| Hotline: 0983.970.780

Chán không buồn cưới

Thứ Ba 16/06/2020 , 09:00 (GMT+7)

Nếu không có đại dịch, chúng cháu đã tìm đường đi. Nhưng giờ thì thôi rồi cô. Và thực sự không muốn cưới hỏi hôn nhân gì cả, kệ...

Cô kính mến!

Mất 7 năm trời học hành ở xứ người, cháu về lại Việt Nam. Vì bố mẹ, vì ông bà nội ngoại, vì nhiều thứ, kể cả công ăn việc làm mà người mình hay gọi là cống hiến với dựng xây ấy.

Học hành tốn kém ghê gớm, tiền ra như nước mà như cô biết đấy, làm việc ở Việt Nam, thì hãy quên số tiền mà bố mẹ đã đầu tư cho mình ăn học đi, đúng không cô? Mẹ kêu, mất một cái nhà, bố bảo, nhà cũng không thể sánh với 7 năm con mình được sống, được trải nghiệm, được thu nhận. Bố là người kiếm tiền, bố nói rất chuẩn.

Vấn đề mà cháu cảm thấy khó sống ở xứ mình là thị phi cô ạ. Như chuyện cháu và người yêu của cháu. Chúng cháu yêu nhau ở bên ấy và như mọi đôi, chúng cháu thuê nhà để sống, nương vào nhau, người yêu cháu đi làm thêm để trang trải vì bố mẹ hai bên chỉ cung cấp tiền share phòng thôi, muốn nhà nguyên căn cho tự do thì đi mà kiếm thêm nhé.

Cũng không việc gì cô ạ, văn hóa của bên ấy là thế, giàu nghèo đều phải tự lập, không cứ gì cũng xin gia đình.

Nhưng về Việt Nam, gia tộc hai bên cứ gièm pha bố mẹ của hai đứa. Có người nói toạc, cưới chi, đã sống như thế thì cưới để gom tiền à?

Hoặc chúng nó cần gì cưới! Khi thấy chúng cháu hè nào cũng đi du lịch với nhau ở nước ngoài thì lại xầm xì, cầm bằng có con gái cho không người ta, còn mất tiền để cho chúng nó hú hí, hú hí ở bên kia chưa đã sao?

Cháu nhận thấy người mình ganh tức nên mới hay nói người khác cho bõ ghét, đúng không cô? Ở cơ quan, người này nói người kia, mệt. Trong gia tộc gánh này chọt gánh kia, cũng mệt.

Rồi chưa gì thông gia bị sức ép hai bên, bắt đầu bằng mặt không bằng lòng. Ví như cưới sao đây, ở sao đây, nhà cho chúng nó sao đây, hoặc là con trai duy nhất phải làm dâu, bố mẹ cháu bảo làm dâu thì để đó, thủng thẳng cưới, thời này ai làm dâu nữa!

Nếu không có đại dịch, chúng cháu đã tìm đường đi. Nhưng giờ thì thôi rồi cô. Và thực sự không muốn cưới hỏi hôn nhân gì cả, kệ, yêu nhau, dành tiền đi nước ngoài du ngoạn, không thiết gì hết.

----------------------

Cháu thân mến!

Trước hết nói về du học mà trong một bài báo khoảng 15 năm trước, cô gọi làn sóng này là “tị nạn giáo dục”.

Biết bao mồ hôi và cả nước mắt của gia đình, gia tộc, cho con cái được đi hoặc phải đi. Đó là vấn nạn của nước nhỏ, nước nghèo, nước lạc hậu, rất nhiều nước xử sự vậy chứ đâu riêng gì nước mình. Nhưng vì nước mình nghèo thực sự và dân mình hiếu học nên chuyện cho con cái du học thành nặng nhọc quá.

Đã đi và đã sống 7 năm ở nước ngoài trong giai đoạn háo hức nhất của đời người, cô biết các cháu bị sốc khi phải về Việt Nam tìm việc. Không phải ở gần bố mẹ thôi đâu mà thực sự nước người không dễ với áo cơm, công việc.

Có đi du lịch nước ngoài thôi mà khi về tới sân bay mình cô đã sốc, lề mề, chật chội, có khi gặp cảnh nhân viên hống hách. Và đường phố bẩn thỉu, lồ gồ, hôi hám, hỗn loạn. Phải tập quen mấy ngày mới tĩnh tâm.

Đúng, thói xấu của người châu Á là hay dự vào việc của người khác. Nói sau lưng cơ. Và không nói nhỏ, nói riêng mà thành những cơn sóng, như muốn chụp xuống tiêu diệt người ta từ phía sau, nhấn chìm, hả hê.

Do đâu? Thứ nhất, do gia tộc, do tinh thần sống từ từng tế bào gia tộc, gồng gánh nhau qua loạn lạc, đói nghèo, nối dài sức mạnh họ mạc.

Thứ hai, vì lạc hậu, số đông ít học mà lại tự hào văn hóa gia tộc và ra sức vun vén giữ nó. Và thứ ba, cũng có ít học, ít đọc nên thời gian thừa thãi, phải túm tụm chuyện trò, vậy thì nói gì ngoài chuyện nói việc của người khác?

Cô nghĩ, văn hóa là bản sắc. Có chối bỏ bản sắc được không? Không bao giờ. Đừng chống lại nó rồi thành tây không tây mà ta không ta.

Có biết bao tấm gương người trí thức Việt ở nước ngoài, sâu sắc, đậm đà bản sắc Việt, là bởi họ biết, phải giữ gìn cẩn trọng những điều máu thịt của mình mới được người ngoài tôn trọng. Sống cao nhã, mực thước, sống với tiếng bản địa và tiếng Việt, chăm chút cốt cách Việt của mình.

Chạy trời sao khỏi nắng. Vậy thì cưới và sống, xây dựng gia đình hạnh phúc chứ. Cưới bao giờ là việc của mình, ai rồi cũng đi đến bến bờ đó, là yêu và cưới và sinh ít nhất một đứa con.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm