| Hotline: 0983.970.780

Cha đẻ máy cuốc lỗ tỉa bắp

Thứ Sáu 31/01/2014 , 06:40 (GMT+7)

Là cán bộ khuyến nông đầy tâm huyết với nghề nông, ông Nguyễn Viết Thê đã tự mày mò chế chiếc máy xới cũ thành máy chọc lỗ, cuốc lỗ tỉa bắp rất tiện lợi SX, thay thế sức người…

Là cán bộ khuyến nông đầy tâm huyết với nghề nông, ông Nguyễn Viết Thê ở số 149, tổ 8, khu phố 3, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã tự mày mò chế chiếc máy xới cũ thành máy chọc lỗ, cuốc lỗ tỉa bắp rất tiện lợi SX, thay thế sức người…

HÀNH TRÌNH CHẾ MÁY

Chúng tôi tìm tới nhà ông Thê khi trời nhá nhem tối, song ông vẫn đang hì hụi đo vẽ xem xét lại từng chi tiết công cụ cuốc lỗ bằng máy theo hàng để chuẩn bị chuyển giao kỹ thuật cho nông dân ứng dụng ngay trong vụ bắp ĐX tới.

Cầm trên tay bánh đĩa sắt tròn có gắn các lưỡi cuốc xung quanh, ông Thê hào hứng khoe: “Đây là thành quả sau nhiều tháng trời tôi tự mày mò thiết kế mới chế tạo thành công được cặp bánh đĩa sắt cuốc lỗ rất tiện lợi so với tỉa bắp bằng máy chọc lỗ hay phương pháp thủ công khác”.


Chiếc máy xới gắn bánh đĩa chọc lỗ tỉa bắp do ông Thê sáng chế

Cây bắp bắt đầu xuất hiện trên địa bàn huyện Trảng Bom (Đồng Nai) từ sau năm 2005 và ngày càng phát triển mạnh. Khi đi khảo sát thấy vào đầu vụ nông dân thường phải mướn nhiều công làm đất lên líp rồi chọc lỗ tỉa bắp. Công việc này tưởng chừng dễ nhưng thực tế phải người đàn ông khỏe mạnh mới có thể đủ sức một ngày chọc hàng ngàn lỗ.

Thấy bà con làm theo phương pháp thủ công dùng cây chọc lỗ hay dùng cuốc, cuốc lỗ trồng khiến hàng cách hàng, cây cách cây không đều, dẫn đến không đảm bảo mật số cây trên 1 ha; đồng thời vừa tốn nhiều công lao động lại mất nhiều thời gian và áp lực thời vụ. Hơn nữa, khi thiếu nguồn nhân công lao động dẫn tới không đảm bảo thời vụ làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng bắp.

Sau nhiều trăn trở suy nghĩ, năm 2007 ông Thê nảy ra ý tưởng thử chế tạo từ cỗ máy cày cho gắn 2 lưỡi kéo rạch hàng 2 bên để tỉa bắp được dễ dàng và thẳng hàng. Tuy nhiên, sau vài vụ áp dụng thấy bà con đi bỏ hạt theo hàng nhưng chỗ dày, chỗ thưa không đều. Năm 2009 ông lại tiếp tục nghiên cứu chế ra loại bánh chọc lỗ tỉa bắp có 6 khúc sắt hình trụ cách nhau khoảng 20 cm.

Lúc đầu ông tháo phần đuôi của chiếc máy xới ra, gắn 2 bánh chọc lỗ theo hàng tự chế vào 1 trục cách nhau 60 cm. Mỗi khi bánh chọc lỗ lăn là các răng bánh này cắm xuống đất tạo thành những lỗ nhỏ đều nhau. Loại máy chọc lỗ này khắc phục được nhiều nhược điểm so với máy kéo rạch hàng như độ đồng đều của cây bắp, tỉa theo hàng thẳng đủ mật độ cây trên 1 ha.


Ông Thê đo vẽ lại từng chi tiết của đĩa cuốc lỗ trước khi lắp ráp vào máy

Người đầu tiên ông Thê “chọn mặt gửi vàng” để chuyển giao kỹ thuật chế tạo máy chọc lỗ tỉa bắp là ông Trần Văn Tân ở xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất. Ông Tân có diện tích trồng bắp lớn nhất nhì huyện. Hơn nữa, ông lại sẵn có xưởng cơ khí nên việc thi công chế tạo ra các bánh đĩa chọc lỗ tỉa bắp cũng rất nhanh.

Qua các buổi hội thảo, tập huấn khuyến nông, nhiều nông dân ở các xã khác cũng tiếp thu rất nhanh kỹ thuật mới này về ứng dụng tỉa bắp thấy rất tiện lợi. Sau mấy vụ bắp, ông Thê vẫn chưa ưng ý với cỗ máy chọc lỗ này nên tiếp tục mày mò nghiên cứu và mới đây đã cho “ra lò” cỗ máy cuốc lỗ tỉa bắp với nhiều ưu điểm hơn so với máy chọc lỗ cũ.

Theo thiết kế mới của ông Thê, bộ bánh đĩa sắt tròn có đường kính 23 cm, vành đĩa được hàn 6 lưỡi cuốc với khoảng cách 20 cm, ở giữa có khoan lỗ để gắn trục giàn máy phay đất. Ở đầu máy có gắn một thước chỉ đường để giúp người điều khiển máy chạy được thẳng hàng...

KHÔNG KINH DOANH

Đồng Nai đang là tỉnh công nghiệp phát triển nên nguồn lao động nông nghiệp chuyển dần vào làm công nghiệp, vì thế mỗi khi tới mùa vụ thường rất “khát” công lao động. Hơn nữa, trong SX nông nghiệp, nếu không đáp ứng được lịch thời vụ sẽ dẫn tới hậu quả cây trồng kém năng suất, sản lượng.

Chỉ cho chúng tôi xem từng chi tiết trên cỗ máy cuốc lỗ vừa “rinh” từ hội chợ triển lãm nông nghiệp khu vực Đông Nam bộ về, ông Thê phấn khởi tâm sự: “Khi bà con nông dân sử dụng máy cuốc lỗ sẽ không cần phải dùng vật đè nặng như máy chọc lỗ, do đó việc điều khiển cỗ máy chạy rất dễ dàng theo đúng ý mình và cũng đỡ tốn nhiên liệu xăng dầu hơn. Máy cuốc lỗ sẽ bới đất hất lên chứ không phải nhấn đất xuống như máy chọc lỗ khiến bộ rễ cây bắp kém phát triển”.

Cặp bánh đĩa cuốc lỗ này gia công rất đơn giản, nếu mua vật liệu sắt về tự chế thì chỉ tốn khoảng 500.000 - 600.000 đồng. Đặc biệt, từ khi cỗ máy cuốc lỗ tự chế “ra lò” chỉ cần 1 nhân công, mỗi ngày có thể cuốc lỗ tỉa bắp cho gần 2 ha, giảm được từ 12 - 14 công lao động so với cách thủ công trước đây.


Nông dân ứng dụng máy cuốc lỗ vụ bắp mới

Ông Thê cũng cho biết, trong đợt triển lãm vừa qua, chiếc máy cuốc lỗ tỉa bắp này của ông đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của rất nhiều nông dân. Chính vì vậy, ông đang lên kế hoạch để tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho bà con ngay trong vụ bắp ĐX tới.

Nhớ lại quá trình nghiên cứu tự chế ra cỗ máy chọc lỗ và cuốc lỗ tỉa bắp, ông Thê kể: “Những ngày đầu tôi bắt tay vào thiết kế bản vẽ mô phỏng từng chi tiết từ công cụ chọc lỗ đến cuốc lỗ bằng máy cũng tốn nhiều công.

Ban ngày đi tập huấn kỹ thuật khuyến nông, cuối tuần hoặc đến tối về tôi lại tranh thủ đo vẽ và chạy tìm mua vật liệu sắt rồi đem ra xưởng cơ khí để nhờ thợ hàn cắt. Ấy vậy mà cũng mất khá nhiều thời gian lắp vô, tháo ra, chỉnh chỗ này, sửa chỗ nọ mới hoàn thành. Sau đó lại vác máy ra đồng thử nghiệm”.

Tuy không phải là dân cơ khí, nhưng ông Thê vốn được học lớp trồng trọt, đồng thời công tác khuyến nông cũng giúp ông rút được nhiều kinh nghiệm thực tế. Tìm hiểu về hiệu quả làm việc của cỗ máy này so với lao động thủ công, thì thấy việc đầu tư sáng chế của ông Thê chẳng uổng phí công sức một chút nào.

 Thực tế ở Đồng Nai nhiều vùng đang trồng 3 vụ bắp/năm, với diện tích hơn 40.000 ha (ĐX là vụ chính với khoảng trên 10.000 ha). Sử dụng máy cuốc lỗ này sẽ thay thế được trên 480.000 công lao động, đảm bảo gieo đúng lịch; đồng thời giảm được sự thiếu hụt lao động thời vụ, giúp bà con tiết kiệm chi phí đầu vào được cả triệu đồng/ha.

Ông Thê chia sẻ: “Thực sự ý tưởng sáng chế cải tiến cho các loại máy móc nông cụ chỉ nhằm chuyển giao kỹ thuật giúp nông dân SX kịp thời vụ, năng suất tăng cao…chứ không có mục đích kinh doanh. Những ý tưởng sáng chế của tôi đều hướng đến mục tiêu giúp bà con ứng dụng nhanh, giá thành rẻ mà mang lại hiệu quả cao nhất".

Những ngày cuối năm, người trồng bắp ở Đồng Nai hối hả bước vào vụ mới. Thêm một tin vui khi chiếc máy cuốc lỗ tỉa bắp của ông Nguyễn Viết Thê vừa kịp “ra lò” giúp cho bà con có điều kiện làm ăn hiệu quả; giảm công lao động, giảm chi phí đầu vào và tăng thêm thu nhập.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.