| Hotline: 0983.970.780

Chanh dây, không khéo lại là hiểm họa

Thứ Tư 28/07/2010 , 10:16 (GMT+7)

Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, chanh dây đang là… hiểm họa của nhà nông ở không chỉ Lâm Đồng mà còn cả Tây Nguyên.

“Tôi chưa biết điều gì đang đón đợi phía trước đối với 2ha chanh dây của mình. Chỉ biết rằng, để có nó, gia đình tôi đã “chôn” xuống đất không dưới 200 triệu đồng” – ông Nguyễn Xuân Phúc từ Đà Lạt xuống Di Linh thuê đất trồng chanh dây lo lắng bởi cả 2ha chanh dây của ông đang bị dịch bênh phá hoại với mức độ rất nghiêm trọng.

Theo các nhà chuyên môn, 1ha chanh dây cần đầu tư không dưới 100 triệu đồng mới cho thu hoạch; sau đó, mỗi năm cũng phải bỏ ra trên dưới 35 triệu đồng để chăm sóc. Về lý thuyết, 1ha chanh dây mỗi năm cho doanh thu trên dưới 300 triệu đồng – cao gấp nhiều lần so với cây cà phê. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, chanh dây đang là… hiểm họa của nhà nông ở không chỉ Lâm Đồng mà còn cả Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục câu chuyện: “Trước đây, nghe người ta nói trồng chanh dây lời gấp hơn mười lần trồng cà phê, đang trong lúc cà phê bấp bênh, nên tôi mạnh dạn vay và gom mọi khoản tiền trong nhà để “liều” một lần mong đổi đời. Nhưng bây giờ, vườn chanh dây đang bị đủ thứ bệnh, không biết tương lai sẽ như thế nào đây!”. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có đến 2/3 trong tổng số 500ha chanh dây bị bệnh như vườn chanh dây của ông Phúc. Theo lời ông Phúc thì cán bộ khuyến nông đã chỉ rõ rằng bệnh trên cây chanh dây trong vườn nhà ông là nấm bã trầu, úng rễ, nấm trắng, bọ xít, rệp sáp…

Tuy nhiên, theo cán bộ của Trung tâm Bảo vệ thực vật Lâm Đồng thì hầu hết các loại bệnh này trên cây chanh dây đều rất khó khắc phục (hầu như chưa có thuốc chữa trị, hoặc chữa trị không hiệu quả); ngành chức năng cũng chưa có nhiều tài liệu về phòng ngừa và chữa trị các loại bệnh này trên cây chanh dây. Ông Phúc nói tiếp: “Mới đây, tôi đã gắng bỏ ra thêm hơn 30 triệu đồng để chữa bệnh cho vườn chanh dây nhưng hiệu quả mang lại không đáng kể, một góc vườn, cây đã bắt đầu chết. Lo lắm, nhưng đành chịu. Vì, ngay cả cán bộ khuyến nông và cán bộ bảo vệ thực vật cũng đang… bó tay”. Quả thực, hiện cây chanh dây Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang mắc “đa bệnh”, trong khi cơ quan chức năng đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không đưa ra được những giải pháp khả dĩ để chữa trị những loại bệnh này, nên vì thế mà hiểm họa trên cây chanh dây vẫn còn tiềm ẩn khá lớn.

Chanh dây được trồng ở Lâm Đồng vào năm 2005. Lúc đầu, ngành chức năng chỉ khuyến cáo trồng thử nghiệm khoảng 100ha nhưng bởi hiệu quả mang lại quá lớn (gấp hơn 10 lần trồng cà phê) nên diện tích chanh dây nhanh chóng được người dân mở rộng trên địa bàn tỉnh, và lan rộng cũng rất nhanh chóng sang các tỉnh lân cận như Đăk Nông, Đăk Lăk. Tại Đăk Nông, chỉ trong vòng vài năm, diện tích cây chanh dây từ con số không đã được người nông dân tự phát nâng lên 400ha hiện nay. Điều đáng nói là tình hình dịch bệnh trên cây chanh dây cũng lan rộng từ Lâm Đồng sang các tỉnh bạn và hiện các địa phương này cũng chưa có giải pháp nào khả dĩ để chữa trị các loại bệnh nhện đỏ, úng rễ, rệp sáp, phấn trắng…

Trước tình hình trên, không ít hộ dân đang trông chờ vào khả năng chuyên môn của ngành bảo vệ thực vật tìm ra biện pháp phòng trừ dịch bệnh để cứu vườn cây; và đồng thời, không ít hộ còn đề nghị ngành ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ hợp lý trong việc cho vay vốn để bà con đỡ khổ.
Ông Nguyễn Xuân Phúc lo lắng: “Đã bỏ ra khoảng gần 200 triệu đồng để trồng 2ha chanh dây, vườn cây của gia đình năm nay cho ra lứa quả đầu tiên nhưng tình hình dịch bệnh như thế này, năng suất chắc là giảm khoảng 80 – 90% so với bình thường theo lý thuyết. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trên vườn cây không hề có dấu hiệu suy giảm mà ngày càng tăng nặng, nhiều cây đã chết hoặc sắp chết”. Qua khảo sát, thực tế có không ít người như ông Phúc là vay mượn tiền ngân hàng từ vài chục triệu đến vài trăm triệu để trồng chanh dây. Nay, trước tình hình dịch bệnh như thế này, nhiều hộ nông dân đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng. Tại địa bàn huyện Đơn Dương, theo số liệu báo cáo của Hội Nông dân, tính đến thời điểm nửa đầu tháng 7 này, trong tổng số 350ha chanh dây của toàn huyện thì đã có đến 200ha mắc các loại bệnh nấm rễ, nấm trái, thối rễ…

Theo dự báo của ngành chuyên môn thì năng suất chanh dây ở huyện Đơn Dương trong năm nay sẽ giảm khoảng 70%, nhà vườn sẽ phải thua lỗ nặng. Cũng tại Đơn Dương, chỉ riêng trên địa bàn thị trấn Dran, chỉ trong một thời gian ngắn đã có không dưới 30ha chanh dây bị người dân phá bỏ hoàn toàn để thay thế các loại cây trồng khác. “Đành phải chấp nhận “chôn” cả trăm triệu đồng còn hơn là duy trì vườn cây dịch bệnh để càng ngày càng lỗ” – ông Đậu Văn Hoàng ở Đơn Dương nói. Hiện tại, giá chanh dây tăng khá cao nhưng người dân không hề phấn khởi bởi tình hình dịch bệnh đang hoành hành trên vườn cây quá dữ dội.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất