| Hotline: 0983.970.780

Chẳng chuyến đi nào là vô nghĩa...

Thứ Sáu 30/10/2015 , 07:05 (GMT+7)

Rất nhiều lần nỗi tuyệt vọng, cô đơn hiện diện trong tôi khi đối mặt với không gian hoang lạnh lúc sẩm tối. Thế mà, cứ xa rừng rú thời gian ngắn lại thấy nhớ nao lòng.

1. Cái máu thích đi khơi nguồn trong tôi từ thời sinh viên, khi thực tập tại Báo NNVN. Có lần, tôi được gợi ý nên đi xa một chuyến.

Tôi vít ga xe máy độc hành hơn 850 km từ Hà Nội lên vùng Ka Lăng, Thu Lũm (huyện Mường Tè, Lai Châu) tìm “những người nguyên thủy” La Hủ sống hun hút nơi rừng già. Đã gần 3 năm trôi qua, nhưng nghĩ lại vẫn thấy gai người, ám ảnh.

Hai ngày tã tượi với dưới cái nắng như đổ lửa, bụi đất bám mặt vàng như nghệ, đến cửa đồn biên phòng Thu Lũm cũng là lúc sự kinh hồn, bạt vía của lữ khách đạt tột độ. Nhưng, muốn gặp được người La Hủ thì cần phải phá bỏ cái giới hạn chịu đựng ấy, dùng cả chân, cả tay mà leo vách núi, bò dốc cao cả ngày trời như khỉ hoang để vào bản Là Si.

Quê tôi ở xứ Đoài, ê hề “sữa trắng Ba Vì, thóc vàng Khu Cháy”. Giờ người ta bàn chuyện làm sao để chống béo phì, làm gì để có nhà lầu, xe hơi hơn là nghĩ cách để đủ cơm ăn ba bữa mỗi ngày. Nếu không tận mắt chứng kiến, có nằm mơ tôi cũng chẳng thể tưởng tượng được rằng dưới gầm trời đất Việt, vẫn có những con người gần như sống phụ thuộc hoàn toàn vào săn bắt, hái lượm.

Ở Là Si, dường như một năm được chia thành hai mùa: mùa no và mùa đói. Buồn thay mùa đói kéo dài 10-11 tháng trong năm. Khi gùi gạo cứu đói của Nhà nước không còn một hạt, người Lá Vàng (tên gọi khác của người La Hủ) lại vào rừng dựng lều đào chuột, bẫy gà rừng, vợt nòng nọc, tìm hoa chuối, măng vầu, củ nâu, củ mài, rễ cây để ăn, sống dưới mức sống cần phải có của một con người.

07-05-30_nh-2
Chút quà mọn tặng trẻ em La Hủ ở bản Là Si, xã Thu Lũm (Mường Tè, Lai Châu)

Có thời điểm, lật tung cả bản không tìm nổi một bóng người. Thành thử hai thầy giáo cắm bản Sừng Phì Che và Chu Lò Phạ phải thốt lên câu nói đầy cay đắng: “Chúng tôi vào đây để dạy học, nào ngờ...".

Chỉ ít ngày sau khi hình ảnh về cuộc sống của người La Hủ ở Là Si lần đầu tiên được đưa lên mặt báo, thầy giáo Sừng Phì Che gọi điện cho tôi cười sung sướng: “Cả bản đang luồn rừng ra đường lớn vác hàng hóa từ các đoàn thiện nguyện dưới xuôi lên tặng. Nhiều lắm, cả xe tải to đùng”.

Tôi mừng thầm trong chốc lát, rồi lại buồn tái tê. Đến bao giờ người La Hủ mới hết đói nghèo? Trẻ con hết mù chữ? Đến bao giờ những ruộng bậc thang mặn chát mồ hôi, nước mắt của bộ đội phá hoang cho dân bản Là Si mới biết đẻ ra hạt thóc, hạt ngô? Và, đến bao giờ chúng tôi mới được đi bằng hai chân thay vì “bò” bằng bốn cẳng vào bản?...

