| Hotline: 0983.970.780

Chăm sóc cà phê sau thu hoạch ở Đông Nam bộ

Thứ Sáu 21/12/2012 , 13:48 (GMT+7)

So với các tỉnh Tây Nguyên, việc trồng cà phê ở Đông Nam bộ không có được nhiều lợi thế do chênh lệch nhiệt độ ngày đêm không cao và mùa khô cũng không kiệt nước như Tây Nguyên.

(Diễn giả: TS Tôn Nữ Tuấn Nam, Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, KS Nguyễn Văn Đạo, Trung tâm Khuyến nông Bình Phước, ThS. Phan Văn Tâm, Cty CP Phân bón Bình Điền)

ĐẶC THÙ MIỀN ĐÔNG NAM BỘ

Ở miền Đông Nam bộ, cà phê được trồng nhiều ở 3 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Phước. Trước năm 1975, cà phê miền Đông Nam bộ chủ yếu được trồng ở Long Khánh (Đồng Nai), sau đó lan rộng ra Đất Đỏ, Châu Đức (BR-VT), Lộc Ninh, Bù Đốp, Đồng Phú, Bù Đăng (Bình Phước); chủ yếu là của người dân Long Khánh.

So với các tỉnh Tây Nguyên, việc trồng cà phê ở Đông Nam bộ không có được nhiều lợi thế do chênh lệch nhiệt độ ngày đêm không cao và mùa khô cũng không kiệt nước như Tây Nguyên. Độ ẩm cao hơn Tây Nguyên cũng là nguyên nhân khiến cho cà phê ở Đông Nam bộ mắc nhiều nấm bệnh hơn. Các tỉnh Đông Nam bộ cũng không có cơ sở nghiên cứu chuyên về cà phê. Các tiến bộ kỹ thuật mới về cây cà phê chủ yếu của Viện Nghiên cứu cà phê trước đây (nay là Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên).

Bởi vậy việc canh tác cà phê ở đây khó hơn, năng suất và chất lượng thấp hơn. Tuy nhiên việc cây cà phê vẫn trụ được ở miền Đông Nam bộ đến nay với diện tích trên dưới 50.000 ha đã nói lên hiệu quả mà cây trồng này mang lại.

“KHÔNG THAM ĐĨA BỎ MÂM”

Kết thúc niên vụ cà phê 2011 - 2012, người trồng cà phê ở miền Đông Nam bộ không vui vì năng suất chỉ bằng 70% so với các năm trước. Nguyên nhân chính là đợt hạn bà chằn (tháng 8/2012) đến sớm và dài. Hạn đến cùng với thời điểm trái cà phê lớn nhanh, cần nhiều nước.

So với Tây Nguyên, cà phê miền Đông có đặc thù là phần lớn được trồng xen với điều, cây ăn quả hay hồ tiêu nên chúng có độ ẩm cao hơn và khi thu hoạch xong nhiều vườn vẫn còn bộ lá xanh. Bước vào niên vụ mới, lại có những cơn mưa nghịch mùa khiến cho một số vườn bị bung hoa.

Người trồng cà phê cần lưu ý không vì 10 - 15% đợt hoa này mà không tiến hành các biện pháp như tỉa cành, tạo tán, xiết nước và bón phân. Việc xiết nước (bà con miền Đông thường gọi là giam nước) sẽ khiến cho đợt hoa vừa ra bị hỏng, nhưng thà như vậy còn tốt hơn, đạt năng suất cao hơn so với cứ dưỡng đợt hoa đấy mà không tạo môi trường khô hạn để giúp cây phân hóa mầm hoa.

BÓN PHÂN MÙA KHÔ

Giống như Tây Nguyên, người trồng cà phê Đông Nam bộ cũng thích phân mùa khô chuyên dùng cho cà phê tan nhanh. Nếu sử dụng nhiều urea phân sẽ tan nhanh so với SA nhưng sẽ không có lưu huỳnh, một nguyên tố trung lượng cũng cần cho cà phê. Phân chuyên dùng mùa khô hiệu Đầu trâu với công thức 20N-5P-6K + TE đã phối hợp khéo giữa 2 yêu cầu trên đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của nhà vườn.

Ngoài ra trong phân Đầu trâu chuyên dùng cà phê mùa khô niên vụ 2012 - 2013 còn có Penax, một sản phẩm công nghệ cao nhập khẩu từ Đức có tác dụng tăng khả năng chịu hạn cho cây, tăng tính đệm cho môi trường đất, nên hệ sinh thái vi sinh vật trong đất phát triển tốt hơn.

Tùy tình trạng của cây và vườn để có lượng bón thích hợp, nếu vụ vừa qua năng suất cao, cây lá xơ xác có biểu hiện suy kiệt thì cần bón phân mùa khô ngay đợt tưới nước đầu tiên với lượng bón từ 200 - 300 gr/gốc. Đợt 2 cần tăng lượng bón lên 400 gr/gốc. Nếu vườn đang còn xanh tươi thì có thể không bón đợt 1 hay chỉ bón 100 - 200 gr/gốc, đợt 2 tăng liều lượng lên 300 - 400 gr/gốc.

TÁI CANH VÀ GHÉP CẢI TẠO

Với những vườn cà phê già cỗi, năng suất giảm. Với những vườn sử dụng giống cũ bị bệnh gỉ sắt quá nặng thì có thể phá bỏ trồng mới hay ghép cải tạo. Việc tái canh cà phê có khó hơn so với những cây trồng khác mà nguyên nhân chính là do tuyến trùng và nấm xâm nhập. Cây tái canh thường hay bị “chết nhát” sau khi được 2 - 3 tuổi phát triển xanh tươi bình thường, chết mà không rõ nguyên nhân.

Việc nhổ bỏ cậy cà phê nên dùng máy cuốc để nhổ trọn cả gốc và rễ, nếu không nên dùng Balang nhổ gốc cà phê theo chiều thẳng đứng, không nên dùng máy cày kéo ngang vì như vậy sẽ sót lại trong đất rất nhiều rễ con. Đây là mội trường lý tưởng cho tuyến trùng và trứng tuyến trùng ẩn nấp tiếp tục gây hại.

Sau khi nhổ bỏ gốc rễ, cần cày bừa kỹ để nhặt sạch rễ, trồng luân canh cây ngắn ngày khác trong khoảng 2 năm mới trồng cà phê lại.

Với những gốc cà phê chẳng may bị chết mà muốn trồng dặm lại cũng phải tiến hành nhổ bỏ triệt để gốc rễ.

Việc tái canh, trồng dặm đều cần bón nhiều phân chuồng so với bình thường đến 2 - 3 lần. Các khảo sát đều thấy rằng khi bón nhiều phân chuồng thì mật độ tuyến trùng giảm, khả năng cây sống sẽ nhiều hơn.

Tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như vậy thì khả năng sống bình thường của cây tái canh có thể lên tới 85-90%. Việc nhổ bỏ những cây vàng lá, chết nhát được tiến hành thường xuyên làm sao có vườn cà phê đồng đều nhất.

Vườn già cỗi cũng có thể ghép cải tạo bằng cách ghép chồi ngọn. Chúng ta cưa gốc cà phê đợi lên chồi mới và dùng chồi ngọn ghép. Nguồn chồi ngọn nên liện hệ với các trung tâm khuyến nông.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Dồn lực tiêm vacxin phòng bệnh dại trên chó, mèo

Trước diễn biến bệnh dại trên người có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ tiêm vacxin đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất