Xe máy và taxi chạy cùng chiều đã va chạm, đôi nam nữ trên xe máy bị hất tung lên vỉa hè. Tài xế taxi đã bước xuống nhìn hai nạn nhân chừng 10 giây rồi ung dung lái xe rời khỏi hiện trường. Nạn nhân nữ tử vong sau đó ít lâu và nạn nhân nam bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu.
Hình ảnh được camera an ninh ghi lại. |
Thảm cảnh không phải quá rùng rợn về mức độ tổn hại, nhưng lại gây nhức nhối cho cộng đồng về sự vô cảm. Suốt hơn 10 phút hai nạn nhân nằm bên vỉa hè, có hàng chục chiếc xe các loại lướt qua, nhưng chỉ có một người dừng lại quan sát, dù nạn nhân nam khi hồi tỉnh chút ít đã bò ra giữa đường bày tỏ sự van xin được giúp đỡ.
Bên cạnh sự nhẫn tâm và vô trách nhiệm của tài xế taxi, vì sao những người qua đường vẫn không có động thái hỗ trợ tích cực cho hai nạn nhân? Câu giải thích dễ nghe nhất là, họ sợ bị liên lụy. Chính bà mẹ của nạn nhân nam phải thở dài đắng cay: “Nhìn khách quan thì mình thấy nó ác nhưng mà thôi, trách ai được. Nhiều người họ sợ liên can nên không dừng lại!”.
Sự vô cảm ở đây, phải phân tích như thế nào cho bớt chua chát về nhân tính của người Việt? Thứ nhất là điều kiện để ra tay nghĩa hiệp, nhiều người không biết phương pháp sơ cứu cơ bản nên không dám liều lĩnh. Thứ hai là những thủ tục nhiêu khê khi đưa nạn nhân vào bệnh viện. Thứ ba là những hệ lụy khó lường như phải ứng phó với cơn thịnh nộ của người thân nạn nhân, dù mình không phải kẻ gây tai nạn. Chính ba yếu tố trên mà càng ngày càng ít tinh thần “Lục Vân Tiên” cứu người lúc nguy khốn.
Thế nhưng, nếu ai cũng ích kỷ thì còn gì sự trắc ẩn giữa con người với con người. Vẫn có rất nhiều tấm gương bất chấp mọi rắc rối để san sẻ bất hạnh cho người bị tai nạn giao thông.
Ví dụ đáng khâm phục nhất được nhiều người truyền tụng là lão nông Phùng Văn Hinh ở xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Chính quyền địa phương ghi nhận, lão nông Phùng Văn Hinh đã tham gia xử lý hơn 200 vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ 20. Có trường hợp, lão nông Phùng Văn Hinh cõng nạn nhân chạy bộ đến trạm y tế xã. Có trường hợp, lão nông Phùng Văn Hinh chặn cả xe biển số xanh để đề nghị đưa nạn nhân về thẳng Bệnh viện Chợ Rẫy - TP.HCM.
Làm sao để những câu chuyện của lão nông Phùng Văn Hinh truyền cảm hứng cho xã hội, mới là cách tốt nhất ngăn chặn sự vô cảm. Thật bẽ bàng khi ai cũng chỉ biết lo cho thân mình, đặt cá nhân lên trên được mất của đồng loại. Sự vô cảm bây giờ không chỉ phơi bày ở các vụ tai nạn giao thông, mà còn lan tràn ở nhiều lĩnh vực uy nghiêm khác, nhiều môi trường sang trọng khác. Trong thực trạng nhiễu nhương hiện nay, đành nhắc nhở nhau một điều nhỏ bé rằng: Ở đời chỉ có một thứ mà người mù cũng nhìn thấy, đó là lòng tốt!