| Hotline: 0983.970.780

Chàng trai suýt bị bỏ cho thú ăn thịt

Thứ Sáu 12/11/2010 , 09:27 (GMT+7)

Chàng trai tật nguyền tên Vù Seo Lử đã vượt qua hủ tục, bò lê khắp núi rừng với một khát vọng sống thật thanh cao.

Là nơi có khí hậu cảnh quan vô cùng đặc biệt, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai có những dãy núi cao sừng sững được phủ lên mình cây cối rậm rạp. Các cánh rừng ở Bảo Yên có một loài dây sắn rừng luôn vượt qua ngọn những cây cổ thụ vươn lên đón ánh sáng mặt trời. Sức sống mãnh liệt của loài dây leo đó được đồng bào người Mông nơi đây gắn vào thân phận một chàng trai tật nguyền tên Vù Seo Lử, người đã vượt qua hủ tục, bò lê khắp núi rừng với một khát vọng sống thật thanh cao.

Kiếp lạc loài

Từ thị trấn Phố Giàng của huyện Bảo Yên, phi xe máy hết khoảng nửa bình xăng là đặt chân tới đỉnh đèo Mã Yên Sơn (dài 7 km). Không giống “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Nô anh hò chị hát” trong thơ của Tố Hữu, đèo Mã Yên Sơn không quá dốc nhưng có rất nhiều khúc cua tay áo nguy hiểm.

Sau khi ngồi bệt bên lề đường nghỉ ngơi lấy sức cũng là để tận hưởng một chút không khí trong lành hiếm hoi, chúng tôi bắt đầu leo dốc tiến về phía căn nhà đơn sơ nằm chênh vênh heo hút trên lưng chừng núi. Vừa bước qua giọt ranh của căn nhà sàn đơn sơ, cảm giác lãng mạn trong chúng tôi biến mất. Hình ảnh một ông lão khắc khổ ngồi co ro ở xó bếp khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi chạnh lòng.

Cố nheo đôi mắt bao năm qua không nhìn rõ người lạ người quen, ông lão hỏi chúng tôi là ai mà trông lạ vậy? Sau một hồi trò chuyện tôi được biết đó là ông Vù Seo Sùng, bố đẻ của Vù Seo Lử. Dân làng ở đây cho biết, ông Sùng bị mắc bệnh hiểm nghèo đã mấy chục năm nay, do không có tiền chạy chữa nên bụng của ông ngày một to như cái trống. Từ ngày lâm bệnh, ông Sùng không làm được việc gì nên chỉ quanh quẩn ở nhà trông chờ vào công việc làm nương của người vợ già nua và người con trai tật nguyền.

Trong ánh lửa bập bùng, ông Sùng thều thào kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện buồn về cuộc đời cậu con trai Vù Seo Lử kém may mắn của vợ chồng ông. “Thằng Lử vừa lọt lòng mẹ đã mang một thân hình không bình thường, chân tay không duỗi thẳng ra được, lúc nào cũng giơ lên trời như cái vó tôm. Thấy thằng Lử chân tay như vậy nhiều người bảo vợ chồng tao đem bỏ nó vào rừng sâu không thì con ma sẽ đem tai họa đến cho cả dân làng. Vợ chồng tao thương thằng Lử đến đứt ruột nên không nỡ đem nó vào rừng cho thú dữ ăn thịt. Vậy là tao bàn với vợ lén giấu thằng Lử trong góc buồng chăm sóc”.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cậu bé Vù Seo Lử ốm yếu quặt quẹo ngày nào đã trở thành một chàng thanh niên 17 tuổi. Thân hình cậu thì phát triển bình thường nhưng đôi chân dị tật khiến Lử không thể đứng lên như mọi người được. Vừa thoát được cái án tử do hủ tục lạc hậu trói buộc, Lử lại phải chịu cảnh tủi thân khi luôn trở thành trò cười, là trung tâm cho lũ trẻ con trong bản trêu trọc. Nhưng với Vù Seo Lử điều đó cũng chẳng có gì phải bận tâm, bởi với Lử việc không bị dân làng xa lánh đã là một ân huệ rồi.

Bi kịch chỉ thật sự đến với gia đình Vù Seo Lử khi ông Sùng mắc bệnh hiểm nghèo, tất cả mọi công việc đều dồn lên vai người mẹ Học Thị Gió đã bước qua tuổi bẩy mươi. Ngày ngày thấy mẹ phải dậy từ lúc gà chưa gáy và trở về nhà khi trời đã khuya làm lụng vất vả nuôi hai bố con Lử thấy mình thật vô dụng! Từ đó, Lử bắt đầu tập làm tất cả những công việc mà một chàng trai Mông đến tuổi trường thành đều phải gánh vác trên vai.

Sức sống mãnh liệt

Nóng lòng không thể đợi lâu hơn được nữa, chúng tôi nhờ người dân dẫn đường vào cửa rừng đón Vù Seo Lử đi lấy củi về. Thoáng nghe thấy âm thanh lốc cốc do gỗ va vào đá từ rất xa, tất cả mọi người đều hướng ánh mắt về phía người đàn ông bị tụt lại phía sau đang chậm chạp bò lê lên từ sườn dốc. “Thằng Lử nó lấy củi về đấy”. Một người dân bản mau miệng nói. Thân hình quắt queo, hai chân dị tật quặt vào trong, đôi bàn tay quá khổ chai sạn sần sùi với chi chít sẹo cùng mái tóc lốm đốm bạc, đó là tất cả những hình ảnh vẫn còn hằn sâu trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ sau lần đầu gặp chàng trai Mông kiên cường này.

Với một đầu là sợi dây sắn rừng buộc vào khúc gỗ, đầu kia quấn lại thành một vòng vắt qua vai, chứng kiến Vù Seo Lử kéo lê khúc gỗ không khác gì thân trâu, thân ngựa mà chúng tôi không cầm được nước mắt.

Lử buồn bã dắt trâu đi chăn. Quần sáo xộc xệch cũ nát, thắt lưng bằng bẹ chuối khô, Lử chậm chạp bò lê từng bước một về phía bờ suối, theo sau là chú trâu đen trũi béo mũm mĩm. Bất ngờ, Lử nhảy phốc một cái lên lưng con trâu quát lên một câu bằng tiếng Mông mà tôi không hiểu khiến con trâu trổ huỳnh huỵch chạy thẳng mất hút vào cánh rừng có dây sắn rừng leo chằng chịt rậm rạp.
Anh có mệt và đau vai không? Tôi hỏi Lử. “Mết chứ! Nhưng tao kéo nhiều nên quen rồi, chỉ có lúc đầu là đau thôi. Ngày bố tao bị bệnh không đi rừng được, mẹ tao già nên không lên nương trỉa bắp nữa thì tao bắt đầu đi kiếm củi bán lấy tiền mua gạo nuôi bố mẹ tao”, Lử hồn nhiên trả lời. Một tay giúp Lử vận chuyển khúc gỗ to bằng bụng chân về nhà tôi tranh thủ trò chuyện với người có sức sống mãnh liệt như dây sắn rừng này. Lử bảo, việc gì anh cũng làm nhưng với anh việc vào rừng lấy củi là cơ cực nhất. Có hôm gặp trời mưa, cây gỗ lăn xuôi dốc kéo cả Lử lăn theo làm đêm hôm đó về mình mẩy Lử đau ê ẩm như bị ai đánh. Lần khác tham kéo cây gỗ to quá khiến vai Lử bị đau phải đắp lá thuốc cả tuần liền mới khỏi.

Chị Hoàng Thị Giang, một người dân ở xã Bảo Hà tâm sự: Trước đây do chưa hiểu nên bà con hay xa lánh Lử, nhưng khi cái bụng hiểu rồi bà con thương Lử lắm, nhưng ở đây ai cũng nghèo nên chẳng giúp gì được. Thành thử, hàng ngày Lử vẫn làm việc hơn cả một người bình thường chăm lo bố mẹ già đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hi. Ngoài việc vào rừng lấy củi thì Lử còn phải đi trăn trâu, hôm thì thì lên nương trỉa bắp, hôm khác lại ở nhà nấu cám cho lợn… Tất tần tật mọi công việc từ lớn đến bé trong nhà đều một tay Lử quán xuyến lo liệu.

“Từ ngày chồng tao bị bệnh, tao chân tay bị run lập cập không làm được nữa thì thằng Lử trở thành trụ cột gia đình. Vợ chồng tao thương nó lắm nhưng biết làm sao được khi chúng tao đều quá già yếu không làm được việc nặng nữa rồi”, mẹ Lử bùi ngùi nhớ lại.

“Mơ ước lớn nhất của anh là gì? Tôi hỏi. Sau một hồi suy nghĩ, Lử ngượng nghịu trả lời như một đứa trẻ: “Tao chỉ mong đứa con gái nào thương tao chịu lấy tao làm chồng là tao sướng cái bụng nhất rồi. Nhưng tao chỉ ước vậy thôi chứ làm gì có đứa con gái nào chịu lấy một người tàn tật như tao đâu”.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất