| Hotline: 0983.970.780

Cha dượng

Thứ Tư 03/07/2013 , 10:41 (GMT+7)

Người ta thường nói: “Nhất đầu nhì út”. Đó là sự ưu ái hay là trách nhiệm của những người này từ phía gia đình?

Người ta thường nói: “Nhất đầu nhì út”. Đó là sự ưu ái hay là trách nhiệm của những người này từ phía gia đình? Có người làm đám cưới thật hoành tráng cho đứa con út, người ta bảo: Vì đó là con út. Có người đưa cả vợ con về quê phụng dưỡng cha mẹ, hương khói ông bà, người ta lại bảo: Vì đó là con đầu. Nhưng dù thế nào đi nữa thì đối với Hai Thông, đứa con đầu lòng của bà Tư Hậu là một câu chuyện buồn, đầy nước mắt.

Khi anh còn đỏ hỏn, ba anh đã bỏ nhà đi biền biệt. Anh lớn lên bằng vòng tay yêu thương của mẹ và bà ngoại. Cuộc sống khó khăn, người đàn bà cần có chỗ dựa, với lại má anh còn quá trẻ để ở vậy nuôi con. Bà Tư Hậu lại bước thêm bước nữa. Trong tâm thức trẻ thơ, tiếng gọi “ba” được thay bằng tiếng “dượng” như có điều gì mách bảo về cuộc đời đắng cay đối với anh vậy.

Không lâu sau đó, đứa em trai cùng mẹ khác cha với anh ra đời. Đấy cũng là lúc bắt đầu chuỗi ngày đòn roi và nước mắt đến với anh. Sự phân biệt đối xử giữa con ruột và con riêng của vợ như một bóng ma ám ảnh cuộc đời. Mặt cảm về phận con riêng của má, cùng với những đòn roi từ ông ba dượng đã hình thành cái ung nhọt đau đớn ngày càng lớn. Nhiều lúc anh bị hành hạ, bà Tư Hậu chỉ biết bưng mặt khóc. Anh hận ông ba dượng bấy nhiêu, càng thương má bấy nhiêu.

Học hết lớp 9 Hai Thông bỏ học đi phụ hồ. Và, dù không còn đứa con nít nhưng trên thân thể anh vẫn hằn lên những vết thâm đen từ cái roi mây của ông ba dượng.

Nhà tôi với nhà Hai Thông chỉ cách nhau một cái hàng rào. Cũng cùng trang lứa và là người bạn thân duy nhất để Hai Thông có thể tâm sự. Chứng kiến những cảnh bất công, vô lý anh chịu đựng mà thấy ấm ức cho anh. Cả làng, cả xóm ai cũng bất bình với cách dạy con bằng đòn roi của ba dượng anh. Ông độc đoán và gia trưởng, má anh thì cứ nhẫn nhục chịu đựng hết ngày này qua ngày khác.

Một lần, ánh mắt như có lửa, Hai Thông chạy qua nhà tôi. Tôi như chết điếng trước những làn roi bầm tím hằn sâu trên lưng anh, không hỏi cũng biết ngay ba dượng đánh. Sau hôm đó, anh đi biệt tăm. Mỗi ngày, má anh mỏi mòn trong chờ đợi. Hễ nghe ai nói gặp Hai Thông ở đâu thì bà cất công đi tìm, cuối cùng cũng tìm được. Bà khóc lóc, năn nỉ anh mới chịu về, nhưng về được mấy ngày anh lại đi. Ngày anh về, ba dượng anh không nói một tiếng chỉ ngồi trên bộ bàn ghế trước bàn thờ nhìn ra khoảng trời mênh mông.

Mấy năm liền, Hai Thông cứ về rồi đi trong thoáng chốc. Tết vừa rồi, Hai Thông về nhà cùng một người con gái, anh xin phép gia đình cưới cô ta làm vợ. Mẹ của anh mừng đến nỗi nước mắt chảy ròng, dường như bà trẻ lại mấy tuổi. Tận trong đáy lòng, tôi thấy mừng cho anh. Một người đã chịu nhiều quá đau khổ khi sống với ba dượng; tuổi thơ nước mắt với đòn roi, có được như ngày hôm nay cũng là điều may mắn.

Nhưng có lẽ cuộc đời anh gắn với cái duyên khổ tự kiếp nào. Bà má mừng vui, tác hợp chuyện vợ chồng cho con bấy nhiêu thì ông ba dượng ra sức ngăn cản bấy nhiêu. Chỉ vì, người yêu của Hai Thông là người đồng bào thiểu số. Ông nói: “Mọi là mọi, nhà này không chấp nhận một con dâu mọi. Mày mà lấy nó thì đừng bao giờ về cái nhà này nữa”. Ông gọi cô con gái kia là mọi, nghe chua chát làm sao.

Bà Tư Hậu như chết đứng khi nghe chồng tuyên bố thẳng thừng. Cho dù bà có sống đến kiếp sau cũng không ngờ chồng mình lại có những định kiến cực đoan đến vậy. Hơn hai mươi năm, bà nhẫn nhục chịu đựng để cho ông hành hạ đứa con bà đứt ruột đẻ ra, khiến nó bỏ nhà ra đi khi mới 16 tuổi đầu. Chừng ấy thời gian, nó tự bươn chải, tự học nghề, tự sống. Những tưởng ông đã hồi tâm, chuyển ý, nghĩ lại mà thương cho nó. Đằng này, ông còn ra sức ngăn cản nó lấy vợ chỉ vì con người yêu của nó là người dân tộc thiểu số. Cái cổ hủ, lạc hậu của ông chỉ nghĩ đến dân tộc thiểu số là mọi, mà mọi thì không phải là người. Có dâu là mọi làm mất mặt ông khi người ta nói: Nhà đấy có con dâu mọi.

Hôm sau, Hai Thông đưa bà Tư Hậu và người yêu của anh ra khỏi nhà trước sự căm tức của ông ba dượng. Tôi lặn lội vào tận Trà Vinh dự đám cưới Hai Thông. Hôm làm lễ cưới, chỉ có tôi và bà Tư Hậu là người của họ đằng trai. Sau lễ cưới, tôi về lại quê, Hai Thông dặn: “Về nhớ để ý dùm ông ba tui, có chuyện gì thì gọi tui liền nhá”. Lời nói của Hai Thông chỉ bấy nhiêu, nhưng ẩn chứa biết bao nhiêu điều muốn nói.

Từ khi vợ bỏ nhà đi cùng con trai, người trong xóm thường thấy ông ba dượng Hai Thông lững thững ra vào, mắt hướng về xa xăm nghĩ ngợi. Không biết, những điều ông nghĩ có khi nào nghĩ về những tội lỗi mà mình gây ra đối với Hai Thông hay không?!

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.