| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi không mùi

Thứ Năm 15/12/2011 , 10:39 (GMT+7)

Với Hà Nam, chuyện ô nhiễm từ chăn nuôi nhỏ lẻ đã không còn kể từ khi có chủ trương nhân rộng mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao thăm mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học tại Hà Nam tháng 11/2011

Ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư đang là bài toán nan giải với nhiều địa phương. Nhưng với Hà Nam, chuyện đó đã trở nên đơn giản từ khi tỉnh này có chủ trương nhân rộng mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học.

MẠNH DẠN ĐI TRƯỚC

Là tỉnh có ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng trên 40% trong cơ cấu SX nông nghiệp nên vấn đề xử lý chất thải được Hà Nam ưu tiên hàng đầu. Năm 2010, đàn lợn của Hà Nam đạt ngưỡng 380.000 con, tốc độ tăng bình quân 2,8% năm, đàn gia cầm đạt 5,5 triệu con, tốc độ tăng bình quân 7,8% năm. Cũng như nhiều địa phương khác, chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong dân cư tại Hà Nam vẫn chiếm tỷ lệ từ 94 - 96% so với tổng đàn gia súc, gia cầm. Ông Đỗ Đức Diện, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thủy sản (Sở NN-PTNT Hà Nam) cho biết, mỗi khi thấy công nghệ xử lý chất thải mới trong chăn nuôi du nhập vào Việt Nam, tỉnh Hà Nam đều mạnh dạn đi trước, áp dụng.

Ông Diện chia sẻ, trong một lần tình cờ đọc trên Báo NNVN thấy có bài viết về mô hình nuôi lợn không phân, Sở NN-PTNT Hà Nam đề xuất với tỉnh cho tiến hành thí điểm 35 mô hình tại tất các các huyện trong tỉnh từ năm 2010 - 2011. Kết quả, đàn lợn nuôi trên nền đệm lót sinh học sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, ít bị bệnh, tăng trọng hơn so với đàn lợn cùng lứa nuôi trên nền xi măng từ 3-5kg/con. Đặc biệt, mùi hôi thối từ phân lợn không còn, các hộ gia đình không phải tốn tiền xây dựng hầm biogas xử lý chất thải, không phải mất điện bơm nước rửa chuồng, tắm lợn như trước đây. Nhờ vậy, chi phí giảm đi đáng kể, giúp người chăn nuôi có lợi nhuận cao hơn so với chăn nuôi trên nền chuồng xi măng truyền thống.

Từ kết quả dự án chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, ông Nguyễn Mạnh Hùng - PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nam cho hay, UBND tỉnh tiếp tục giao Sở thực hiện “Đề án Giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ sinh học trong chăn nuôi lợn giai đoạn 2011 - 2015” bằng việc xây dựng 500 mô hình trong 28 xã xây dựng NTM và nhân rộng 1.500 mô hình. Để động viên, khuyến khích người dân tham gia, tỉnh Hà Nam hỗ trợ mỗi mô hình là 2,4 triệu đồng/20m2 chuồng nuôi lợn trong dân cư cho các xã NTM nuôi 10-15 con lợn thịt/lứa; 1.500 mô hình nhận rộng sẽ được hỗ trợ tiền mua men. Với sự ra quân đồng bộ và quyết liệt này, tỉnh Hà Nam hy vọng sẽ giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm trong chăn nuôi vào năm 2015.

PHÂN KHÔNG CÒN MÙI

Để chứng thực hiệu quả mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi lợn của hộ anh Trần Văn Sơn ở xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục. Với 80 con lợn siêu nạc, anh Sơn cho biết ngày trước đêm nào hai vợ chồng cũng mất ngủ vì mùi phân lợn xộc vào nhà. Từ ngày sử dụng sàn chuồng bằng đệm lót sinh học, anh Sơn khẳng định có đến tận nơi cũng không ngửi thấy mùi nữa. Xua đàn lợn hồng hào béo tốt đang dũi chuồng vào một góc, anh Sơn bốc nắm phân lên mũi ngửi khoe hôm trước Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát về thăm trang trại của anh rất thích mô hình này, bản thân anh Sơn nhiều khi chăm sóc đàn lợn mệt quá còn ngủ ngay tại chuồng lợn là chuyện bình thường.

Chúng tôi tiếp tục thăm mô hình chăn nuôi lợn trên đệm sinh học trong khu dân cư của gia đình anh Nguyễn Văn Đam ở xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân. Đang dùng cào trộn đều phân mới, cũ lẫn vào nhau cho vi sinh vật dễ bề phân hủy, anh Đam bảo mấy năm trước gia đình anh và hàng xóm liên tục căng thẳng xích mích chỉ vì mùi phân lợn xộc vào nhà khiến họ không chịu được. Bản thân anh Đam cũng không muốn làm mất lòng láng giềng nhưng nếu không chăn lợn anh chẳng có việc gì làm. Vừa qua, được Sở NN-PTNT Hà Nam hỗ trợ tiền làm 20m2 sàn chuồng bằng đệm lót sinh học, anh Đam thở phào trút bỏ được gánh nặng bởi từ bây giờ làng xóm không còn phải cãi nhau tùm lum chỉ vì cái mùi phân lợn.

TS. Nguyễn Khắc Tuấn chia sẻ, sở dĩ chuồng nuôi bằng đệm sinh học không có mùi là do trong men sử dụng nhóm các vi sinh vật, chúng có chức năng tiêu hóa những chất dinh dưỡng còn sót lại trong phân thành chất không mùi; ức chế, tiêu diệt các vi khuẩn có hại và gây thối cho phân; tiêu hủy những chất gây thối làm chất dinh dưỡng cho nó và tiêu diệt các vi khuẩn có hại cho vật nuôi.

Không chỉ giúp giảm triệt để mùi phân, mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học còn giúp giảm 60% công lao động và chi phí điện bơm nước rửa chuồng, tắm cho đàn lợn và xây hầm biogas.

Hiện một mô hình đệm lót sinh học 20m2 chi phí hết khoảng 2,5 triệu đồng, song thời gian sử dụng trong vòng 4 - 5 năm và nuôi được 6 con lợn. Tuy nhiên, do hoạt động nhờ vi khuẩn lên men phân hủy chất thải vật nuôi nên nhiệt độ nền chuồng đệm lót sinh học sẽ cao hơn nhiệt độ bình quân ngoài trời, vào mùa đông sẽ rất tốt vì giữ ấm cho vật nuôi, nhưng mùa hè sẽ rất nóng, không có lợi cho con vật phát triển. Vì vậy, chuồng nuôi đệm lót sinh học luôn phải cao ráo, thoáng mát, nếu mái là pờrôximăng nên trồng thêm dây leo trên mái hoặc dùng quạt gió để chống nóng.

TS. Nguyễn Khắc Tuấn, nguyên Trưởng Bộ môn Thức ăn vi sinh đồng cỏ, Khoa Chăn nuôi và NTTS (Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội), người cung cấp men vi sinh và giúp đỡ tỉnh Hà Nam nhân rộng mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học khẳng định, sau một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, ông đã tự SX thành công chế phẩm BANASA N01 dùng cho đệm lót sinh học mà không phải sử dụng bất cứ nguyên liệu nào nhập khẩu từ nước ngoài, hiện mỗi tháng cung cấp ra thị trường 3 tấn men BANASA N01.

TS. Tuấn cho hay, mô hình đệm lót sinh học rất rẻ và phù hợp với điều kiện của người nông dân, nguyên liệu làm đệm lót chỉ là vỏ trấu và mùn cưa cộng thêm chút bột ngô và vài trăm nghìn men vi sinh. Sau khi tiến hành xử lý, chỉ trong vòng vài ba ngày có thể thả lợn và 3 - 4 tiếng là vi khuẩn phân hủy hết phân tươi nên không phát sinh mùi.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất