| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi sẽ giải quyết nhiều việc cho miền Trung

Thứ Tư 06/11/2013 , 10:03 (GMT+7)

Khảo sát của Cục Chăn nuôi cho thấy nhiều DN chăn nuôi cũng đang nhìn ra lợi thế mới của miền Trung và đang chuyển hướng đầu tư rất mạnh vào đây.

Lợi thế giao thông, gần các vùng dân cư lớn, nhu cầu thị trường khổng lồ ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM trước đây đã giúp vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng phát triển mạnh và đi trước miền Trung về chăn nuôi, đặc biệt là thu hút đông đảo các DN chăn nuôi, SX TĂCN...  

Tuy nhiên đến nay, có thể khẳng định mật độ chăn nuôi ở miền Nam và miền Bắc đã bão hòa, thậm chí quá tải. Khảo sát của Cục Chăn nuôi cho thấy nhiều DN chăn nuôi cũng đang nhìn ra lợi thế mới của miền Trung và đang chuyển hướng đầu tư rất mạnh vào đây.

Quỹ đất đai còn rộng lớn, mật độ dân cư không cao, môi trường chưa bị nhiều tác động, đất đai miền Trung lại đa số là đất xấu, trồng trọt kém hiệu quả nên việc thuê đất để dành đất cho chăn nuôi hết sức dễ dàng.

Đánh giá của các DN trong ngành chăn nuôi gần đây cũng nhìn nhận, với vị trí nằm giữa hai đầu thị trường tiêu thụ trọng điểm là TP.HCM và Hà Nội, tương lai miền Trung sẽ là địa bàn trung chuyển thích hợp nhất cho các sản phẩm chăn nuôi khi có biến động giá của thị trường. Bởi từ trước tới nay, việc vận chuyển sản phẩm chăn nuôi giữa 2 miền Nam, Bắc khiến chi phí vận chuyển rất cao.

Về phương hướng lựa chọn các vật nuôi cho miền Trung, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang và ông Lê Bá Lịch đã phân tích rất chặt chẽ về lợi thế của việc phát triển đàn bò thịt ở miền Trung (NNVN ra ngày 29/10).


Phát triển đàn bò thịt ở miền Trung

Quan điểm cá nhân, tôi thấy phát triển đàn bò miền Trung là ưu điểm cần ưu tiên số một, bên cạnh đó, lợn và gia cầm cũng là hai đối tượng vật nuôi thích hợp với điều kiện tự nhiên và vẫn còn tiềm năng phát triển rất lớn ở đây.

Trong quan điểm phát triển chăn nuôi cho miền Trung, tôi cho rằng không chỉ, và không nên chỉ nhìn ở mục đích chăn nuôi không thôi, mà cần phải nhìn ở phương diện đa mục đích, đó là cải tạo đất. Chăn nuôi miền Trung nhất thiết phải gắn với việc tận dụng và sử dụng nguồn phân chuồng để cải tạo cho các vùng đất cằn cỗi ở đây.

Từ khi phân bón vô cơ bùng nổ trên thị trường, việc sử dụng phân hữu cơ gần như không còn ai để ý. Điều này hết sức nguy hại, đặc biệt đối với đất đai miền Trung vốn đã hết sức cằn cỗi. Việc tận dụng nguồn phân chuồng quay lại phục vụ cho phát triển đồng cỏ khi phát triển đại gia súc như bò thịt cần phải được đặc biệt chú trọng.

Ngay ở cả các nước phát triển nông nghiệp nhất hiện nay như Mỹ, châu Âu, việc sử dụng nguôn phân chuồng trong chăn nuôi đang được chú ý. Phân và nước thải từ các trang trại vẫn được họ bơm thẳng ra các cánh đồng cỏ và cây trồng khác để cải tạo đất, xu hướng quay trở lại với nền nông nghiệp hữu cơ thay vì nông nghiệp vô cơ như trước đang ngày càng được coi trọng.  

Về con giống và quy mô chăn nuôi, hiện nay giống gia cầm (đặc biệt là các giống gà lông đỏ) miền Trung đã có nguồn giống rất tốt, được các thị trường đánh giá rất cao. Các giống đại gia súc như bò thịt cũng đã tương đối khá.

Trước mắt, theo tôi miền Trung chưa nên đưa ngay các loại giống gia súc, gia cầm nhập nội, hay các giống cao sản vào phát triển đại trà, mà nên từng bước duy trì các giống bản địa, song song với việc lai tạo, cải tạo dần bộ giống sẵn có. Bởi đặc trưng bất lợi của miền Trung là khí hậu khắc nghiệt, đưa một giống mới cao sản vào phát triển đại trà sẽ rất rủi ro.

Kinh nghiệm từ phát triển đàn bò thịt ở Bình Định và Phú Yên cho thấy, vấn đề cải tạo con giống (Sind hóa, Prahman hóa) đàn bò thông qua công tác thụ tinh nhân tạo rất được coi trọng.

Về các chính sách, trước hết khó khăn nhất là về vốn, bên cạnh việc vận động các nguồn tài trợ của các dự án, có thể tham khảo mô hình kết hợp mối liên kết cho vay giữa Ngân hàng - Cty TĂCN và nông dân.

Theo đó, thay vì vay tiền, ngân hàng có thể cho nông dân vay bằng vật tư chăn nuôi (như TĂCN, thuốc thú y, con giống) thông qua các DN cung ứng vật tư nông nghiệp. Mô hình này đang triển khai rất hiệu quả tại Hà Nam.

Đối với mô hình phát triển chăn nuôi, chăn nuôi nông hộ sẽ vẫn là một ưu thế của miền Trung bởi đặc thù kinh tế khó khăn, vốn ít. Vì vậy, các địa phương ở đây cũng cần có chính sách thúc đẩy, tạo điều kiện thành lập các HTX chăn nuôi. Gần đây, tại Hà Tĩnh cũng đã thành lập được một số HTX chăn nuôi lợn, gia cầm hoạt động rất có hiệu quả.

Về thị trường, sức tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của miền Trung là rất hạn chế. Vì vậy, phát triển chăn nuôi miền Trung cần phải xác định để trở thành vựa sản phẩm phục vụ cho hai đầu đất nước, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Ngay từ bây giờ, các chính sách thúc đẩy chăn nuôi ở đây cần phải tính ngay tới việc gắn với xây dựng hệ thống giết mổ.

Xu hướng chung, miền Trung chỉ có thể chăn nuôi kèm theo giết mổ tại chỗ, sau đó chở sản phẩm cung ứng cho miền Nam và miền Bắc. Như vậy sẽ giảm đi sự lãng phí vận chuyển nếu vận chuyển nguyên con gia súc, gia cầm. Hiện tại, một số DN chăn nuôi ở miền Trung cũng đang triển khai mô hình này.

Công tác thú y cần phải được chú trọng hơn nữa ở miền Trung. Không thể phát triển chăn nuôi khi mà nay dịch LMLM, mai cúm gia cầm, kia dịch tai xanh. Chỉ một trận dịch, dân nghèo miền Trung coi như kiệt quệ.

Nhà nước cũng cần ưu tiên hỗ trợ một phần kinh phí để mua bảo hiểm vật nuôi cho nông dân ở đây bởi họ là vùng khó khăn nhất.

Nhà nước cũng đang có chương trình hỗ trợ 40-60% kinh phí mua bảo hiểm chăn nuôi cho nông dân tại 20 tỉnh trên cả nước. Cần tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục nhân rộng cách làm này.

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất