| Hotline: 0983.970.780

Chấm điểm 'hoa hậu bưởi', nâng tầm thương hiệu bưởi Thủ đô

Thứ Sáu 14/12/2018 , 07:15 (GMT+7)

43 nhà vườn tiêu biểu thuộc các huyện ngoại thành đã được Ban giám khảo chấm điểm kỹ lưỡng, kết quả cuối cùng các ngôi vị “hoa hậu”, “á hậu 1”, “á hậu 2” sẽ được công bố ngày 15/12 ở hội thi tìm hiểu KHKT và quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm bưởi Hà Nội năm 2018.

“Quần tộc bưởi"

Câu chuyện được khơi nguồn cảm hứng từ năm 2017, khi Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ tổ chức thành công hội thi bình chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và kết nối tiêu thụ nông sản an toàn. Trùng lặp là những mô hình thực nghiệm các biện pháp kỹ thuật khắc phục hiện tượng mất mùa, tăng năng suất bưởi Diễn đều lọt vào chung kết và đạt các giải cao như vườn ông Phùng Văn Điển ở xã Nam Phương Tiến đạt giải nhất, vườn ông Nguyễn Đức Thọ ở thị trấn Xuân Mai đạt giải nhì, vườn ông Nguyễn Hải Sơn ở xã Nam Phương Tiến đạt giải ba. Đó được coi như một cuộc thi “hoa hậu bưởi” ở cấp huyện vậy.

Để đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá các giống bưởi đặc sản, giao lưu kiến thức, tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Hà Nội đã quyết định tổ chức cuộc thi “hoa hậu bưởi” cấp thành phố. Nó gồm một loạt các hoạt động như thi bình tuyển vườn bưởi tiêu biểu vào ngày 28, 29, 30/11, thi tìm hiểu KHKT trồng và chăm sóc bưởi ngày 7/12 và công bố kết quả, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm ngày 15/12.

14-53-39_dsc_3191
Một khu vườn tiêu biểu

Tôi có may mắn là được theo chân đoàn giám khảo chấm thi “hoa hậu bưởi” chân đi khắp vùng đồng, vùng bãi, nếm thử đủ thứ bưởi quý, bưởi ngon của Thủ đô. Điều kiện bắt buộc của các “thí sinh bưởi” là có tuổi đời từ 8 năm trở lên với cây ghép, từ 12 năm trở lên với cây trồng bằng hạt, vườn nằm trong vùng quy hoạch sản xuất có quy mô, tỷ lệ cho quả đạt trên 80%. Tiêu chí chấm điểm thì rất nhiều, tỷ như trọng lượng trung bình quả, độ đồng đều về hình dạng, màu sắc, tỷ lệ phần ăn được, ráo tôm, độ ngọt và mọng nước, hương và vị… Dù có đẹp, có ngon mấy nhưng hễ đã mắc bệnh truyền nhiễm mà nhất là liệt vào kiểm dịch quốc tế như ruồi vàng, greening, đốm nâu… cũng bị loại.

Trên xe ô tô, GS.TS Vũ Mạnh Hải - một chuyên gia về bưởi nhận định thú vị rằng vai trò của sông Đáy với sự phong phú về cây ăn quả chẳng khác gì sông Hằng của Ấn Độ với sự phong phú về văn hóa. Lưu vực sông Đáy là nơi phát tích các giống bưởi mới để “quần tộc bưởi” cứ sinh sôi, nảy nở dần. Bên cạnh bưởi Diễn đã vô cùng nổi tiếng còn 12 loài bưởi khác gồm bưởi đường La Tinh tại xã Đông La, bưởi Quế Dương, bưởi đường Cát Quế tại xã Cát Quế, bưởi đường Hiệp Thuận tại xã Hiệp Thuận, bưởi đào chín sớm Song Phượng tại xã Đồng Tháp, bưởi Tam Vân tại xã Vân Hà, bưởi Thồ Phú Xuyên tại xã Bạch Hạ, bưởi chua đầu tôm tại xã Sài Sơn, bưởi Đỏ Tráng Việt tại xã Tráng Việt…

Chính nhờ sự phong phú này mà Hà Nội có thể đa dạng hóa về sản phẩm, về khẩu vị, về thời vụ cho bưởi. Ông Hải ấn tượng mãi về chuyện một giáo sư cây ăn quả của Israel đã tổng kết rằng: “Người tiêu dùng yêu cầu hương vị của quả như thế nào thì những nhà khoa học phải chọn tạo ra loại đúng như thế, kể cả là tạo ra một giống táo có vị đắng”.
 

“Người đẹp nhưng khó tính"

Chuyện vãn một hồi thì xe dừng lại ở vùng bãi Vân Hà thuộc huyện Phúc Thọ. Thí sinh đầu tiên cho cuộc thi nhan sắc là vườn nhà ông Cao Văn Mai rộng 8.000m2 với trên 400 gốc bưởi Diễn đang ở tuổi đời thanh xuân nhất 13 năm. Nhìn cây là biết tình yêu của ông với khu vườn này lớn đến nhường nào khi kiến thiết cả hệ thống ống ngầm tưới từ năm 2005, mùa nước sông Hồng dâng cao thì lấy vào ao trữ lại, khi hết mới chịu dùng giếng khoan. Cầu kỳ thế chưa đủ, ông còn xay nhuyễn đậu tương hay ngô hạt để bón cho cây thêm phần ngọt quả. Chẳng thế mà khi một thành viên của ban giám khảo vắt vài tép bưởi đặt lên máy đo brix (độ ngọt) thì đều đạt 13, 14 trong khi tiêu chuẩn với bưởi Diễn chỉ cần trên 12 là đạt. Năm nay 4 vạn quả bưởi trong vườn đã được thương lái đặt mua hết với giá 25.000đ giúp cho chủ vườn nhẹ nhàng thu 900 triệu trong khi đó chi phí không quá 200 triệu.

Khu vườn thứ hai của anh Trần Văn Hùng rộng 7.000m2 với 450 gốc bưởi Tam Vân cũng đẹp như mộng. Không ngọt đậm như bưởi Diễn vị bưởi Tam Vân ngọt nhẹ nhàng và không the đắng, 10 quả ăn được cả 10 chứ không phải hồi hộp lo âu nên thương lái rất ưa chuộng. Điều đặc biệt nữa là nó chín sớm. Vào những ngày này khi bưởi Diễn da còn hơi ngả xanh thì bưởi Tam Vân đã vàng ruộm, thơm lừng, cuốn hút đến nỗi các chủ vườn phải dựng lều canh, ăn ngủ ngay tại chỗ để canh phòng trộm. Vụ bưởi này anh Hùng bán non cho thương lái được 700 triệu, lãi liền 650 triệu vì toàn tự làm chứ không phải thuê.

14-53-39_dsc_3180
Một “thí sinh bưởi” Tam Vân đẹp lộng lẫy

Vườn bưởi cuối cùng là của hai bố con anh Hoàng Thế Tài - Chủ tịch UBND xã và Hoàng Ngọc Giang với 160 gốc Tam Vân. Nhìn khu vườn đẹp mộng mơ không mấy ai có thể hình dung ra trước đây nó chỉ là một bãi cát trắng, phải đổ tới 12.000m3 đất phù sa cao thêm 2,5m mới có thể trồng bưởi. Khu vườn đã đem lại cho gia đình anh khoản thu 700 triệu trong khi đó chi phí chỉ khoảng 70 triệu mà cầu kỳ nhất là công đoạn đánh phấn… cho hoa.

Bưởi vốn là giống khó đậu quả, nhất là với những vườn trồng chỉ một loại nên phải thụ phấn bổ sung bằng các giống bưởi khác. Trước đây người ta dùng cái sào kẹp một chùm phấn rồi chấm vào nhụy hoa nhưng về sau cải tiến bằng cách dùng chổi… đánh phấn của phụ nữ để thay thế. Mất 10 ngày và 30 công lao động thì khu vườn của anh Tài mới thực hiện xong công đoạn này. Bưởi cũng là cây khó tính, được liệt vào dạng cây của nhà giàu bởi đầu tư lớn và chăm sóc vô cùng tỉ mẩn, lơ là cái có thể mất mùa ngay.

Trước đây vùng đất bãi Vân Hà quanh năm lụt lội, người dân thường dùng thuyền đi buôn bưởi từ huyện Đoan Hùng của Phú Thọ về Hà Nội nên mới ngấm nghề, phá hết vườn tạp để chuyển đổi sang trồng bưởi. Cây bưởi đã giúp cho cả nông dân lẫn cán bộ giàu đều và “giàu sạch”. UBND xã Vân Hà có 21 cán bộ thì ai cũng có vườn bưởi, nhà ít thì 2.000m2, nhà nhiều 5.000, 6.000m2, cứ chăm sóc tốt mỗi năm có thể đút túi dễ dàng từ 200 - 600 triệu.

Rời Vân Hà chúng tôi xuống Hiệp Thuận để chấm tiếp 3 khu vườn của ông Đỗ Hữu Thược, Nguyễn Hữu Tấn và Đỗ Sáu. Tuy chúng có diện tích khá khiêm tốn chỉ khoảng 1.500m2, 50 cây nhưng vụ nào cũng đem lại cho chủ nhân thu nhập cỡ 100 triệu. Miếng bưởi ở đây vừa đặt ở đầu môi đã muốn trôi ngay xuống cuống họng vì ngọt lịm người. Sợ chủ quan, Ban giám khảo lại phải vắt nước nhỏ vào máy kiểm tra độ Brix. Kết quả cao đến bất ngờ. Bưởi vườn nhà ông Đỗ Hữu Thược được 14 brix, nhà anh Nguyễn Hữu Tấn được 15 brix còn nhà ông Đỗ Sáu được tới 16 brix - một kỷ lục.

14-53-39_dsc_3158
Ban giám khảo kiểm tra độ brix (độ ngọt của bưởi)

Mức độ ngọt này tương ứng với số năm trồng của cây, từ 18-20, độ tuổi được cho là chín chắn nhất của bưởi nên các “thí sinh” này đều cao ráo, đẹp ngời ngời từ dáng dấp đến màu da. Thêm vào đó là sự chăm chút đến tầm nghệ nhân của những chủ vườn. Vụ bưởi nào thu xong anh Nguyễn Hữu Tấn cũng phải dùng vòi áp lực cao phun rửa từng cây cho sạch hết sâu bọ, quét vôi sát trùng, xới xáo nhẹ nhàng rồi rắc phân gà hay tưới nước đậu đã ngâm ủ cả 1 năm trời. Khi cây ra tán là 20 ngày ròng rã anh ngồi vắt vẻo trên ngọn tỉ mẩn cầm kéo bấm tỉa, tạo hình, hết gốc này lại sang gốc khác.

Thế mà những nghệ nhân này đều phải giật mình thán phục khi GS.TS Vũ Mạnh Hải khẳng định rằng khu vườn này sẽ còn hoàn hảo hơn nếu không phải chịu một trận lụt nhẹ khiến cho đất bị bí, gốc cây không được thoáng. Họ bảo rằng đúng là 7 năm về trước có một trận lụt kéo dài 2 ngày rồi mới chịu rút. “Sao mà giáo sư lại biết chuyện đó nhỉ?”. Ông Hải cười, các chủ vườn cũng cười theo. Tiếng cười dài từ đầu vườn đến tận cuối bãi sông đang vàng ruộm màu bưởi chín và ngan ngát hương đưa. 

14-53-39_dsc_1141
Đánh phấn cho bưởi
Diện tích bưởi của Hà Nội hiện 4.848 ha, sản lượng 51.667 tấn, doanh thu khoảng 1.120 tỉ đồng. Dự kiến sau cuộc thi “hoa hậu bưởi” này, quả bưởi của Thủ đô sẽ được nâng tầm thương hiệu, gia tăng giá trị, sánh ngang với các vùng bưởi nổi tiếng nhất của cả nước.

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm