| Hotline: 0983.970.780

Chàng trai trẻ 'ôm' nhiều ruộng chuyên canh nông nghiệp

Thứ Ba 27/09/2016 , 08:46 (GMT+7)

Cuối năm 2014, một thanh niên 27 tuổi nộp đơn xin thuê ruộng tại khu đất bãi ngoài sông Ô Mễ 2, diện tích hơn 8,7ha. Mức thuê đất 1 tạ thóc/sào/năm.

Đây là chuyện lạ, chưa bao giờ có trong tiền lệ ở xã Tân Phong (huyện Vũ Thư, Thái Bình). Bởi đó là khu đất xa xôi nhất, nhiều người bỏ ruộng nhất.

 

Gặp chủ ruộng lớn trẻ nhất Thái Bình

Không ít người bảo anh ngựa non háu đá”. Lãnh đạo xã họp bàn, cũng cho rằng Lê Tiến Mạnh tuổi còn quá trẻ, không được đào tạo về nông nghiệp nên khó lòng chỉn chu làm ăn. Không thể phó mặc tài sản của hơn 500 hộ dân của 5 thôn cho một người như thế.

15-02-07_nh-2
Anh Lê Tiến Mạnh

 

Sau Lê Tiến Mạnh, một công ty khác cũng ngỏ ý thuê lại khu đất bãi này. Nhưng dân kịch liệt phản đối bởi họ đào đất lên để chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Biết tin, anh Mạnh lên UBND đấu lý: “Các bác sợ cháu bùng kèo với dân. Thì đây, cháu có cái sổ đỏ đất của nhà, trị giá 700 - 800 triệu đồng. Cháu xin gửi để làm tin”.

Chỉ một câu nói đã khiến cả hệ thống chính trị xã Tân Phong lay chuyển. Đảng ủy họp ra Nghị quyết, đồng ý cho Lê Tiến Mạnh thuê khu đất ngoài đê trồng trọt. Đề nghị các thôn tạo điều kiện hết sức để anh Mạnh đạt được nguyện vọng, đồng thời tránh tình trạng nông dân bỏ ruộng, đồng đất hoang hóa.

Từ đấy, những cuộc họp thôn liên tiếp diễn ra. Nhiều ý kiến trái chiều như muốn nổ cả hội trường. Có thể hình dung khu bãi giống như mâm xôi đỗ. Xen lẫn giữa thửa đất của đa phần những hộ chán ruộng, bỏ ruộng là thửa đất của những chủ ruộng muốn được sản xuất.

Cán bộ xã làm trọng tài, đứng ra quy hoạch lại khu đất bãi. Những hộ có ruộng vẫn muốn làm ruộng sẽ được bố trí tập trung ở những khu đất cao, canh tác thuận lợi. Đồng thời, nhường diện tích ruộng cũ cho Lê Tiến Mạnh thuê. Cuối cùng, thành công đã đến.

Tiếp nhận cánh đồng mênh mông, đa phần diện tích là cỏ dại mọc ngang đầu người. Cỏ rậm là “thánh địa” của lũ chuột, mà chuột là kẻ thù số 1 của cây trồng. Anh lên thị trấn Vũ Thư mua thuốc đánh bả. Mua phải bả giả, chuột không chết lại còn đẻ mạnh hơn. Mạnh mua mấy chục cái bẫy cạp, rải khắp đồng, chuột chui vào “cửa tử” như thiêu thân lao vào lửa, trọng lượng bình quân 4 - 5 lạng/con. Anh chọn những con to nhất, chế biến ăn trong thời gian dài đến phát ngấy.

Lê Tiến Mạnh lầm lũi cày đất lật cỏ, lầm lũi bơm nước ngập trắng đồng cho rễ, củ cỏ thối rữa, không thể nảy mầm. Triệt xong cỏ, Mạnh lại san nền ruộng cho bằng phẳng. Cày 1 mẫu ruộng giờ chỉ mất 4 đường cua.

- Ban đầu, anh có sợ thất bại không? - tôi hỏi.

- Tôi chỉ nghĩ, mấy ngàn năm qua nông nghiệp đã nuôi sống đồng bào mình. Làm nông không tránh khỏi mùa màng thất bát. Nhưng kiểu gì cũng có lãi, Mạnh tự tin.

“Tôi nghĩ, Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ tích tụ ruộng đất. Nếu không nhanh chóng cơ giới hóa nông nghiệp, 5 - 10 năm nữa sẽ rất khó thuê lao động. Bởi, thế hệ 8x, 9x bây giờ hiếm người gắn bó với nghề nông”, anh Lê Tiến Mạnh.

Trước khi viết đơn xin thuê ruộng, Lê Tiến Mạnh đã khảo sát thị trường ở chợ đầu mối Thái Bình và chợ Long Biên (Hà Nội). Chỉ 1 đêm, chợ Long Biên nhập 5 xe ô tô riềng từ Hải Dương và Hưng Yên. “Nghĩ thầm, cả nhà mình một vài tháng mới mua vài dảnh riềng. Thế mà họ bán được cả chục tấn/đêm. Vậy thì, những thực phẩm người ta ăn hằng ngày đều luôn rộng mở đầu ra. Vấn đề chỉ còn ở chỗ, tổ chức làm ra sao để đạt hiệu quả cao”, anh nói.

