| Hotline: 0983.970.780

Chàng "kỹ sư cua"

Thứ Ba 06/03/2012 , 10:00 (GMT+7)

Trong những năm qua, tình hình nuôi tôm ở các tỉnh ven biển ĐBSCL diễn biến khá phức tạp, dịch bệnh tôm hoành hành, hàng ngàn hộ nuôi tôm rơi vào cảnh nợ nần.

Các tỉnh thành ven biển, trong đó có Bạc Liêu rất trăn trở tìm kiếm một loài thủy sản mới có giá trị kinh tế để khắc phục môi trường ô nhiễm nặng nề từ nuôi tôm. Ngay những lúc khó khăn thì kỹ sư trẻ Long Văn Nghĩa (35 tuổi), Trưởng trạm Khuyến nông - Khuyến ngư TP Bạc Liêu (Bạc Liêu) đã âm thầm tìm tòi, nghiên cứu và lần đầu tiên cho sinh sản nhân tạo thành công một giống cua biển.

Qua nhiều lần thất bại, Nghĩa không chịu dừng bước. Cuối cùng sự cần mẫn, nhiệt quyết của Nghĩa được đền đáp. Đợt cho cua sinh sản nhân tạo đầu tiên với số lượng trên 1 triệu con giống, nhưng tỷ lệ sống chỉ đạt 2%. Từ thành công đó, liên tiếp trong các năm 2006, 2007… Nghĩa mở rộng quy mô sản xuất cua giống nhân tạo, với quy mô từ 50-60 bể cho cua sinh sản, sau mỗi đợt sản xuất ra từ 40.000-50.000 cua con giống. Mặc dù tỷ lệ sống đã dần khắc phục nhưng giai đoạn này cũng chỉ đạt 4%.

Qua đúc kết kinh nghiệm, kể từ năm 2010 đến nay thì việc cho sinh sản cua biển giống của Nghĩa đã thành công mỹ mãn, tỷ lệ sống đạt từ 20-35%. Nghĩa cho biết: “Để cua sinh sản nhân tạo đạt tỷ lệ sống cao thì phải chọn cua bố mẹ tốt, mang đầy gạch, đặc biệt duy trì chế độ ăn hợp lý, nhất là các loại thức ăn như các cá tươi để bổ sung dinh dưỡng cho cua mẹ, đồng thời giữ ổn định nhiệt độ và độ mặn thích hợp cho cua phát triển”.

Do nhu cầu rất lớn về cua biển giống, hiện các tỉnh ven biển như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… phát triển mạnh nuôi của biển thương phẩm. Nắm bắt nhu cầu của bà con, hiện Nghĩa đang tập trung đầu tư khu sản xuất cua giống với quy mô khá lớn, với số lượng lên đến 150 bể. Theo kế hoạch năm 2012, Nghĩa sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 100 triệu con cua giống.

Nghĩa cho biết, ngoài trực tiếp phát triển sản xuất cua giống anh còn tận tình hướng dẫn, chuyển giao quy trình kỹ thuật sinh sản cua biển giống cho hàng chục đoàn viên, thanh niên ở địa phương. Trong đó, có một số đoàn viên cho cua sinh sản thành công và mở đại lý cung cấp giống cho bà con góp phần tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình.

Ông Huỳnh Quốc Khởi, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến ngư - Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Cua giống do Nghĩa cho sinh sản nhân tạo rất thích nghi với môi trường, thổ nhưỡng ở các tỉnh ven biển. Đặc biệt, cua nuôi đạt tỉ lệ sống cao, ít hao hụt và cua nuôi tăng trọng rất nhanh. Do đó, hiện nguồn cua giống do Nghĩa sản xuất ra không chỉ tiêu thụ ở Bạc Liêu mà được tiêu thụ mạnh ở khắp các tỉnh ven biển ĐBSCL và một số tỉnh miền Trung".

Hiện cua biển thương phẩm trên thị trường có giá rất cao, bình quân từ 100.000-300.000 đồng/kg, đặt biệt cua biển còn xuất khẩu mạnh sang nhiều nước trên thế giới. Ở Bạc Liêu nuôi cua thương phẩm đang phát triển mạnh, có trên 50.000 ha nuôi chuyên cua và nuôi cua kết hợp nuôi tôm sú quảng canh ở các huyện: Đông Hải, Giá Rai, Phước Long và Hòa Bình”.

Nhận xét về chàng kỹ sư trẻ, ông Khởi cho biết: “Nghĩa là một thanh niên giàu nghị lực, thích tìm tòi, cần mẫn nghiên cứu, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Đặc biệt, Nghĩa nắm rõ nhu cầu sản xuất của người dân, qua đó nghiên cứu cho sinh sản thành công cua biển giống góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi mới và làm giàu cho người dân”.

Ghi nhận những thành quả đóng góp của Nghĩa cho ngành thủy sản, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng thưởng nhiều bằng khen, đặc biệt được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Lương Định Của.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.