| Hotline: 0983.970.780

Chăn trâu đệ nhất

Thứ Hai 23/12/2013 , 09:56 (GMT+7)

Đàn trâu khổng lồ rùng rùng chuyển động, cả cánh đồng bỗng đen kịt một màu. 108 cái lưng trâu nhấp nhô như những gò đống di động dưới bàn tay chỉ huy của người chăn trâu đệ nhất Bắc Kỳ.

Đàn trâu khổng lồ rùng rùng chuyển động, cả cánh đồng bỗng đen kịt một màu. 108 cái lưng trâu nhấp nhô như những gò đống di động dưới bàn tay chỉ huy của người chăn trâu đệ nhất Bắc Kỳ.

Tống Giang của xứ đồng chiêm

Làn mưa phùn lây rây giăng mắc, cái rét cắt da, cắt thịt khiến cho mầm cỏ còn ngủ vùi dưới đất nâu, đàn trâu đói cứ chúi mũi dũi từng cọng rạ, la liếm từng lá bèo tây. Tiếng là ăn tạp nhưng cỏ đồng ăn hôm trước hôm sau không đụng, cỏ dính nước đái, cỏ bãi ngập nước bẩn, chúng hít hít cái rồi cứ ghếch mặt trâu mà đi. Đàn trâu nghịch ngợm tung trời, gặp cây cối trên đường là móc sừng vào thử sức, gặp mả đất là hùng hục cày.

Đang đi đứng lộn xộn, bỗng có tiếng quát đanh thép: “Con già quay!”. Con trâu mộng thủ lĩnh đàn vểnh tai nghe, nhận ra giọng chủ, bỗng cum cúp như biết lỗi. Bốn chân nó cào nhẹ xuống đất, cả đàn trâu đứng khựng lại phía sau như có một cây đũa thần sai khiến. Người chủ của nó quát tiếp, lần này giọng đã phần nào hạ bớt: “Hư, đã bảo quay mà sao không quay?”.



Lê Đức Dũng và đàn trâu 108 con

Dùng con thủ lĩnh để điều quân, khiển lính là cách vi diệu mà người chăn trâu đệ nhất Bắc Kỳ áp dụng triệt để chứ để cả trăm con, mỗi con đi vung ra một hướng là hỏng, hỏng hẳn, không thể kiểm soát được.

Lê Đức Dũng là một nông dân chính hiệu. Làng Khê Tang (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) của anh gần đây bị cơn lốc đô thị thổi cuộn. Nhà nhà mất đất, người người ôm bạc tỉ tiền đền bù. 9 sào ruộng của nhà còn sót 2 sào, chẳng đủ thóc nuôi mấy cái mồm, Dũng tính bài chăn nuôi lớn.

Trước đây anh vốn rất mát tay với nghề nuôi gà giống rồi gà thịt, lợn đực, lợn sề lại đến bò sữa. Năm 2008, Hà Nội lụt kỷ lục, Cự Khê thành cái rốn ngập. Nước lụt dâng vào nhà đến nửa mét, bàn ghế, xong nồi lềnh phềnh không xót mà anh chỉ xăm xới dắt đàn bò sữa 12 con…bơi theo mặt đường nhựa lên một cái gò để từ đó chuyển sang ô tô đi di trú.

Nửa tháng sau lùa đàn bò về, cỏ thối, nước thối, môi trường ô nhiễm khiến chúng ốm la liệt, phải bán đổ, bán tháo. Bò sữa đang có giá 25 triệu đồng/con đem bán thịt chỉ còn một phần ba khiến cho Lê Đức Dũng lỗ mất 200 triệu đồng, tưởng không gượng dậy nổi. Lần hồi, vết thương liền da, liền thịt, máu chăn nuôi lại trỗi dậy rần rật trong từng đường gân, thớ thịt. Vay mượn họ hàng được một món tiền, anh tất tay mua 18 con trâu về nuôi từ đó gây nghiệp thành một người chăn trâu đệ nhất.

108 con trâu được người làng ví von như 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, còn anh, vị thủ lĩnh Tống Giang của xứ đồng chiêm Thanh Oai suốt ngày tất tả với quần áo sực nức mùi phân, mùi nước đái.

Kỹ nghệ chăn bầy

Chăn trâu đàn là nghề khổ cực. Mười người chăn trâu đàn sáu bảy người lỗ hoặc hòa bởi giống đắt, bệnh nhiều, sơ sảy cái là sạt nghiệp. Buôn gian, bán lận, có người đã vỡ nợ vì mua phải trâu bị bơm nước đầy vào ruột. Thủ thuật táng tận lương tâm này được thực hiện như sau: Trâu để đói hai ngày cho ruột rỗng hết mức có thể rồi bơm nước lã vào càng nhiều càng tốt. Nước ngấm đến đâu, da dẻ đẹp mỏng mảy đến đấy khiến người mua hoa mắt, bắt nhầm. Trâu bơm nước về cỏ vẫn ăn bình thường nhưng ăn bao nhiêu đi ngoài ra nước bấy nhiêu, tiêm thuốc thì cầm, ngừng thuốc lại bị, suy kiệt đến tận chết.

Có người chăn trâu đàn lại lõm vốn bởi mua nhầm trâu nước ngoài nhập từ Lào, Thái Lan về. Giống trâu ngoại ấy không quen thổ ngơi, khí hậu đồng chiêm, đã ngã nước, dính bệnh thì khó có thuốc chữa, gầy mòn trơ khung xương mà chết. Năm 2012, anh Dũng dính một vố đau khi 50 con trâu bỗng đổ bệnh tụ huyết trùng. Phát hiện bệnh được ba ngày cả đàn thi nhau chết khiến cho chủ nhân của chúng lỗ đến tận xương, mất một lúc 600 triệu đồng.

Đàn trâu được nhốt vào cái chuồng 300m2 dựng tạm trên khu đất hoang của dự án. Tết này, người ta đòi phá chuồng, anh đề nghị đặt cọc 100 triệu đồng cho chủ đầu tư, khi nào đến hạn thi công thì bàn giao, nếu trây ì cứ lấy luôn cả cọc nhưng không được chấp nhận…

Trâu được mua về, làm quen nhau với nhau bằng cách nhốt chung vào buổi tối gọi là cho bện hơi. Nhốt chung vào buổi sáng, chúng sẽ đánh nhau chí chết, khi thả chung hay ăn tản rất khó mà chụm đàn.

Chăn trâu hoang khổ hơn nhiều trâu có xỏ thừng nhất là với cả một đàn lớn. Sáng ra người chủ nhìn tổng quát đàn, thấy con nào lờ đờ, dáng chậm, lông xù, bụng trướng, chẩn đoán là ngộ độc thức ăn phải dốc cổ cho uống nước tỏi hoặc một hai chai bia là khỏi. Tiết mưa phùn, gió bấc phải khoác bao tải, “mặc áo” cho nghé nhỏ, chờ tan giá mới dám lùa trâu ra đồng. Thả sớm thì dù có ăn bao nhiêu cỏ cũng không lại được với cái rét.

Đám trâu đàn đàn lũ lũ tưởng lộn xộn thế nhưng được phiên chế đâu ra đấy. Bao giờ, trâu đầu đàn cũng đi trước rồi sắp xếp theo thứ tự con đánh thắng đi trước, con thua cuộc đi sau. Người chăn chỉ cần sắp khoảng chục con, đàn trâu sẽ tự sắp theo thứ tự khỏe trước, yếu sau. Con thủ lĩnh thường là khỏe nhất, già nhất, đánh thắng tất cả các con khác trong đàn. Khi cả đàn cắm mặt đi nó nghển cao đầu nhìn cỏ ở những cánh đồng phía xa rồi chỉ huy quân.

Mùa lúa chăn trâu rất cực bởi chúng chỉ trực nhao xuống đồng. Trăm con trâu mà ngốn lúa thì chẳng kém chục chiếc máy gặt đập liên hợp chạy hết công suất, sơ sẩy tí là móc bạc triệu ra đền. Đã thế, đặc tính của họ nhà có sừng là hễ gặp đàn khác là kêu “nghẹ, nghẹ”, là lao vào nhau huyết chiến. Những con trâu đánh nhau hăng tới mức, cầm gậy phang thật lực cũng không nhả chỉ có làm một cái nùi rơm đốt mà hơ vào lưng chúng mới tách rời.

Bị cản ngáng giữa đường, đang cơn hăng máu, lắm con cứ nhè chủ của chúng mà húc. Lúc ấy người chăn phải có mẹo, cấm được chạy thẳng mà chạy theo hình chữ chi. Người nhỏ dễ luồn lách còn trâu cồng kềnh chạy lắt léo một hồi là mất phương hướng, đành thúc thủ đầu hàng.

Dân gian hay mắng nhau ngu như trâu nhưng thực ra trâu rất khôn. Lúc cả đàn ăn no, người chủ thường gãi gãi lên lưng những con chửa để lúc đẻ dễ bề gần gũi nhưng con đầu đàn bao giờ cũng tận dụng cơ hội này chạy ngay lại để được âu yếm. Một con ốm để lại chuồng là cả ngày chỉ chong chong đứng nhìn vì nhớ đàn, đàn về nó mới vục mặt xuống nắm cỏ non mỡn.

Trâu khôn đến nỗi chỉ cần người lái trâu phóng xe đến cổng là nó rúm lại một chỗ, sợ sệt vì đánh hơi thấy mùi của cái chết. Có những con khi bị bán mổ, đi vào giá đập chỉ quỳ hai chân trước mà lết. Một thừng tròng sừng, một thừng tròng mũi, người trước dắt, người sau đánh mà con vật vẫn cố ngoái nhìn về phía chủ với cặp mắt to tròn, ướt rượt như van xin. Để tránh cảm giác buồn đau đó, giờ đây anh Dũng chỉ bán trâu đứng tại chỗ chứ không bao giờ dám dắt trâu đến lò.

Chăn trâu đàn không bao giờ dùng roi mà bằng khẩu lệnh với một vài viên sỏi nhỏ. Thấy một con đi lộn xộn, người chủ nhón hòn sỏi ném vào lưng và quát “đi thẳng” hoặc “rẽ ngang” là con vật sẽ làm theo ý muốn. Giữa cả trăm con, người chăn thuộc từng nét mặt, dáng sừng đến cặp mắt của chúng.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.