2. Những câu chuyện lạ lẫm ở miền sơn cước như hoạt chất gây nghiện đối với phóng viên trẻ quen sống đồng bằng như tôi. Và cứ thế, nó mời gọi tôi rời xa phố thị để tới nơi đất cao, trời thấp.

Khi thì tôi “say” với cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc; ngất ngây hương rượu thóc Nàng Đôn trên đỉnh Chiêu Lầu Thi cao hơn 3.000 m. Lúc tôi lại như con nai lần theo “con tàu Tây Bắc” trong tưởng tượng của nhà thơ Chế Lan Viên, đi miết miền rừng Sông Mã, Sốp Cộp (Sơn La) tìm những người miền xuôi đã làm “đất lạ hóa quê hương”; hay ngạo nghễ ở vùng đất “thác gầm thét, cọp trêu người” chìm trong sương trắng trên đỉnh Sài Khao (huyện Mường Lát, Thanh Hóa). Có khi, tôi đẩy thân tôi vào những “rốn nghiện ma túy” của tỉnh Điện Biên; một mình lang bạt trong rừng nguyên sinh Bảo Lạc (Cao Bằng)…

07-05-30_nh-3
Phút lãng du dọc đường tác nghiệp ở Hà Giang

Và, trong những chuyến đi mệt nhừ người ấy, tôi đã tận thấy giọt nước mắt của người phụ nữ Mông phải bán chiếc váy hoa xòe (của hồi môn của mình) chống đói cho 4 đứa con lít nhít vì không có một tấc đất canh tác.

Tôi đã thấm thía nỗi đớn đau thấu trời của người đàn ông Mông Phàng A Di khi tự tay chôn lần lượt 8 đứa con chết non vì không được chăm sóc sức khỏe khoa học. Ở xã Nậm Ban (huyện Mèo Vạc, Hà Giang), tôi lặng người gặp “đứa trẻ trời đày” tên Nông Văn Phương bị gia đình, làng bản bắt sống ở cái lều rách ngoài bìa rừng vì quanh năm “lột xác” (bị bệnh vẩy nến toàn thân) lúc mới lên 8 tuổi....

Đó chỉ là một góc chuyện “khó tưởng tưởng” trong cái kho ký ức của tôi khi lang bạt miền rừng.

3. Lại phải nói thêm rằng, nếu không làm nghề báo và thích lang thang những miền gian khó, tôi đã không rơi vào cái cảnh ăn xin từng bữa, xin ngủ từng đêm như kẻ hành khất nhiều đến thế.

07-05-30_nh-5
Phút kiệt sức giữa rừng già Lai Châu

Còn cách nào khác đâu, khi mà đồng tiền trong tay tôi không thể tìm thấy một quán ăn, một căn phòng trọ chốn rừng núi hoang vu. Thật may, tình thương và sự hào sảng của đồng bào với những người làm báo vẫn ăm ắp, trong vắt như suối nguồn.

Có lần, bồ thóc trong nhà trưởng xóm Vài Nòn Xiêm Lùng Viện (xã Hồng An, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) chẳng moi được một hạt. Mấy tháng trời cả nhà phải ăn cháo bẹ (cháo ngô). Thế mà, khi gặp PV, gia chủ lẳng lặng đi xin gạo, vay gà giết thịt, quyết không để tôi ăn đói, ở khổ. Khi biết chuyện, niềm xúc động từ tim trào ra khỏi miệng: “Lần sau anh cứ cho tôi ăn cháo bẹ. Tôi muốn sống khổ như dân mình để lấy thông tin chân thực”, tôi nói.

07-05-30_nh-4
PV chụp ảnh cùng trẻ em người Mông ở Sơn La

Tôi vẫn nghĩ, làm báo cũng giống như kinh doanh thông tin. Nếu muốn khẳng định mình thì phải có gan đầu tư và chấp nhận rủi ro. Có những chuyến đi may mắn, “trúng mánh” một loạt phóng sự dài kỳ đăng cả tuần chưa hết. Nhưng, có những chuyến đi bỏ nhiều vốn (công tác phí, sức lao động) mà chẳng đính được con chữ nào trên mặt báo, tôi vẫn hài lòng. Bởi đơn giản, chẳng có chuyến đi nào là vô nghĩa...

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất