| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi lớn "quay lưng" với bảo hiểm nông nghiệp

Thứ Hai 25/03/2013 , 10:15 (GMT+7)

Theo báo cáo của Bảo Minh Thanh Hóa, đợt 1 năm 2012 có 1.446 hộ tham gia BHNN thì 100% là hộ nghèo và cận nghèo; giai đoạn 2 có 1.145 hộ thì có tới 1.014 hộ nghèo, cận nghèo.

Thanh Hóa đã lựa chọn 9 xã ở 3 huyện để triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) trên vật nuôi, gồm Hoằng Trung, Hoằng Thắng, Hoằng Ngọc (huyện Hoằng Hóa); Định Tường, Yên Thọ, Quý Lộc (huyện Yên Định); Cẩm Tú, Cẩm Giang, Cẩm Bình (huyện Cẩm Thủy).

Không mặn mà

Ông Nguyễn Duy Trinh, GĐ Bảo Minh Thanh Hóa cho biết: Năm 2012, tổng số hộ tham gia bảo hiểm là 2.591 hộ (48 hộ cận nghèo; 83 hộ không thuộc nghèo, cận nghèo; số còn lại là hộ nghèo). Tổng giá trị bảo hiểm đạt gần 65 tỷ đồng. Tổng phí bảo hiểm là 2 tỷ 445 triệu đồng (làm tròn số). Số trâu, bò và lợn được bảo hiểm là 11.228 con. Theo quy định của Chính phủ, hộ nghèo được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm, hộ cận nghèo là 80%, hộ bình thường là 60%.

Với vai trò giảm thiểu rủi ro, hỗ trợ người nông dân ổn định và phát triển SX, BHNN là giải pháp giúp người nông dân yên tâm chăn nuôi; nhất là đối với các hộ nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, người chăn nuôi quy mô lớn, tập trung lại đang “quay lưng” với BHNN.

Theo báo cáo của Bảo Minh Thanh Hóa, đợt 1 năm 2012 có 1.446 hộ tham gia BHNN thì 100% là hộ nghèo và cận nghèo; giai đoạn 2 có 1.145 hộ thì có tới 1.014 hộ nghèo, cận nghèo.


Mô hình chăn nuôi tập trung, quy mô lớn tại xã Quý Lộc không mặn mà với BHNN

Ông Lê Khắc Trung, Phó Trưởng phòng NN- PTNT huyện Hoằng Hóa cho hay: Năm 2012, thực tế đầu vào trong chăn nuôi tăng cao, giá thành sản phẩm đầu ra lại thấp và bấp bênh, các hộ chăn nuôi không có lãi, nếu không nói là có thời điểm phải bù lỗ. Vì vậy, họ cố gắng cắt giảm chi phí đầu tư, tính toán chi li làm sao để chi phí đầu vào ở mức tối thiểu.

Hơn nữa, mức phí bảo hiểm phải đóng còn cao, chưa phù hợp với người chăn nuôi. Đối với hộ bình thường, dù được hỗ trợ 60% phí, nhưng 1 con lợn thịt làm bảo hiểm phải nộp thêm 40.000 đồng (chu kỳ nuôi 4 tháng); lợn nái là 96.000 đồng/con (thời hạn 1 năm); trâu, bò 216.000 đồng/con. Hoằng Thắng là xã có số hộ không thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo tham gia BHNN nhiều nhất trong 9 xã, nhưng cũng chỉ được gần 100 hộ (116 lợn nái, 33 lợn thịt và 1 con bò).

Tại xã Quý Lộc, “thủ phủ” chăn nuôi quy mô lớn của tỉnh có tới 174 trang trại và gia trại. Năm 2012, tổng đàn của xã là 3.500 con, lợn 20.000 con. Số vật nuôi tham gia thí điểm BHNN là gần 1.000 con (trong đó 412 trâu, bò), đa phần được Nhà nước hỗ trợ phí.

Còn nhiều bất cập

Đặc thù BHNN là triển khai đến từng thôn, xóm, hộ gia đình, địa bàn lại xa trung tâm nên việc đi lại hết sức khó khăn. Hơn nữa, kinh phí hoạt động, thời gian, lực lượng lao động của Bảo Minh Thanh Hóa rất hạn chế nên việc phối hợp cùng BCĐ các huyện, xã, đại lý đến địa bàn thôn, xóm, hộ gia đình... của cán bộ bảo hiểm có lúc còn chưa sát sao, kịp thời và thường xuyên, liên tục.

Việc chậm cấp kinh phí cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả của BHNN. Ông Hoàng Trung Kiên, đại lý BHNN tại xã Hoằng Thắng bức xúc: "Đại lý mới chỉ nhận được một phần (bằng 85%) hoa hồng của đợt 1. Phần hoa hồng còn lại của đợt 1 cùng với toàn bộ hoa hồng đợt 2 năm 2012 chúng tôi chưa nhận được thêm bất kỳ đồng nào. Nhiều đại lý tỏ ra chán nản, thiếu nhiệt tình trong công việc, phần nào khiến việc triển khai kém hiệu quả".

Không chỉ có vậy, việc chậm bồi thường tổn thất đang khiến một bộ phận người chăn nuôi thiếu lòng tin vào đại lý, BCĐ cơ sở, Bảo Minh Thanh Hóa; đồng thời làm giảm ý nghĩa to lớn mà BHNN mong muốn đem lại cho người chăn nuôi.

Với những vướng mắc trên, và tình hình chăn nuôi trong năm 2013 dự báo vẫn còn ảm đạm, chưa có tín hiệu sáng sủa hơn so với năm 2012, BCĐ thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013 tỉnh Thanh Hóa cần kịp thời có biện pháp tháo gỡ để BHNN thực sự có ý nghĩa đối với người chăn nuôi.

Bà Lê Thị Hảng, xã Hoằng Thắng nuôi 1 con lợn nái và đã tham gia bảo hiểm. Lợn bị ốm chết từ năm 2012. Bà hy vọng đợt Tết Quý Tỵ được nhận tiền bồi thường bảo hiểm, dành một phần kinh phí mua lợn giống, một phần lấy tiền trang trải, chi phí vào tết. Nhưng đến nay, bà vẫn chưa nhận được tiền bồi thường bảo hiểm.

Ông Kiên cho biết thêm: Bà Hảng chỉ là một trong 10 trường hợp ở xã Hoằng Thắng có lợn làm bảo hiểm bị ốm chết trong năm 2012 (đầu năm 2013 có 8 lợn chết đã hoàn tất thủ tục) đến giữa tháng 3/2013 chưa nhận được tiền bồi thường. Nhà ông Kiên cũng có 1 con lợn chết từ tháng 10/2012 nhưng tiền bảo hiểm chẳng thấy đâu.

Ông Nguyễn Duy Trinh cho hay: Năm 2012, tổng phí BHNN tại Thanh Hóa là 2 tỷ 445 triệu đồng. Tuy nhiên, kinh phí do UBND tỉnh duyệt cấp mới đạt 1 tỷ 350 triệu đồng; đã chi trả quyền lợi hoa hồng đại lý và thù lao BCĐ các cấp được 270 triệu.

Phần hoa hồng đại lý và thù lao BCĐ các cấp còn lại, Cty sẽ tiếp tục chi trả khi nhận được kinh phí do UBND tỉnh cấp. Đồng thời, ông Trinh kiến nghị Bộ Tài chính sớm cấp kinh phí để Bảo Minh Thanh Hóa chi trả theo đúng quy định.

Trao đổi về việc chi trả bồi thường tổn thất cho các hộ có vật nuôi bảo hiểm bị ốm chết, ông Trinh lại cho biết, những hộ này trong năm 2012, Bảo Minh Thanh Hóa đã chi trả kịp thời (?).

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.