Để vận hành cánh đồng, anh thuê 20 lao động nữ của địa phương, toàn U50 vì thanh niên lao hết vào khu công nghiệp. Công lao động dao động từ 130.000 - 160.000 đồng, tùy năng lực. Trung bình, một người quán xuyến 1,5 mẫu ruộng.

Ngay vụ đầu tiên, hơn 10 mẫu dưa lê của anh thắng lớn sau 2 tháng gieo trồng, lãi hàng trăm triệu đồng. Vụ tiếp theo anh mở rộng 26ha, vì không tính bài toán rải vụ, lê chín rộ trong vòng 1 tuần. Thương lái đánh xe ô tô về nhập, nhưng công nhân không cắt quả kịp (mỗi ngày chỉ được 10 tấn) nên bị chèn ép. Ban đầu, 1kg dưa lê giá 12.000 đồng, sau rớt xuống 7.000 đồng và cuối cùng 4.000 đồng.

Nhưng anh bảo: “Giá dưa lê 4.000 đồng vẫn có lãi. Vì chi phí vật tư đầu vào và công lao động chỉ mất 2 triệu đồng. Trong khi đó, năng suất dưa đạt ít nhất 7 tạ/sào. Vụ sau, nếu biết cách rải vụ, giá dưa chắc chắn sẽ cao hơn”.

Hiện tại, anh đang chuyển hướng trồng khoảng 10 mẫu dưa Hoàng Hậu. Chi phí đầu tư chỉ 2,5 triệu/sào nhưng giá dưa cao (trung bình khoảng 15.000 đồng/kg), năng suất đạt 9 tạ/sào. Nếu chăm sóc tốt, 1 sào lãi khoảng 10 triệu đồng không có gì khó.

Nguyễn Tiến Mạnh đang liên kết với nhiều doanh nghiệp để khép kín chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư đầu vào, sản xuất, chế biến và bao tiêu các loại nông sản như cà rốt, ớt, ngô lấy thân phục vụ chăn nuôi… Hiệu quả rất bền vững. Chủ bãi nhẩm tính, nếu biết cách tổ chức tốt, trừ chi phí đầu tư và thuê ruộng, mỗi năm có thể lãi tiền tỷ.

 

Chủ tịch huyện hỗ trợ mua phân

Những chủ ruộng lớn trên địa bàn huyện Vũ Thư được cả hệ thống chính trị hậu thuẫn. Lê Tiến Mạnh chia sẻ: Toàn bộ các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của tôi đều do cán bộ huyện chắp nối, giới thiệu. Đồng thời, hỗ trợ 100% giống đối với mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp. Phòng nông nghiệp liên tục tổ chức cho chúng tôi đi tham quan, học tập mô hình nông nghiệp hay ở tỉnh ngoài, bao toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở.

15-02-07_nh-1
Những đường cày hi vọng trên vùng đất bãi Ô Mễ (xã Tân Phong)

 

Còn nhớ, đoàn công tác của huyện Vũ Thư do Chủ tịch Trần Huy Hải về xã Tân Phong làm việc. Trời mưa tầm tã. Con đường từ đê dẫn vào căn chòi nhỏ của Lê Tiến Mạnh ngập ngụa đất lầy. Ông Hải xắn quần, cởi giày tất lội vào. Đến nơi, ai nấy đều lem luốc.

Gặp chủ ruộng, Chủ tịch huyện hỏi:

- Anh sản xuất lớn thế này, có vướng chỗ nào không để huyện giải quyết?

- Thưa chú, máy móc làm đất nhà cháu đã có; giống các chú đã cho; sản phẩm đầu ra các chú đã mời doanh nghiệp về bao tiêu hộ. Vậy là quá tốt rồi. Mỗi tội, vụ cà rốt sắp đến mà cháu chưa mua được phân gà để ủ hoai mục.

Ngay tức khắc, Chủ tịch huyện rút điện thoại, lật danh bạ rồi gọi điện cho một số chủ trang trại ở xã Vũ Tiến ngay bên cạnh. Tiếng vị lãnh đạo sang sảng: “Bác có tích được ít phân gà nào không? Có thì ưu tiên bán cho thằng cháu Mạnh, tí nó đưa xe sang chở”. Với anh Mạnh, như vậy là toại nguyện hết mực rồi.

GĐ HTX Nông nghiệp xã Tân Phong Đồng Mạnh Huấn khẳng định với chúng tôi rằng, xã sẽ tạo điều kiện hết mức để mô hình tích tụ ruộng đất của anh Mạnh phát triển bền vững. Bất cứ lúc nào, chỉ cánh đồng ngoài bãi thiếu nước, chúng tôi bơm ngay lập tức. Xã cũng đã trích ngân sách để hỗ trợ cát sỏi, đồng thời xin huyện hỗ trợ xi măng để cứng hóa con đường dẫn từ đê vào đường của anh Mạnh.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.