỏi, tìm hiểu văn hóa và văn minh của người Đức và không bao giờ được quên quê hương đất nước, để thành tài trở về phụng sự đất nước’’.

10-53-08_tqt_1992
GS Trương Tửu và kỹ sư Trương Quốc Tùng (ngoài cùng bên phải)

Tàu chuyển bánh, bóng cha mẹ tôi mờ dần, song tôi còn kịp thấy cha rút khăn chấm nước mắt. Chính lúc ấy tôi đã khóc nức nở và cũng không ngờ rằng chỉ sau đó ít thời gian cha tôi bước vào một quãng đời đầy khó khăn và sóng gió.
 

Nghị lực và yêu đời đến phút cuối

Kỷ niệm về cha tôi còn là sự ghi tạc nhiều lời căn dặn, lời dạy của cha đối với riêng tôi cả trong những ngày tháng vinh quang lẫn những ngày thất sủng mà rất nhiều lời dạy ấy đã đi theo năm tháng suốt cuộc đời tôi, giúp tôi sống thành thân và thành nhân.

Cha tôi nói: “Vốn quí nhất của con người là sức khỏe, trí thức và nhân cách”. Cha dạy tôi: “Phải biết ngoại ngữ vì đó là vũ khí, là chìa khóa mở cửa của tri thức nhân loại”. Nghe lời người, tôi đã cố gắng đế biết một số ngoại ngữ. Có lần người dạy: “Phải biết sống cương trực, không sợ cường quyền, chỉ sợ lẽ phải và chân lí và phải biết bảo vệ lẽ phải và chân lí dù phải trả giá đắt của cuộc đời”. Có lẽ người không chỉ nói mà thực sự đã sống như vậy.

Một lần người tâm sự với tôi: “Con không nhất thiết phải là đảng viên, nhưng con nhất thiết phải sống như một người cộng sản chân chính về trí tuệ, tình cảm và nhân cách”! Trong cuộc đời mình, tôi đã và sẽ thực hiện lời dạy ấy.

Hồi tưởng lại những kỉ niệm về cha, tôi càng nhận thấy rằng cuộc đời ấy, sự nghiệp ấy sẽ sống mãi cùng năm tháng.

Với cha, ở mức độ khác nhau, lịch sử, công chúng, người thân, học trò, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, trí thức, giáo sư đại học... thuộc nhiều thế hệ đã không quên Nhà văn - Giáo sư Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa…

Trong những giờ phút, tháng ngày nhớ cha, con kể cho cha nghe những điều trên với mong muốn, ở tận nơi cõi trời xa, cha sẽ luôn tin rằng, lịch sử, đất nước, công chúng, rất nhiều người mãi nhớ cha, ghi nhận công lao của cha đối với nền văn học, văn hóa và giáo dục nước nhà. Chân lí ấy, sự thật ấy không một ai, không một quyền lực nào có thể phủ nhận, xóa nhòa.

 

(Kiến thức gia đình số 2)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?