| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 19/06/2019 , 14:04 (GMT+7)

14:04 - 19/06/2019

Chả lẽ thua mấy ông cùn?

Đến cả người đứng đầu chính quyền Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung còn phải thốt lên “chủ đầu tư rất cùn” thì có lẽ chưa bao giờ kỷ cương, phép nước trong lĩnh vực xây dựng lại bị thách thức đến như vậy.  

Chủ tịch Hà Nội: Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực "rất cùn".

Cái sự cùn mà ông Chung nói cụ thể tại dự án 8B Lê Trực vốn đã thách thức luật pháp từ nhiều năm qua.

"Công trình này không phải vi phạm phía trên mà vi phạm ngay từ móng, vi phạm từ tầng hầm lấn ra cả vỉa hè" và “để đảm bảo kỷ cương phép nước thì cả tòa nhà này cũng phải đập vì sai từ móng, còn chủ đầu tư rất cùn”…

Những lời của người đứng đầu chính quyền Hà Nội nói trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm chiều 18/6.

Cách đây chỉ một, hai tuần lễ, trước Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nói về dự án này như sau: “Nhiều lần Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội xử lý nghiêm sai phạm của công trình này. Hà Nội cũng đã tập trung xử lý, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xong”.

Suốt 3 năm qua, việc tháo dỡ những phần diện tích sai phạm của tòa nhà này vẫn làm trầy trật nhưng mãi không xong, rất nhiều cán bộ bị kỷ luật và tòa nhà chính là một nỗi bức xúc của người dân Hà Nội vì sự khinh nhờn pháp luật, coi thường phép nước.

Sơ lược lại, tòa nhà 8B Lê Trực nổi tiếng và tốn nhiều giấy mực vì có quá nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng như xây vượt tầng, không tuân thủ những quy định trong giấy phép.

Cụ thể từ tầng 8 trở lên (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi 3,36 m so với khối đế, phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp mà xây thẳng đến mái để tăng diện tích sàn.

Xin cam đoan, giữa Thủ đô Hà Nội, không chỉ mỗi chủ đầu tư 8B Lê Trực “rất cùn” như lời Chủ tịch UBND thành phố.

Còn nhớ cách đây 2 năm, tại phiên chất vấn Kỳ họp HĐND TP Hà Nội, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định, nhiều dự án của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản (Tập đoàn Mường Thanh) có dấu hiệu trốn thuế và vi phạm quản lý nhà ở.

“Qua điều tra, chúng tôi thấy rằng các dự án này đều có dấu hiệu trốn thuế, thứ hai là vi phạm về quản lý nhà ở. Chúng tôi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tiếp nhận kết luận của thanh tra TP. Còn Bộ Công an cũng nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ về đơn vị này ở 21 tỉnh thành trên cả nước, vì vậy trong qua trình điều tra, chúng tôi cũng phải phối hợp chặt chẽ với C46 của Bộ Công an để điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật  trên địa bàn TP. Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đang chờ ý kiến quyết định của Bộ Công an".

Khi đó Giám đốc Công an Hà Nội nói trước kỳ họp đội đồng “sang tuần, khi có ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an chúng tôi sẽ khởi tố vụ án, và làm rõ hành vi vi phạm của các cá nhân để khởi tố bị can”.

Đã hơn 2 năm, những vi phạm của Mường Thanh vẫn “rất cùn” ở giữa Thủ đô.

Dự án 8B Lê Trực gây bức xúc dư luận nhiều năm nay.

Tháng 3/2019, Sở Xây dựng Hà Nội đăng công khai danh sách 43 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn thành phố còn tồn đọng từ năm 2015 - 2016 tới nay.

Ngoài 8B Lê Trực, ngoài Mường Thanh, một loạt các ông lớn khác để xẩy ra những vi phạm kéo dài nhiều năm. Chung cư 93 Lò Đúc (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) do Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô làm chủ đầu tư; Chung cư cao cấp Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) của Công ty TNHH Hòa Bình; Dự án nhà ở thấp tầng 108 Nguyễn Trãi do Công ty TNHH MTV Quản lý và PTN Hà Nội làm chủ đầu tư; Chung cư Mỹ Sơn Tower 62 Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) của Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn; Chung cư 89 Phùng Hưng (phường Phúc La, Hà Đông) do Công ty CP thương mại Hà Tây làm chủ đầu tư; Chung cư Đại Thanh, chung cư CT5 Tân Triều (huyện Thanh Trì) của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên; Dự án Khu nhà ở để bán tại 129D Trương Định (phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) do Công ty CP Đồng Tháp làm chủ đầu tư; Các công trình xây dựng tại các lô E3, E4, E5 khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico)...

Những sai phạm thể hiện rõ cái sự “rất cùn” của chủ đầu tư, nhưng gần như chưa hề có bất cứ một biện pháp xử lý nào đủ mạnh để thể hiện sự quyết tâm của Hà Nội.

Nhìn rộng ra khắp cả nước, với tốc độ phát triển hiện nay, các dự án đô thị mộc lên như nấm ở khắp mọi nơi kéo theo ti tỉ vi phạm trong lĩnh vực xây dựng.

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nói về vi phạm 8B Lê Trực và HH Linh Đàm rằng “trách nhiệm xử lý của Hà Nội chứ không phải Bộ Xây dựng”.

Năm 2019 này, công tác thanh tra đã được Bộ Xây dựng hết sức quan tâm khi triển khai tới 90 đoàn, thực hiện thanh tra đến tận cấp xã… Không thể phủ nhận, nhờ công tác thanh kiểm tra, rất nhiều vi phạm bị phát hiện, đến cả cái chòi vịt của ông Nguyễn Văn Bỉ ở TP.HCM dựng trên đất nông nghiệp cũng bị cưỡng chế.

Nhưng cũng từ những cuộc thanh tra, 3 cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng bị bắt vì hành vi nhận hối lộ rất nhiều tiền ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Thượng tôn pháp luật và bình đẳng trước pháp luật là cốt lõi để gìn giữ sự tôn nghiêm của phép nước. Mọi tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ pháp luật, vậy thì hà cơ gì phải “đau đầu” với mấy ông “rất cùn” đến thế?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm