| Hotline: 0983.970.780

Chặn gia cầm nhập lậu: Duy trì quyết liệt, dài hạn

Thứ Sáu 01/02/2013 , 09:48 (GMT+7)

Tình trạng buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm Trung Quốc nhập lậu về các tỉnh phía Bắc đã giảm rõ rệt, tuy nhiên nhận định tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì thế, công tác phòng ngừa và ngăn chặn nhập lậu gia cầm sẽ tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo duy trì quyết liệt trong dài hạn.

Tình trạng buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm Trung Quốc nhập lậu về các tỉnh phía Bắc đã giảm rõ rệt, tuy nhiên nhận định tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì thế, công tác phòng ngừa và ngăn chặn nhập lậu gia cầm sẽ tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo duy trì quyết liệt trong dài hạn.

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị sơ kết 1 tháng triển khai Đề án 2088 của Chính phủ về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm NK trái phép diễn ra hôm qua (31/1).

Chuyển biến rõ rệt

Thực hiện chỉ đạo của Đề án 2088 theo Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đã có 19 tỉnh, thành trọng điểm phía Bắc và các Bộ: Công an, NN-PTNT, Công thương, Y tế cùng vào cuộc triển khai các giải pháp tổng lực. Sau hơn một tháng vào cuộc rốt ráo, tình hình nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm TQ về các tỉnh phía Bắc đã có chuyển biến rõ rệt.

Báo cáo tổng hợp của Cục QLTT (Bộ Công thương) cho biết sau 1 tháng triển khai Đề án 2088, lực lượng chức năng của 19 tỉnh, thành trọng điểm đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát và thu giữ hơn 60 tấn gà thịt, trên 220 nghìn con gà giống, hơn 387 nghìn quả trứng gia cầm, hàng vạn con chim cút cùng nhiều tấn sản phẩm thịt gia cầm mổ sẵn có nguồn gốc từ TQ.

Các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành xử lí tiêu hủy, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hàng trăm triệu đồng. Lực lượng phòng chống tội phạm về môi trường (PC 49, Bộ Công an) đã phát hiện và xử lí trên 130 vụ vi phạm về vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch với số lượng nhiều chục tấn gia cầm và sản phẩm gia cầm cùng hàng trăm nghìn quả trứng gia cầm từ TQ.

Trong đó lần đầu tiên từ trước tới nay, PC 49 đã lập chuyên án mật số GC-2412, bắt giữ 5 đối tượng đầu nậu buôn bán hàng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới TP.Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), thu giữ hơn 7 tấn chân gà và trên 10 tấn mề gà đông lạnh NK trái phép. Hiện vụ việc đang được chuyển cho cơ quan CSĐT Công an TP.Móng Cái khởi tố vụ án, khởi tố bị can.


Tình hình buôn lậu gia cầm đã giảm rõ rệt sau một tháng triển khai Đề án 2088 của Chính phủ

Trong quá trình đấu tranh truy quét bọn buôn lậu gia cầm, đã có một chiến sỹ công an tỉnh Quảng Ninh hi sinh anh dũng, cùng hai chiến sỹ khác bị thương nặng.

Thực hiện việc điều tra các đối tượng đầu mối buôn bán gia cầm nhập lậu, đến nay cơ quan công an cũng đã hoàn tất việc rà soát, nắm bắt được tổng cộng 26 đối tượng là “trùm” buôn bán gia cầm lậu tại miền Bắc. Theo kế hoạch, các đối tượng này sẽ buộc phải ký cam kết không buôn bán gia cầm nhập lậu, nếu không sẽ buộc phải xử lí bằng các biện pháp mạnh.

Về phía Bộ NN-PTNT, bên cạnh việc chỉ đạo Cục Thú y ráo riết thực hiện việc kiểm soát, kiểm dịch, Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành lấy mẫu gia cầm nhập lậu tại địa bàn các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và chợ gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội) nhằm xác định mức độ độc hại.

Qua đó xác định có tới 95% số mẫu có tồn dư kháng sinh vượt mức cho phép, gần 50% số mẫu nhiễm virus cúm gia cầm. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, những thông tin này đã góp phần cảnh báo sâu sắc cũng như khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm gia cầm thải loại nhập lậu từ TQ.

Tại TP.Hà Nội, trong số 16 hộ chuyên buôn bán gia cầm thải loại TQ nhập lậu trước đây hiện đã có 15 hộ chuyển sang kinh doanh mặt hàng “gia cầm nội” có nguồn gốc rõ ràng, hộ còn lại đã bỏ nghề.

Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, lượng gia cầm nhập lậu qua địa bàn tỉnh hiện đã giảm 90% so với khi chưa triển khai Đề án 2088. Tại Hưng Yên, UBND tỉnh này cũng phấn khởi cho biết qua công tác tuyên truyền, đến nay hầu hết các đám hiếu, hỉ trên địa bàn tỉnh, người dân đã “tẩy chay”, không còn đặt mua các loại thịt gà thải loại của TQ. 

Lo ngại sẽ phức tạp hơn

Nhận định về tình hình gia cầm lậu trong thời gian tới, ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng sẽ vẫn còn phức tạp. Nguyên nhân theo ông Hạnh, đó là sau một thời gian chặn được gia cầm nhập lậu, giá gia cầm trong nước tăng. Hiện giá gà đồi tại Bắc Giang đã lên tới 180 nghìn đồng/kg, trong khi đó gà thải loại nhập lậu về tới cửa khẩu chỉ có khoảng 33 – 35 nghìn đồng/kg.

Cùng với đó, do người chăn nuôi hiện đang tái đàn rầm rộ, trong khi nhu cầu con giống, như tại Bắc Giang hiện chỉ tự túc được 50%. Sự khan hiếm về con giống cũng như chênh lệch giá mang lại “siêu lợi nhuận” này sẽ khiến cho bọn buôn lậu liều lĩnh hơn, bất chấp việc cơ quan nhà nước siết chặt ngăn chặn.

Đánh giá kết quả sau một tháng thực hiện Đề án 2088, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Tình hình nhập lậu, vận chuyển, buôn bán gia cầm, các sản phẩm gia cầm đã có sự chuyển biến giảm rõ rệt và cơ bản được kiểm soát. Phó Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, với các biện pháp, hệ thống văn bản chỉ đạo rất hoàn thiện mà các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai trong thời gian qua. Tin tưởng trong năm 2013, nạn nhập lậu gia cầm sẽ căn bản được xóa bỏ.

Cùng nhận định này, ông Tô Hùng Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Để giảm được gia cầm nhập lậu, giải pháp cấp bách trong năm 2013 là phải tái đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm trong nước sau một thời gian dài người chăn nuôi bỏ chuồng do thua lỗ nhằm “hạ sốt” giá sản phẩm gia cầm, trong đó, đặc biệt tập trung cho vấn đề vốn cho người chăn nuôi và đáp ứng nguồn cung giống gia cầm.

“Khi nguồn cung và giá gia cầm trong nước dồi dào và ổn định, sẽ góp phần giảm nhập lậu. Tôi lấy ví dụ bánh kẹo, bia. Trước đây hàng TQ về rất nhiều, nhưng nay thì hầu như không còn đáng kể do hàng trong nước vừa rẻ lại có chất lượng cao hơn nhiều”, ông Khoa nói.

Về lo ngại này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu khẳng định: Do một thời gian dài lượng gia cầm TQ thải loại nhập lậu về quá lớn nên hàng loạt người chăn nuôi bỏ chuồng, bỏ làm giống. Đến nay, chúng ta đột ngột ngăn chặn, cắt được “nguồn cung” này nên hiện giá gia cầm trong nước có tăng cao. Đây là tín hiệu vui cho người chăn nuôi.

Thời gian sắp tới, khi người chăn nuôi tái đàn, giá gia cầm thịt và các sản phẩm gia cầm sẽ trả lại cân bằng và hợp lí. Về con giống, bà Thu khẳng định với các DN SX con giống lớn cùng các chủ lò ấp tư nhân trong nước hiện nay, hoàn toàn đủ năng lực cung ứng và kịp thời cho người chăn nuôi.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:

Quan điểm ngăn chặn gia cầm nhập lậu thời gian tới là dài hạn và bền vững chứ không phải tập trung cao điểm, đồng thời kết hợp giữa ngăn chặn và đẩy mạnh SX trong nước và có chính sách phù hợp cho lực lượng chức năng:

- Việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu tại các tỉnh phía Bắc, yêu cầu các tỉnh phối hợp, xác định các địa điểm thuộc 7 tỉnh ngoại vi TP.Hà Nội có nguy cơ tập kết gia cầm lậu. Xu hướng buôn lậu là chuyển điểm tập kết ra các tỉnh lân cận Hà Nội trước khi xé lẻ đưa vào nội thành.

- Về 26 đối tượng là “trùm” buôn gia cầm lậu tại phía Bắc đã được xác định, muộn nhất đến ngày 8/2/2013, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan công an trực tiếp gặp đối tượng làm việc, trước hết là ký cam kết không buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu.

- Các trạm kiểm soát liên ngành ngăn chặn gia cầm nhập lậu, yêu cầu chuyển theo hướng phụ trách vùng, chứ không chỉ gác tại chốt. Bổ sung một thanh tra viên thuộc ngành Nông nghiệp, Công thương hoặc Y tế/chốt để lập biên bản xử phạt khi bắt giữ, kèm theo 1 CSTG có Thẻ xanh/chốt để dừng phương tiện.

- Các tỉnh Quảng Ninh, TP.Hải Phòng và Thái Bình, hiện đã có thông tin gia cầm lậu TQ chuyển hướng sang đường biển về các tỉnh này, thậm chí đi bằng tàu lớn. Yêu cầu 3 tỉnh có báo cáo điều tra sớm nhất.

- Yêu cầu Bộ NN-PTNT trước ngày 5/2/2013: Hoàn thành đăng thông tin chi tiết về các đầu mối cung ứng giống, đưa lên website của Bộ trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ; đăng trên website của Bộ thông tin chi tiết về quy trình, quy định trong việc xử lí tiêu hủy gia cầm nhập lậu bị bắt giữ và các thông tin về nội dung xử lí, xử phạt liên quan đến nhập lậu gia cầm; thường xuyên thông tin chi tiết về sự độc hại của gia cầm nhập lậu, định kỳ kiểm tra 1 lần/tháng về tình hình lưu hành dịch bệnh trên gia cầm nhập lậu.

- Yêu cầu Bộ Công thương và TP.Hà Nội phối hợp làm đề án mua thiết bị xử lí tiêu hủy gia cầm lậu trình chính phủ quyết định. Trước mắt, giao TP.Hà Nội quản lí sử dụng thiết bị này và phục vụ lưu động cho các tỉnh khác ở phía Bắc khi có nhu cầu.

- Yêu cầu Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông xây dựng đề án tuyên truyền về phòng chống gia cầm nhập lậu, hoàn thành trước Tết Nguyên đán.

- Đối với vụ khởi tố các đối tượng buôn lậu gia cầm tại TP.Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) và các vụ bắt giữ, xử lí đối tượng buôn bán gia cầm nhập lậu, yêu cầu các cơ quan liên quan thông tin chi tiết, kịp thời cho các cơ quan báo chí.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.