| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi an toàn hướng tới xuất khẩu

Thứ Năm 13/12/2018 , 14:05 (GMT+7)

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Nam Định tổ chức hội nghị tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát để hướng tới xuất khẩu”.

Trong 3 năm (2016 - 2018), dự án đã triển khai tại 7 tỉnh gồm Thái Bình, Nam Định, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
 

Hiệu quả kinh tế tăng trên 15%

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ nhiệm dự án cho biết, trong 3 năm triển khai, dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, một số chỉ tiêu vượt mức so với yêu cầu.

09-03-52_nh_2
Toàn cảnh hội nghị

Một là, đã chuyển giao được 21 mô hình trình diễn. Trong đó, có 7 mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh trên lợn đối với bệnh lở mồm long móng (LMLM) và dịch tả và 14 mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh trên gà.

Hai là, công nhận 134 cơ sở an toàn dịch bệnh. Trong đó, có 96 cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh Newcastle, cúm gia cầm và 38 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với bệnh LMLM và dịch tả trên lợn.

Ba là, hình thành 21 tổ hợp tác liên kết trong chăn nuôi (15 tổ hợp tác chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh, 6 tổ hợp tác liên kết chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu). Nhìn chung, các tổ hợp tác đang hoạt động liên kết đem lại hiệu quả cao trong chăn nuôi.

Bốn là, dự án thực sự phù hợp với điều kiện chăn nuôi quy mô lớn và xuất ngoại tỉnh. Địa bàn triển khai dự án là các tỉnh nằm trong vùng phát triển chăn nuôi nên có khả năng nhân ra diện rộng thông qua hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội.

Cũng theo ông Hưởng, tham gia mô hình, các chủ hộ, trang trại được dự án hỗ trợ vật tư, thiết bị, vacxin, thuốc thú y và hóa chất sát trùng để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra các chủ hộ, trang trại còn được tập huấn, đi tham quan một số mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh khác…

Ông Đàm Văn Tình (huyện Vũ Thư, Thái Bình) chia sẻ, gia đình ông chăn nuôi lợn đã được gần 10 năm nay. Trước đây, khi chưa tham gia dự án, gia đình gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Năm 2015, tại trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông đã xảy ra bệnh lợn tai xanh, thiệt hại gần 500 triệu đồng.

Sau khi được sự giúp đỡ của Trung tâm KNQG, năm 2017 gia đình ông đã tham gia tổ hợp tác và được dự án hỗ trợ vật tư, thuốc thú y…, bên cạnh đó còn được đi tham quan, tập huấn. Nhờ vậy, mà hàng trăm con lợn trong trang trại luôn khỏe mạnh, dịch bệnh cũng ít hơn nhiều so với trước đây.

Cũng theo ông Tình, từ khi tham gia mô hình, thu nhập của gia đình ông được cải thiện đáng kể. Theo tính toán của ông Tình, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước khi tham gia mô hình là trên 15%. Và, hiện trang trại chăn nuôi lợn khép kín của gia đình ông đã được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh.

Còn ông Phạm Thanh Tùng (huyện Hải Hậu, Nam Định) cho hay: Tham gia dự án, chúng tôi được hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, được tham gia tập huấn về quy trình chăn nuôi, phòng chống bệnh và vệ sinh thú y. Được hỗ trợ các loại thuốc, vacxin, vật tư…

“Năm 2018, cơ sở chăn nuôi lợn của gia đình tôi là 1 trong 6 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn được dự án hỗ trợ kinh phí xét mẫu để được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh với bệnh LMLM và dịch tả lợn. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế được tăng lên”, ông Tùng bộc bạch.
 

Nhân rộng mô hình

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nam Định, hiện trên địa bàn tỉnh có 332 trang trại, trong đó có 224 trang trại chăn nuôi lợn, 42 trang trại chăn nuôi gà, 53 trang trại chăn nuôi vịt và 13 trang trại chăn nuôi hỗn hợp.

09-03-52_nh_1
Trang trại chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh hướng tới xuất khẩu

Đến nay, toàn tỉnh đã có 9 trang trại được cấp giấy chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP (6 trang trại chăn nuôi lợn và 3 trang trại chăn nuôi gà); 20 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh (19 cơ sở chăn nuôi lợn được công nhận an toàn dịch bênh đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn; 1 cơ sở chăn nuôi gia cầm được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm, Newcastle).

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nam Định Ninh Văn Hiểu cho biết, năm 2016, tỉnh Nam Định tham gia dự án. Trung bình, mỗi năm xây dựng 1 điểm trình diễn với quy mô 3.000 con lợn, tối thiểu 10 hộ tham gia mô hình.

Trong 3 năm, tỉnh Nam Định đã chọn ra được 40 hộ tham gia triển khai xây dựng mô hình dự án với quy mô 9.000 con. Tất cả các hộ tham gia dự án đều được hỗ trợ về thuốc thú y, vacxin…

Ông Hiểu đánh giá, tham gia xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh sẽ giúp giảm chi phí thuốc thú y, giảm phát sinh các loại dịch bệnh, giảm tỷ lệ chết. Lợn phát triển tốt, rút ngắn thời gian xuất chuồng giúp giảm lượng thức ăn sử dụng, vật nuôi đồng đều, được giá. Kết quả nâng cao hiệu quả, kinh tế cho hộ chăn nuôi.

Dự án giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong chăn nuôi, ổn định kinh tế của địa phương, giải quyết dư thừa lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững…

Việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học sẽ giúp quản lý, xử lý tốt hơn chất thải trong chăn nuôi, các hộ chăn nuôi thường xuyên thu gom phân, phun thuốc sát trùng. Đồng thời dịch bệnh trên đàn lợn được hạn chế nên giảm ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi và tiêu hủy những lợn mắc bệnh.

“Thông qua công tác thông tin, tuyên truyền dự án, một số hộ chăn nuôi ngoài mô hình đã tham quan, học hỏi và thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Trên địa bàn tỉnh đã có thêm 3 trang trại và 1 xã được chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh LMLM, dịch tả lợn. Và, mô hình của dự án tiếp tục được phát triển nhân rộng trên địa bàn tỉnh”, ông Hiểu khẳng định.

Là tỉnh “láng giềng” với Nam Định, Thái Bình tham gia dự án với mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ có 1 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và có 43 trang trại được chứng nhận mới là cơ sở an toàn dịch bệnh.

Sau 3 năm tham gia dự án, Thái Bình gặt hái được nhiều kết quả đáng mừng. Dự án hoàn toàn có khả năng nhân ra diện rộng trên địa bàn tỉnh…

“Qua đánh giá hiệu quả kinh tế tại các hộ tham gia mô hình đều có sự tăng trưởng, đạt hiệu quả cao hơn so với trước khi tham gia mô hình và so với các hộ ngoài mô hình. Kết quả là tăng lợi nhuận trong chăn nuôi lợn trên 15%”, ông Hưởng nhấn mạnh.

 

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm