| Hotline: 0983.970.780

Chán nản phe cánh nơi làm việc

Thứ Năm 10/06/2010 , 11:15 (GMT+7)

Cháu cũng đồng chức hiệu phó nhưng vì không phải người thân của hiệu trưởng nên làm việc khó khăn vô cùng. Cháu chán nản và đã muốn bỏ nghề nhưng chồng cháu lại động viên, anh nói ở đâu cũng bè phe dây rợ...

Cô Dạ Hương kính quý!

Cháu là một giáo viên mầm non ở một trường của một tỉnh. Nhờ là giáo viên giỏi nhiều năm nên chồng cháu (một cán bộ chính quyền cấp chủ quản của trường này) đã vận động để khi tranh cử thì cháu được ngồi vào ghế hiệu phó. Nhưng cháu đã ít phiếu hơn một người vốn là bà con thân tín của hiệu trưởng. Thế là từ đó những người hứa ủng hộ cháu thay đổi thái độ.

Cháu chán nản và đã muốn bỏ nghề nhưng chồng cháu động viên đừng đầu hàng, thua cuộc. Năm sau đó cháu vào Đảng, rồi đi học bổ túc văn hóa hết cấp III, rồi lại đi đại học từ xa và giữa thời gian đó cháu được bổ nhiệm vào cái ghế mà cháu từng chạy đua khi huyện quyết định mỗi trường mầm non phải có ban giám hiệu 3 người. Thế là đua trước nhưng cả hai lại “về đích” cùng lúc, cùng có quyết định một lúc, một bên đã vào Đảng còn một bên kinh tế khá hơn, thôi thì kẻ tám lạng người nửa cân.

Chuyện nếu chỉ có vậy thì không có gì đáng nói phải không cô? Thế mà rất ngột ngạt với cháu. Cháu luôn muốn bỏ ghế bỏ nghề nhưng chồng cháu cứ động viên hoài, nào là làm gương cho con, nào là thời thế, nào là phải biết chịu đựng. Vì chỗ anh cũng thế, cũng bè phe dây rợ, chồng cháu cũng thẳng tính không biết lạy lục xin xỏ thì cũng không hơn gì cháu. Ở đâu giờ cũng thế hở cô? Có biết bao chi tiết không kể liệt kê hết để thấy rằng cháu cũng đồng chức hiệu phó nhưng vì không phải người thân của hiệu trưởng nên làm việc khó khăn vô cùng, bị coi thường, bị cho ra rìa mà không kêu ca hay thanh minh với đồng nghiệp trong trường được.

Năm ngoái hết nhiệm kỳ, huyện chủ trương 1 hiệu phó thôi, cháu tự nguyện làm đơn xin được làm chuyên môn. Không biết các xã khác họ đấu tranh với huyện sao mà trường của xã nào cũng giữ nguyên bộ máy 1 trưởng 2 phó, thế là cháu “bị” bổ nhiệm lần 2. Từ đó cháu còn khổ hơn. Cháu rất buồn và hay suy nghĩ nên hay bị ốm. Cháu chán cả bản thân mình nữa. Như thế này thì thọ được mấy tuổi hở cô? Cháu như một hiệu phó thừa, làm cũng dở mà ở cũng không xong.

Cháu lại muốn nghỉ để ở nhà buôn bán vặt cho qua ngày. Bỏ nghề thì người đời bảo mình điên vì người ta đang chạy tiền chạy chức không được mà mình… Còn chuyển trường thì cũng xin xỏ tốn kém lắm mà lương của cháu chỉ 2 triệu mỗi tháng thì bao giờ cho “lại vốn” được? Vả lại làm giáo viên lại thấy cảnh người ta làm không đúng, gai mắt ngứa miệng rồi lại vạ thân. Đấu tranh không biết tránh đâu mệt lắm cô ạ.

Cháu xin tham khảo ý kiến của cô.

Cháu gái ở xa

Cháu thân mến!

Trước hết nói về công sở, không loại trừ bối cảnh nhà trường. Ở đâu bây giờ cũng như chỗ cháu và chồng cháu, đã có bầu thì phải có ứng mà ứng thì phải vận động. Khi mọi người phải bày tỏ một thái độ với sự chọn lựa thì họ không chỉ vì cảm tính. Họ hay đặt quyền lợi của mình vào lá phiếu đó và khi sự trao gửi của họ bị thất bại thì họ thay đổi thái độ, cũng hợp quy luật thôi mà. Tâm lý người bình dân nói chung là thực tế, phù thịnh nhạt suy.

Vì sao không khí công sở bây giờ ít lành mạnh, cả những nơi thiêng liêng trong sáng như nhà trường? Theo cô, có nhiều nguyên nhân từ những căn bệnh trầm kha của xã hội lạc hậu đang biến đổi lên văn minh, điển hình nhất là bệnh bè cánh (dùng người trong họ, bạn bè hoặc ân nghĩa). Còn một nguyên do khác nữa là do cơ chế: trường tư xuất hiện chưa được tự nhiên và chưa có những chế tài thích hợp. Ngày xưa ở ta và ngày nay ở nhiều nước kinh tế thị trường bền vững, tư ra tư công ra công, tư là do cá nhân một gia đình hoặc một cộng đồng tự nguyện, họ sẽ chọn người của họ, thay nhanh bổ nhiệm nhanh, không vận động ngầm, không tranh cử, không kèn cựa. Chúng ta chắc sẽ chịu lùng nhùng một thời gian dài nữa. Khi nào đủ luật hơn, tư sẽ mạnh và công cũng sẽ sạch.

Cháu không sai lầm, chồng cháu cũng có ý tốt khi muốn cháu có địa vị, có đóng góp hơn và có tương lai hơn. Nhưng rủi cho cháu là người phó kia là người nhà của hiệu trưởng, cháu ra rìa cũng phải thôi. Biết vậy thì làm vừa vừa, đừng để họ dựng chuyện hại mình là được, đừng nghĩ “đội đá vá trời”.

Mọi quá trình phấn đấu đều để phục vụ cho sự vững vàng của một cái chức, một giá trị, một cuộc sống chất lượng hơn nhưng thời thế không đến tay mình, biết làm sao? Làm quản lý ở nhiệm kỳ thứ hai mà không an vui hơn thì có thể xin từ nhiệm. Làm sao mà mình không phải đánh đu lâu với cái ghế hữu danh vô thực, lại luôn khiến hai người kia thấy vướng như vậy? Và nếu không còn yêu nghề nữa thì bỏ sớm sẽ thanh thản sớm, thiếu gì việc cho một đảng viên có bằng đại học và như cháu nói, có cả một cửa hàng nhỏ để kiếm sống nữa.

Đừng quá lần chần với một thứ mà mình đã không kỳ vọng nổi. Ai nói điên hay không điên, mặc, mình làm theo lý trí, lương tâm và sự chính xác cho cuộc sống của riêng mình là đủ. Không mợ thì chợ cũng đông, thu nhập hiệu phó mầm non 2 triệu đồng tháng, đồng lương còm ấy không thể giữ chân một người có thể kiếm nhiều hơn trong một môi trường khác sáng tươi hơn.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm